Úc đau đầu với nạn ăn chặn tiền lương nhân viên
Chuỗi siêu thị khổng lồ Coles ở Úc đã trả thiếu 20 triệu đôla Úc cho các nhân viên quản lý tại các siêu thị và cửa hàng bán rượu của mình trong 6 năm qua.
Chuỗi siêu thị khổng lồ Coles ở Úc đã trả thiếu 20 triệu đôla Úc cho các nhân viên ở vị trí quản lý siêu thị và phụ trách cửa hàng rượu trong 6 năm qua - Ảnh: JOEL CARRETT/AAPIMAGE
|
Đây là trường hợp trả thiếu lương cho người lao động mới nhất được phát hiện ở Úc. Bộ trưởng Tư pháp Úc Christian Porter đã cảnh cáo các công ty Úc về việc trả lương dưới mức quy định cho nhân viên.
Bộ trưởng Porter ngày 18-2 đã đề ra một dự luật mới buộc chủ doanh nghiệp phải đăng thông báo công khai thừa nhận sai phạm của mình, hình sự hoá các hình thức bóc lột lao động nghiêm trọng như áp dụng án tù và mức phạt hành chính nặng.
Giám đốc của các công ty trả thiếu lương cho nhân viên có thể bị loại khỏi vị trí quản lý và các doanh nghiệp không nỗ lực ngăn chặn tình trạng trả lương thiếu có thể bị cấm tuyển dụng lao động nhập cư.
"Doanh nghiệp Úc giờ đây chắc chắn đã nhận thấy cần phải làm đúng nếu không muốn bị chế tài bởi những quy định nghiêm khắc hơn về việc trả lương thiếu, điều từng xảy ra ở Úc", bộ trưởng Porter nói.
Ngoài Coles, siêu thị Woolworths cũng nằm trong danh sách các công ty trả thiếu tiền lương cho nhân viên. Theo phát hiện vào năm ngoái đăng trên kênh 7news.com của Úc, trong gần 10 năm, siêu thị Woolworths đã giữ lại tổng cộng khoảng 300 triệu đôla Úc của nhân viên.
Ông Porter nhấn mạnh các công ty này sẽ không thoát án phạt nặng theo điều luật mới. Theo ông, mặc dù đa số các trường hợp trả lương thiếu là không cố ý, nhưng đây vẫn là một vấn đề nghiêm trọng vì nó thể hiện sự cẩu thả và không tuân thủ luật pháp tại nơi làm việc.
Lãnh đạo phe đối lập Anthony Albanese yêu cầu liên đảng cần hành động nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng trả lương thiếu ngày càng gia tăng tại Úc, và khẳng định tên gọi của trả lương thiếu chính xác là "bóc lột".
Theo đài SBS, ăn chặn tiền lương là một vấn nạn rất lớn xảy ra ở diện rộng ở Úc, chủ yếu nhằm vào lao động di dân và sinh viên quốc tế.
HỒNG VÂN
Tuổi trẻ