Thứ Năm, 26/12/2019 20:30

Kế hoạch thúc đẩy kinh tế không tiền mặt của Hy Lạp: Phạt nặng những người không tuân thủ quy định

Tại cửa hàng sách của Marios Fotiadis ở trung tâm thành phố Athens, Hy Lạp, ngày nào, anh cũng thấy cùng một loại khách hàng. “Họ bước vào, rút tiền mặt ra và yêu cầu được giảm giá. Họ muốn tránh xài thẻ vì chi phí quá cao”, anh nói.

Các nhà báo và công nhân truyền thông.

Chính phủ mới Hy Lạp sẽ “tuyên chiến” với loại người mua sắm này. Nước này muốn bước vào kỷ nguyên thương mại không tiền mặt, động thái mà họ tin sẽ làm giảm nạn trốn thuế và đưa doanh thu vào kho bạc của một trong những nền kinh tế mắc nợ nhiều nhất thế giới.

Theo luật pháp được Quốc hội của Chính phủ bảo thủ mới của Hy Lạp thông qua gần đây, cơ quan thuế sẽ phạt nặng những ai chỉ thanh toán bằng tiền mặt.

Một số lượng khá lớn người Hy Lạp đang chỉ trích các quy định mới này. Hầu hết xem đó là đợt tăng thuế khác khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại. (Sau nhiều năm thực hiện các chương trình thắt lưng buộc bụng trong cuộc khủng hoảng kinh tế 10 năm của nước này, nền kinh tế cuối cùng đã đứng vững và dự kiến ​​sẽ tăng trưởng ở mức 2.8% trong năm tới, nhanh hơn gấp đôi so với mức trung bình của EU). Những người khác thì cho rằng việc chuyển sang thanh toán kỹ thuật số đồng nghĩa Chính phủ sẽ biết quá nhiều thông tin về họ.

Fotiadis tin rằng luật mới sẽ thất bại. Theo anh, nếu Chính phủ thực sự nghiêm túc về việc biến Hy Lạp thành nền kinh tế không tiền mặt, họ sẽ gây áp lực cho các ngân hàng để thanh toán kỹ thuật số trở nên dễ dàng và rẻ hơn đối với người Hy Lạp hàng ngày. Anh lập doanh nghiệp vào năm 2013, công việc kinh doanh mở rộng trong ba năm qua khi nền kinh tế phục hồi và anh đã nhận thêm nhân viên, nhưng tăng trưởng trong thanh toán điện tử vẫn tương đối nhỏ, anh cho biết.

Củ cà rốt hay cây gậy?

Trên khắp thế giới, các Chính phủ, doanh nghiệp và Big Finance đã thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt khi thương mại trực tuyến và ngân hàng di động “cất cánh”. Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi đó, các quốc gia thường thích dùng “củ cà rốt” hơn, bằng cách chủ yếu sử dụng những ưu đãi thuế để tăng cường giao dịch trực tuyến. Chẳng hạn, ở Hàn Quốc, người nộp thuế sẽ được giảm thuế nếu dùng phương tiện kỹ thuật số.

Do đó, quyết định của Hy Lạp sử dụng “cây gậy” - nghĩa là phạt tiền với những người không chịu thanh toán kỹ thuật số - là điều bất thường.

Bắt đầu từ năm 2020, người nộp thuế được yêu cầu cung cấp bằng chứng về việc họ đã chi 30% thu nhập hàng năm ở đâu và như thế nào. Các biên lai điện tử về một loạt chi phí, từ mua giày đến trả học phí, phải được nộp cho chính quyền như bằng chứng cho thấy thu nhập đã được chi tiêu hợp pháp trong suốt cả năm.

Nếu các biên lai được nộp không đạt mốc 30%, thì mức phạt 22% sẽ được áp dụng cho số tiền không đạt ngưỡng tối thiểu đó.

Các quan chức Chính phủ Hy Lạp ước tính điều này sẽ đẩy khoảng 2 tỷ euro từ nền kinh tế ngầm vào tầm kiểm soát của cơ quan thuế, cho phép Nhà nước thu được một phần từ đó. Lâu nay, Hy Lạp phải “vật lộn” để kiểm soát nền kinh tế ngầm của họ - vốn được đánh giá là một trong những nền kinh tế ngầm lớn nhất ở châu Âu - nhưng đang có được tiến triển tốt.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, giá trị ước tính của hàng hóa và dịch vụ chưa được khai báo lên tới 26.4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2015, so với 28.4% vào năm 2012. Ở Nam và Trung Âu, các quốc gia có nền kinh tế ngầm lớn thường giải quyết việc trốn thuế thông qua luật việc làm, chẳng hạn như yêu cầu các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên bằng các phương tiện điện tử. Dự luật về thanh toán kỹ thuật số sẽ đưa Hy Lạp vào vị trí độc tôn so với các quốc gia khác trong khu vực.

Áp lực từ các chủ nợ

Hy Lạp cũng chịu áp lực đáng kể là phải đạt được một loạt mục tiêu tài khóa do nhiều chủ nợ quốc tế đưa ra, trong đó có việc đạt được thặng dư ngân sách đầy khó khăn như điều kiện để nhận được hàng tỷ tiền tài trợ. Athens hy vọng sẽ sớm đàm phán lại các điều khoản này và có thỏa thuận tốt hơn vì nền kinh tế của họ đang trên đà sửa đổi và đất nước đã bắt đầu tự có nguồn quỹ bằng cách phát hành trái phiếu.

