Những vụ phá sản lớn nhất ngành bán lẻ trong năm 2019
Năm 2019, một số nhà bán lẻ đã nộp đơn phá sản theo Chương 11 để bảo vệ hoạt động của họ. Một vài trong số này đã có thể hồi phục sau khi phá sản, nhưng những công ty khác không gượng dậy nổi đành đóng cửa các cửa hàng và cuối cùng biến mất. Dưới đây là những vụ phá sản lớn nhất trong ngành bán lẻ năm 2019.
A’gaci
Thương hiệu quần áo dành cho phụ nữ A’gaci tuyên bố phá sản lần thứ hai trong năm 2019, khi thông báo kế hoạch đóng cửa tất cả 54 cửa hàng. Nhà bán lẻ này cũng ngừng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trước khi nộp đơn phá sản theo Chương 11, Retail Dive đưa tin.
Avenue
Nhà bán lẻ quần áo cỡ lớn Avenue Stores nộp đơn phá sản theo Chương 11 vào tháng 8, đồng thời đóng cửa tất cả 222 cửa hàng. Công ty này cho biết đã tuyên bố phá sản khi tìm người mua lại mảng kinh doanh thương mại điện tử. Các cửa hàng thật ngoài đời của họ đã đóng cửa vào cuối tháng 9.
Barneys New York
Một ngày sau khi tuyên bố sẽ đóng cửa các cửa hàng ở Chicago, Las Vegas và Seattle, Barneys New York đã nộp đơn phá sản theo Chương 11 và cho biết tất cả cửa hàng của họ đều hoạt động thua lỗ. Khi nhà bán lẻ này cố gắng đàm phán lại hợp đồng thuê với các chủ nhà, họ bắt đầu tìm người mua lại và cuối cùng được Authentic Brands “ra tay” giúp đỡ.
Beauty Brands
Beauty Brands nộp đơn phá sản theo Chương 11 hồi tháng 1 khi thông báo về kế hoạch đóng cửa 25 cửa hàng và bán 33 địa điểm còn lại. Các tài sản của công ty này được Hilco Merchant Resources mua lại sau đó, Retail Dive đưa tin.
Charlotte Russe
Charlotte Russe cũng chịu phá sản trong năm 2019, khi thông báo sẽ đóng cửa khoảng 94 địa điểm cửa hàng. Công ty này cho biết vào thời điểm đó, họ đang tìm cách bán doanh nghiệp và cuối cùng bán cho YM Inc. vào tháng 4. Họ cũng đã bán thương hiệu Peek Kids cho một công ty khác và đóng cửa tất cả 500 cửa hàng tại thời điểm thương vụ mua lại diễn ra.
Charming Charlie
Nhà bán lẻ trang sức và phụ kiện Charming Charlie đã đóng cửa vĩnh viễn tất cả 261 cửa hàng sau khi nộp đơn phá sản theo Chương 11 lần thứ hai. Công ty này sụp đổ sau khi tìm cách cắt giảm nợ và chi phí nhưng không đủ tài chính để ổn định việc kinh doanh và tạo ra doanh thu để tiếp tục hoạt động. Họ đã đóng cửa tất cả cửa hàng vào cuối tháng 8 vừa qua.
Destination Maternity
Destination Maternity nộp đơn phá sản theo Chương 11 hồi tháng 10 với khoản nợ 244 triệu USD. Công ty này có doanh số bán hàng ì ạch vì tỷ lệ sinh của nước Mỹ giảm. Nhà bán lẻ này, cũng là nơi điều hành các cửa hiệu Motherhood Maternity, Pea in the Pod và Destination Maternity, dự định “bán mình” trong một phiên đấu giá tháng 12 nhưng không có người mua nên có thể bị buộc phải thanh lý, Retail Dive đưa tin.
Diesel USA
Nhà bán lẻ quần jean Diesel USA nộp đơn phá sản vào tháng 3 và đóng cửa các cửa hàng trong quá trình này. Công ty lên kế hoạch tổ chức lại với các địa điểm nhỏ hơn sau khi bị sụt giảm doanh số ròng và trộm cắp, gian lận, Retail Dive đưa tin. Nhà bán lẻ này cũng báo cáo họ đang tìm cách đàm phán lại hợp đồng thuê với các chủ nhà trong khi đóng cửa các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả.
