Thứ Tư, 01/01/2020 21:08

Tưởng tập đoàn Trung Quốc đầu tư sân bay, hóa ra mua đi bán lại kiếm lời

Đối tác Trung Quốc quyết định rút khỏi quá trình cổ phần hóa sân bay Toulouse-Blagnac (Pháp) sau khi bị các cổ đông địa phương chỉ trích là "quản lý sặc mùi con buôn".

Sân bay Toulouse-Blagnac thu hút 10 triệu lượt hành khách mỗi năm. Ảnh: MAXPPP

Ngày 30-12-2019 (giờ địa phương), Tập đoàn Eiffage của Pháp đã giải quyết xong thương vụ mua lại 49,99% cổ phần sân bay Toulouse-Blagnac của Công ty CASIL Europe (Trung Quốc) với giá 500 triệu euro. Tính ra sau bốn năm, CASIL Europe lãi tròm trèm 200 triệu euro (hơn 220 triệu USD).

Tập đoàn Trung Quốc nhảy vào

Sân bay Toulouse-Blagnac nằm ở ngoại ô thành phố Toulouse (tỉnh Haute-Garonne) thuộc vùng tây nam nước Pháp. Sân bay do Công ty Aéroport Toulouse-Blagnac (ATB) quản lý, đứng thứ ba ở Pháp về số lượt hành khách với 10 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Theo trang web của Thượng viện Pháp, ngày 17-4-2015 nhà nước Pháp chính thức bán 49,99% cổ phần của ATB cho Công ty CASIL Europe với giá 308 triệu euro.

40% cổ phần thuộc về các cổ đông địa phương gồm Phòng thương mại và công nghiệp Toulouse, vùng Toulouse Métropole, vùng Occitanie và tỉnh Haute-Garonne. 10,01% cổ phần còn lại thuộc về nhà nước Pháp.

CASIL Europe được thành lập ở Pháp do Tập đoàn Symbiose của Trung Quốc kiểm soát. Tập đoàn này gồm Công ty nhà nước Shandong Hi-Speed Group ở tỉnh Sơn Đông chiếm 51% cổ phần và quỹ đầu tư Friedmann Pacific AM ở Hong Kong giữ 49% cổ phần còn lại.

Hai doanh nghiệp này cũng là chủ sở hữu Công ty China Airport Synergy Investment Limited (CASIL) ở Hong Kong.

Toàn cảnh sân bay Toulouse-Blagnac. Ảnh: toulouse.aeroport.fr

Cổ phần hóa gây tranh cãi

Quá trình cổ phần hóa sân bay Toulouse-Blagnac đã gây ra nhiều tranh cãi. Bất đồng lớn giữa đối tác Trung Quốc CASIL Europe với các cổ đông Pháp liên quan đến cổ tức.

Các cổ đông địa phương cáo buộc CASIL Europe chỉ lo vun quén tối đa cổ tức chứ chẳng quan tâm gì đến lập quỹ dự trữ tài chính.

Ngược lại, CASIL Europe thường xuyên khoe khoang đã làm hết sức để phát triển sân bay và đã đầu tư thêm 84 triệu euro trong khi hợp đồng chỉ yêu cầu 60 triệu euro.

Trước khi đối tác Trung Quốc mua cổ phần, các cổ đông địa phương chú trọng tích lũy nguồn dự trữ tài chính. Trong khi đó CASIL Europe chia hết cổ tức. Trong bốn năm, cổ tức đã lên tới 28,79 triệu euro.

Năm ngoái, các cổ đông địa phương tiếp tục phê phán CASIL Europe thực hiện "cung cách quản lý kiểu con buôn chỉ lo kiếm tiền trước mắt". Sau đó, CASIL Europe thông báo rút vốn.

Bất đồng thứ hai đối với đối tác Trung Quốc liên quan đến Nhà nước Pháp sau khi Nhà nước Pháp tuyên bố từ chối bán lại hơn 10% cổ phần nắm giữ.

Ông Marc Péré - phó chủ tịch vùng Toulouse Métropole - than phiền thương vụ kiếm lời bạc trăm triệu euro của đối tác Trung Quốc. Ảnh: RADIO FRANCE

"Một vụ bê bối nhà nước"

Báo Le Monde (Pháp) nhận định chính cung cách làm ăn của Công ty CASIL Europe đã làm dấy lên tranh luận chính trị về việc chọn lựa đối tác trong quá trình cổ phần hóa.

Hôm 30-12-2019, ông Marc Péré - thị trưởng thành phố L’Union (tỉnh Haute-Garonne) kiêm phó chủ tịch vùng Toulouse Métropole - đã viết trên Facebook: "Nhận được lãi 200 triệu euro. Trong tiếng vỗ tay của chúng ta… Người Pháp chơi quá đẹp".

Ông cho rằng sân bay Toulouse-Blagnac sống bằng tiền thuế của dân từ nhiều thập niên, vì vậy phải xem thương vụ mang lại 200 triệu euro cho đối tác Trung Quốc CASIL Europe là "một vụ bê bối nhà nước, một vụ đáng xấu hổ, một vụ cướp có tổ chức được các cơ quan công quyền Pháp hậu thuẫn".

Ý kiến tranh luận sẽ tiếp tục sôi nổi hơn bởi hiện nay Chính phủ Pháp đã bắt đầu quá trình cổ phần hóa Tập đoàn ADP (chuyên xây dựng, thiết kế và khai thác các nền tảng sân bay) cùng các công ty khai thác sân bay Roissy và sân bay Orly ở thủ đô Paris.

Tập đoàn Eiffage là ai?

Eiffage là tập đoàn đứng thứ ba ở Pháp trong lĩnh vực xây dựng và công trình công cộng. Đối với Tập đoàn Eiffage, mua lại cổ phần sân bay Toulouse-Blagnac nằm trong chiến lược phát triển các sân bay tương tự chiến lược đã được đối thủ cạnh tranh Vinci thực hiện nhiều năm nay.

Tập đoàn Vinci phát triển chủ yếu ở nước ngoài với các thương vụ mua bán lớn như mua sân bay Gatwick ở London (Anh). Trong khi đó Eiffage chỉ tập trung vào các sân bay trong nước.

Hoàng Duy Long

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Sắp ký thỏa thuận thương mại,Trung Quốc vẫn nói cứng 'không sợ đánh đấm' (01/01/2020)

>   Tỷ phú giàu nhất châu Á chi hàng tỷ USD để đấu với Amazon (01/01/2020)

>   Tổng thống Mỹ hé lộ thời điểm ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc (01/01/2020)

>   Chủ tịch Huawei: 'Sinh tồn là ưu tiên hàng đầu trong năm 2020' (31/12/2019)

>   Những tỷ phú cho đi nhiều nhất trong năm 2019 (31/12/2019)

>   Bảy vụ M&A định hình lại kinh tế thế giới thập niên qua (30/12/2019)

>   Thị trường ô tô Hàn Quốc dự báo đảo chiều trong năm 2020 (29/12/2019)

>   Con cá mè hoa khổng lồ bán với giá gần 9,8 tỉ đồng (29/12/2019)

>   Bong bóng xe điện Trung Quốc sắp nổ (28/12/2019)

>   Những vụ phá sản lớn nhất ngành bán lẻ trong năm 2019 (28/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật