Doanh nghiệp như ngồi trên lửa do ảnh hưởng corona
Trong phạm vi ảnh hưởng dịch COVID-19, các doanh nghiệp ôtô đang như ngồi trên đống lửa khi thiếu hụt hàng sản xuất trong vòng 1-2 tháng tới. Thậm chí khả năng tạm dừng sản xuất được tính toán tới vì chưa tìm được nguồn linh kiện thay thế.
* Doanh nghiệp TQ không đủ tiền trả lương cho nhân viên vì dịch Covid-19
Doanh nghiệp lo lắng nguy cơ tạm dừng sản xuất, lắp ráp ôtô vì thiếu linh kiện phụ tùng từ Trung Quốc - Ảnh: C.TRUNG
|
Ông T.V.H. - tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất ôtô tải (Củ Chi, TP.HCM) - cho biết trung bình đơn vị đưa ra thị trường hơn 100 xe tải/tháng, kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra thì không thể nhập linh kiện phụ tùng từ Trung Quốc.
Kế hoạch năm 2020 đơn vị dự kiến tung ra 3 mẫu xe tải nhưng với tình hình hiện nay, ông H. cho biết nguy cơ phải tạm dừng.
"Chúng tôi cầm chừng hết tháng này mà không khôi phục được nguồn hàng, có nguy cơ dừng sản xuất. Tôi cho rằng ít nhất phải mất 2 tháng nữa, nhà máy sản xuất linh kiện ở Trung Quốc mới hoạt động và phải thêm 1 tháng mới đủ hàng để cung cấp.
Như vậy, doanh nghiệp phải nghỉ bất đắc dĩ khoảng 2 tháng, không sản xuất, sức ép cho doanh nghiệp ngày càng căng thẳng" - ông H. nói.
Ông Nguyễn Trí - giám đốc kinh doanh hãng xe máy điện P. tại Hà Nội - cho biết đang ngưng trệ sản xuất khi 70% nguồn linh kiện từ Trung Quốc đang hụt hàng. "Họ chưa khởi động sản xuất lại, chúng tôi lấy đâu ra linh kiện để lắp ráp đây" - ông Trí nói.
Theo các doanh nghiệp sản xuất ôtô tải, xe máy điện, tình trạng thiếu hụt linh kiện này kéo dài chắc chắn sẽ tạm ngừng sản xuất, thiệt hại rất nhiều bởi doanh thu sụt giảm, trong khi vẫn phải gánh chịu các chi phí lãi vay, lương, thuê mặt bằng, bảo quản dây chuyền, duy trì các đại lý...
Điều đáng lo ngại là không biết đến khi nào các nhà sản xuất tại Trung Quốc khôi phục sản xuất như trước.
Nhiều doanh nghiệp mong học sinh đến trường
Ông Âu Thanh Long - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ - cho biết đầu tuần này, giá gà công nghiệp giảm còn 8.000 đồng/kg, trứng gà còn 800 đồng/quả là mức giá bán chỉ bằng 40-50% giá thành.
Khách hàng tiêu thụ chính là các bếp ăn công nghiệp, trường học, bệnh viện... Do đó, nếu các trường học còn nghỉ dài sẽ đẩy ngành chăn nuôi gia cầm vào thế cực kỳ khó khăn, nhiều trang trại sẽ đóng cửa.
Tương tự, nhiều trường học tư thục cũng chịu "thế khó" như vậy do không thu được học phí nhưng vẫn phải chi trả các chi phí phát sinh hằng ngày.
"Chúng tôi đang phải vay nợ để trang trải chi phí hằng tháng. Nếu tình trạng còn kéo dài thì trường không thể trụ được" - giám đốc một trường tư thục cho biết. Vì thế, một số hiệu trưởng mong Bộ GD-ĐT cho phép các trường mầm non tư thục được nhận trẻ hỗ trợ cho các cha mẹ không có điều kiện chăm sóc tại nhà.
Trong trường hợp học sinh phải nghỉ vào tháng 3, các trường mong Bộ GD-ĐT cân nhắc các khoản hỗ trợ cho các trường tư thục, đặc biệt là lương cho các cô giáo mầm non đủ sống, để các trường có thể tiếp tục hoạt động.
TRẦN MẠNH
|
C.TRUNG
Tuổi trẻ