Ngành thời trang toàn cầu gặp ‘ác mộng’ vì corona
Các nhà sản xuất hàng xa xỉ đang dự đoán những thiệt hại đáng kể do sự bùng phát của virus corona, trong khi những bộ sưu tập mới có thể đến tay các nhà bán lẻ ở High Street chậm hơn vài tháng.
Ngành công nghiệp thời trang toàn cầu hiện có giá trị 2 ngàn tỷ bảng và mang lại cho Vương quốc Anh doanh thu hơn 30 tỷ bảng mỗi năm.
Theo ngân hàng đầu tư Jefferies, người tiêu dùng Trung Quốc chiếm 80% tăng trưởng trên thị trường này.
"Đó là một cơn ác mộng", Flavio Cereda, một giám đốc quản lý tại Jeffries, nói.
Sức mạnh của người tiêu dùng Trung Quốc đã tăng lên trong thập niên qua và hiện chiếm 38% ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Năm 2003, khi thế giới gặp đại dịch SARS, người tiêu dùng Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 8% thị trường.
Đến ngày 23/01, dự báo doanh số năm 2020 vẫn có vẻ tốt.
Tuy nhiên, với việc một số thành phố Trung Quốc đang bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần, những ca nhiễm bệnh và tử vong tăng đột biến, các trung tâm mua sắm bị bỏ hoang, công nhân phải ở nhà, ngành công nghiệp hàng xa xỉ đang lo lắng nghiêm trọng.
Đã có những cảnh báo về lợi nhuận từ Burberry, Ralph Lauren, Tapestry, Moncler và Capri Holdings - công ty mẹ của các thương hiệu như Versace, Michael Kors và Jimmy Choo.
"Chúng tôi chưa bao giờ thấy tình huống như thế này, doanh số bị giảm xuống zero và nó ảnh hưởng đến tất cả, dù là thương hiệu lớn hay nhỏ", ông Cereda nói với BBC.
Ông Cereda nghĩ chắc chắn có sự phục hồi, vì có nhiều "nhu cầu bị dồn nén" từ người tiêu dùng Trung Quốc và nguồn chi tiêu đó rất quan trọng đối với tăng trưởng trong ngành thời trang toàn cầu. Tuy nhiên, có thể phải đến mùa hè, niềm tin của người tiêu dùng mới trở lại được.
"Người mua sắm Trung Quốc hiện có rất nhiều tiền để chi tiêu. Vì vậy, dù họ đến Vương quốc Anh để mua sắm và chi tiêu, hay ở Trung Quốc mua các thương hiệu của Anh, cũng sẽ gây ra vấn đề, bởi vì không có sản phẩm và không có ai bán lẻ cả. Bạn không chỉ gặp phải vấn đề đưa sản phẩm ra khỏi Trung Quốc mà còn bị đóng cửa các văn phòng đặt ở đó”, Maria Marlone, giảng viên chính tại Viện thời trang của Đại học Manchester Metropolitan nói với chương trình “Wake Up to Money” của BBC Radio 5 Live.
Sản xuất tác động đến nhà bán lẻ
Các nhà bán lẻ High Street cũng sẽ không tránh khỏi tác động của sự bùng phát virus corona. Một số nhà bán lẻ có cửa hàng tại Trung Quốc đại lục và Đông Nam Á, nhưng ngay cả khi không có sự hiện diện tại châu Á, nhiều hoạt động sản xuất vẫn được thực hiện ở Trung Quốc.
Theo chuyên gia bán lẻ Kate Hardcastle, các nhà bán lẻ ở Anh đang đối mặt với sự chậm trễ trong những bộ sưu tập thời trang mùa xuân, ít nhất từ bốn đến sáu tuần.
"Hàng chất lượng cao như Burberry và John Smedley vẫn được sản xuất tại Anh, nhưng chất lượng tầm trung như M&S đã được chuyển sang Trung Quốc vài năm trước”.
Bà Hardcastle tỏ ra lo lắng về tác động của sự chậm trễ trong việc giao hàng lên High Street, vốn đã “quay cuồng” sau một mùa Giáng sinh ảm đạm.
"Bộ sưu tập mùa xuân và mùa hè tạo ra sự quan tâm tăng vọt trên mạng và trong các cửa hàng. Chúng giúp thúc đẩy thời gian khách hàng dành ra để xem hàng trên mạng và tại cửa hàng", bà nói.
Người tiêu dùng muốn mua theo xu hướng ngay khi nhìn thấy và muốn các sản phẩm trong cửa hàng luôn trông "tươi mới", nhưng điều này không dễ dàng có được nếu sự chậm trễ trong giao hàng vẫn tiếp diễn.
"Nhà bán lẻ không có nhiều khả năng chịu đựng các vấn đề tiếp theo – hiện vẫn còn 70-80% hàng giảm giá đầy rẫy trên các trang web, thậm chí ở những trang web thời trang cao cấp”.
Nhã Thanh (Theo BBC)
FILI
|