Forever 21
Nhà bán lẻ quần áo tuổi teen Forever 21 nộp đơn phá sản theo Chương 11 vào tháng 9. Họ có kế hoạch đóng cửa 178 cửa hàng cũng như giảm sự hiện diện ở châu Âu và châu Á. Công ty này đã rút khỏi một số thị trường Trung Quốc, Đài Loan và Pháp vì không thể thu hút người tiêu dùng bằng quần áo giảm giá.
Fred’s
Người tiêu dùng phải nói lời tạm biệt với Fred’s sau nhiều đợt đóng cửa của nhà bán lẻ này. Fred’s cuối cùng cũng thông báo họ đã nộp đơn phá sản theo Chương 11 vào tháng 9 và sẽ đóng cửa tất cả cửa hàng trong vòng 60 ngày. Quá trình thanh lý công ty bắt đầu nhanh chóng và kết thúc bằng việc công ty 72 tuổi này bị đóng cửa vĩnh viễn.
FullBeauty Brands
FullBeauty Brands giữ kỷ lục “phá sản nhanh nhất” khi nhận được sự chấp thuận chỉ trong 24 giờ. Nhà bán lẻ có quy mô lớn này công bố kế hoạch nộp đơn phá sản theo Chương 11 vào tháng Giêng và chuyển quyền kiểm soát cho các bên cho vay, Retail Dive đưa tin.
Gymboree
Hồi tháng Giêng, tập đoàn bán lẻ quần áo trẻ em Gymboree Group nộp đơn phá sản theo Chương 11 lần thứ hai trong hai năm. Công ty này đã đóng cửa phần lớn trong số 900 cửa hàng tại thời điểm đó, bao gồm các thương hiệu Gymboree, Janie & Jack và Crazy 8. Theo CNBC, cuối cùng, Gymboree tìm được người mua là Children’s Place, công ty đã mua lại nhà bán lẻ này cùng thương hiệu Crazy 8 với giá 76 triệu USD. Trong khi đó, Gap mua thương hiệu Janie và Jack với giá 35 triệu USD, hãng tin này cho biết.
Payless ShoeSource
Payless ShoeSource đã đóng cửa tất cả 2,300 cửa hàng khi nộp đơn phá sản vào tháng 2. Nhà bán lẻ giày này đã tìm người mua lại nhưng những nỗ lực của họ không có kết quả vì không có nhà đầu tư hứa hẹn nào tiến tới. Công ty đã thanh lý tài sản. Đây là lần phá sản thứ hai của Payless ShoeSource.
Shopko
Shopko buộc phải đóng cửa tất cả 360 cửa hàng khi nộp đơn phá sản theo Chương 11 hồi tháng Giêng. Vào thời điểm nộp đơn phá sản, công ty này tuyên bố họ đang tái cấu trúc hoạt động và đóng cửa 38 cửa hàng trong quá trình này. Tuy nhiên, Shopko cuối cùng phải đóng cửa sau 57 năm kinh doanh.
Things Remembered
Things Remembered được cho là đã nộp đơn phá sản trong khi bán mình cho Enesco - một nhà bán lẻ quà tặng và trang trí nhà. Tin tức về việc nộp hồ sơ phá sản theo Chương 11 bị lộ ra cùng thời điểm vụ mua lại Things Remembered được công bố, khiến công ty này phải đóng cửa hầu hết 400 cửa hàng, Retail Dive đưa tin.
Z Gallerie
Công ty trang trí nhà Z Gallerie nộp đơn phá sản theo Chương 11 vào tháng 3, nói rằng họ sẽ đóng cửa 17 trong số 76 cửa hàng và trở lại sau bốn tháng. Z Gallerie bị nợ tồn đọng 138 triệu USD vào thời điểm đó và số dư tiền mặt chưa đến 2 triệu USD, Retail Touch Points đưa tin.
Nhã Thanh (Theo IBTimes)
FILI
|