Đồng USD 'lên đỉnh' khi dịch Corona ngày càng trầm trọng
Tuần qua 10-14/02/2020, tỷ giá trung tâm USD/VND tăng mạnh khi Trung Quốc rơi vào tình trạng cấp bách hơn bao giờ hết với số liệu người nhiễm virus Corona được công bố hôm 13/02 đã tăng gần 15,000 trong khi số người chết tăng 242 người chỉ sau một đêm.
Diễn biến tỷ giá trung tâm USD/VND từ đầu năm 2020 đến ngày 14/02/2020
|
Cụ thể, trong phiên sáng 14/02/2020, tỷ giá trung tâm USD/VND được niêm yết ở mức 23,215 đồng/USD, tăng 14 đồng, tương đương tăng 0.1% so với cuối tuần trước 07/02.
Cùng với đó, tỷ giá USD/VND tại ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 23,145/23,315 đồng/USD trong phiên sáng 14/02, tăng 5 đồng ở cả chiều mua và chiều bán, tương đương tăng 0.02% so với phiên 07/02.
Đồng thời, tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng 10 đồng cả chiều mua và chiều bán, tương đương tăng 0.04% so với cuối tuần trước, lên mức 23,200/23,220 đồng/USD.
Vào sáng ngày thứ Sáu (14/02/2020), chỉ số DXY ở mức cao 99.12 điểm, tăng 1% so với mức của phiên cuối tuần 07/02.
Đồng bạc xanh phiên 14/02 lên đỉnh sau khi Trung Quốc xác nhận có 15,152 ca nhiễm mới và 254 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 1,367 người và tổng số người nhiễm virus vọt lên gần 60,000 người.
Sự gia tăng lớn trong các số liệu công bố ngày 13/02 đã phủ bóng đen lên "kết quả tích cực" được Bắc Kinh tuyên bố từ những nỗ lực ngăn chặn virus.
Có nhiều lo ngại Trung Quốc có thể báo cáo thấp hơn số ca nhiễm virus thực tế ở nước này. Một quan chức cao cấp của Chính quyền ông Trump nói với hãng tin CNBC rằng “Mỹ không có sự tin tưởng cao đối với thông tin của Trung Quốc”. Quan chức này cũng nói thêm rằng “Trung Quốc tiếp tục từ chối lời đề nghị hỗ trợ của Mỹ”.
Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Tài chính của Thượng viện ngày 12/02, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng dịch tác động lớn đến Trung Quốc, còn đối với Mỹ sẽ chỉ có tác động trong năm nay. Ông cũng nói như Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell rằng Bộ Tài chính đang giám sát tình hình rất thận trọng.
Về mặt dữ liệu kinh tế, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã tăng nhẹ, nhưng vẫn ở gần mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ - một thước đo lạm phát được theo dõi rộng rãi – đã tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, đồng USD tăng một phần do dịch bệnh được cho là ảnh hưởng không lớn tới nền kinh tế Mỹ và đồng Euro đi xuống giữa lúc các nền kinh tế châu Âu khó khăn.
Khang Di
FILI
|