COVID-19 có thể làm thế giới thiệt hại 1,1 nghìn tỉ USD nếu thành đại dịch
Theo Oxford Economics, một cơ quan dự báo và phân tích kinh tế toàn cầu hàng đầu, virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể làm thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 1,1 nghìn tỷ USD nếu nó trở thành đại dịch.
* Công xưởng thế giới chật vật mở cửa trở lại
* Du lịch thế giới có thể mất 80 tỉ USD vì vắng khách Trung Quốc
* Ngân hàng Thế giới: Trung Quốc 'quá giàu' không cần vay tiền để chống virus Corona
Như một cơn lốc quét qua Trung Quốc, virus corona chủng mới khiến các trung tâm thương mại, nơi công cộng, thành phố...vắng vẻ khác thường. Trong ảnh là một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh - Ảnh: AFP
|
Oxford Economics cảnh báo sự lây lan của virus sang các khu vực bên ngoài châu Á sẽ làm tăng trưởng toàn cầu giảm 1,3% trong năm nay, tương ứng với 1,1 nghìn tỉ USD thu nhập bị mất đi.
Theo mô hình dự báo kinh tế thế giới của tổ chức này, SARS-CoV-2 đã gây ra một hiệu ứng "ớn lạnh" đáng lo ngại do việc các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, ảnh hưởng đến các nước láng giềng, khiến các công ty phải chật vật tìm nguồn linh kiện cũng như hoàn thiện thành phẩm.
Hãng Apple đầu tuần qua đã thông báo đến các nhà đầu tư về việc không đạt được mục tiêu doanh thu quý vì nguồn cung iPhone tạm thời bị hạn chế, cũng như việc giảm chi tiêu của người Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19.
Nhà sản xuất xe hơi Jaguar Land Rover cũng cho biết sẽ hết phụ tùng xe hơi cho các nhà máy ở Anh vào cuối tuần tới nếu SARS-CoV-2 tiếp tục gây ảnh hưởng đến việc xuất - nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc.
Oxford Economics cho biết họ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ 6% năm ngoái xuống còn 5,4% trong năm 2020 do sự bùng phát của dịch COVID-19. Nếu dịch bệnh lan rộng hơn ở châu Á, GDP thế giới sẽ giảm 400 tỷ USD năm nay, tương đương 0,5%.
Tuy nhiên, nếu virus ra khỏi phạm vi châu Á và trở thành đại dịch toàn cầu, một viễn cảnh xấu, GDP thế giới sẽ giảm 1,1 nghìn tỷ USD, tương đương 1,3% so với dự báo hiện nay. Mức giảm 1,1 nghìn tỷ USD tương đương thế giới mất toàn bộ sản lượng hàng năm của Indonesia, nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới.
Các kịch bản cho thấy GDP thế giới bị ảnh hưởng do sự sụt giảm về tiêu dùng, du lịch lữ hành, một số hiệu ứng trên thị trường tài chính và làm cho đầu tư yếu hơn.
Công ty tư vấn khác là Capital Economics cũng cho biết tình hình ở Trung Quốc vẫn đang diễn biến, vẫn chưa rõ bao lâu nữa thì lệnh cách ly ở nhiều nơi ở Trung Quốc sẽ dẫn đến tình huống phải sa thải hàng loạt và cắt giảm lương trên diện rộng của các công ty.
Khoảng 85% các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn có đủ tiền để trả các khoản nợ và lương trong khoảng 6 tháng mà không có doanh thu. Tuy nhiên, các công ty vừa và nhỏ, có vai trò cung ứng đến 50% việc làm ở khu vực đô thị có thể sẽ không giữ được người lao động.
Khảo sát với 1.000 công ty vừa và nhỏ do 2 trường đại học ở Trung Quốc thực hiện cho thấy nếu tình hình không cải thiện, 1/3 doanh nghiệp sẽ hết tiền mặt trong vòng một tuần. Một khảo sát khác với 700 công ty cho thấy khoảng 40% công ty tư nhân sẽ hết tiền mặt trong vòng 3 tháng.
Viễn cảnh tốt đẹp nằm ở tuần sắp tới, nếu hoạt động kinh tế tăng trở lại, đa số nhân viên, đặc biệt là nhân viên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sẽ giữ được việc làm.
Người tiêu dùng có thể nhanh chóng chi tiêu trở lại do nhu cầu bị dồn nén. Điều này sẽ giúp những doanh nghiệp vừa và nhỏ, người tự kinh doanh tìm lại phần lớn thu nhập bị mất gần đây.
Oxford Economics cho biết họ vẫn cho rằng tác động của virus sẽ giới hạn ở Trung Quốc nhưng có tác động đáng kể trong ngắn hạn đến kinh tế giới.
Trường hợp xảy ra đại dịch thì sẽ là một cú sốc mạnh hơn cho 6 tháng tới.
HỒNG VÂN
Tuổi trẻ