Đến 2025, khoa học công nghệ đóng góp 40% vào tăng trưởng kinh tế
Công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn, khoa học công nghệ đóng góp 40% vào tăng trưởng kinh tế, du lịch đóng góp 10% GDP.
* WB: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020 tăng nhẹ nhưng vẫn đối mặt nhiều rủi ro
* Việt Nam: Chu kỳ tăng trưởng kinh tế kéo dài
* Giảm giờ làm sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế
Các doanh nghiệp Việt đang từng bước làm chủ các công nghệ cao về viễn thông, công nghệ thông tin, sản xuất oto, vật liệu..., Ảnh: Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh VinSmart - T. HÀ
|
Đó là những nội dung đáng chú ý trong đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025" vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt.
Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch, tăng cường xuất khẩu dịch vụ, giảm thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, hướng tới thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế phát triển ngành dịch vụ nhằm tạo khuôn khổ chính sách và thể chế đồng bộ hướng vào việc xây dựng ngành dịch vụ chất lượng, hiệu quả và cạnh tranh; tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường trong phân bổ các nguồn lực phát triển các ngành dịch vụ.
Đề án đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7-7,5%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43-44% vào năm 2025. Về logistics và vận tải, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Du lịch được kỳ vọng đến năm 2025 đóng góp trên 10% GDP thông qua việc thu hút khoảng 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa; du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD và tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp...
Nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Việt Nam có khả năng chủ động trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, điện tử, các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin và chủ quyền quốc gia số.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thông qua yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế vào mốc năm 2025.
Đối với tài chính - ngân hàng, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện kế hoạch như tạo lập môi trường chung cho phát triển các ngành dịch vụ, phát triển hệ thống tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ phát triển bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin; giáo dục đào tạo; du lịch...
T. HÀ
Tuổi trẻ