Bộ trưởng Tài chính Christos Staikouras lập luận rằng các khoản phạt do không thanh toán kỹ thuật số sẽ giúp giảm gánh nặng thuế cho một số lượng lớn người dân. "Các giao dịch điện tử trên toàn thế giới là yếu tố quan trọng trong việc mở rộng cơ sở thuế và giảm trốn thuế", Bộ trưởng nói trước Quốc hội. Người trên 70 tuổi, cũng như những người thất nghiệp, được miễn điều này.

Đòi hỏi người nộp thuế giải thích rõ thói quen chi tiêu của họ không phải là điều mới mẻ với người Hy Lạp.

Chính phủ cánh tả trước đây ban đầu đưa ra các khoản tiền phạt này vào năm 2017, trong một động thái gần như không được chú ý (nếu không muốn nói là hoàn toàn bị bỏ qua), yêu cầu phải có bằng chứng thanh toán trực tuyến ở mức 10-20% thu nhập, so với mức tối thiểu 30% mới. Các tiêu chí được củng cố thêm bằng quyết định mở rộng loại thu nhập phải phù hợp một phần với thanh toán điện tử để bao gồm doanh thu từ các tài sản bất động sản. Đây là động thái có thể ảnh hưởng đến nhiều doanh nhân AirBnB ở Athens và chủ nhà bình thường.

Điều này đã gây phẫn nộ cho POMIDA, nhóm chủ sở hữu bất động sản Hy Lạp. Họ nói thật không công bằng vì chủ sở hữu bất động sản thường không nhận được nhiều hóa đơn điện tử. 

Kiểm soát vốn

Nền kinh tế tiền mặt của Hy Lạp đang bắt đầu có được đà tăng trở lại và đây là điều mà Bộ Tài chính quan tâm. Nhiều người ở nước này buộc phải chuyển sang ngân hàng trực tuyến, sau khi các biện pháp kiểm soát vốn được đưa ra vào mùa hè năm 2015 để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp. Tuy nhiên, những hạn chế đối với sự chuyển động của tiền mặt dần được nới lỏng kể từ đó và đã được gỡ bỏ hoàn toàn vào tháng 9/2019.

Thuế tiêu dùng cao hơn và phí ngân hàng tăng cũng đang khiến thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trở nên ít phổ biến hơn.

Việc tăng phí gần đây được công bố bởi bốn ngân hàng hàng đầu nước này đã thúc đẩy sự can thiệp của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis vào tháng 10, người đã yêu cầu các ngân hàng hủy bỏ việc tăng giá. Họ hứa sẽ xem xét lại nhưng phần lớn vẫn giữ nguyên quyết định. Vài tuần sau, các quan chức từ cơ quan giám sát cạnh tranh của Hy Lạp đã đột kích vào trụ sở của bốn ngân hàng hàng đầu nước này là ngân hàng Piraeus, ngân hàng Quốc gia, ngân hàng Alpha và Eurobank, để điều tra về các hành động cố định giá. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.

Bất chấp các điều kiện khó khăn, Hy Lạp lần đầu tiên thực hiện các bước để giảm thuế ở nơi khác trong hơn một thập kỷ. Việc thúc đẩy thương mại không tiền mặt là một phần của gói cải cách rộng lớn hơn, giảm thuế cho người lao động tự do, công nhân, công ty và nhà đầu tư. Điều này đang giúp thúc đẩy tình cảm, mặc dù những cải tiến vẫn chưa phù hợp với tài chính cá nhân vì thị trường việc làm vẫn còn khó khăn và bất kỳ sự gia tăng nào đối với thu nhập khả dụng trung bình của Hy Lạp là không đáng kể.

Đối với một số người, luật mới được coi là một cuộc “xâm lược” quyền riêng tư.

Elena Nicolaou, người gần đây bắt đầu làm giáo viên mẫu giáo sau khi hoàn thành việc học đại học năm ngoái, quan tâm đến việc Chính phủ có bao nhiêu thông tin về cô. Cô đang kiếm được mức lương tối thiểu, khoảng 600 Euro mỗi tháng, và không chắc liệu cô có tránh được khoản phạt đó không.

"Họ muốn biết mọi thứ về tôi: Thói quen mua sắm, nơi tôi đến và sẽ đến. Điều đó không phải việc của họ. Tôi có đóng thuế và thế là đủ", cô nói.

Nhã Thanh (Theo Fortune)

FILI

Các tin tức khác

>   Bất chấp bẫy nợ, Lào 'dùng đất đổi tiền' từ Trung Quốc với những đặc khu kinh tế 90 năm (25/12/2019)

>   Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là điểm nóng về vỡ nợ ở châu Á? (25/12/2019)

>   Tỷ phú Bloomberg lập công ty riêng phục vụ chiến dịch tranh cử tổng thống (24/12/2019)

>   Starbucks biến các ngày lễ trên khắp thế giới thành tiền như thế nào? (24/12/2019)

>   Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới như thế nào? (23/12/2019)

>   Những sự kiện gây chấn động giới kinh doanh năm 2019 (23/12/2019)

>   Chính phủ siết nạn đầu cơ, người Hàn vẫn mua cả chục căn nhà (23/12/2019)

>   Ông Trump sử dụng chiêu gì để tái đắc cử năm 2020? (22/12/2019)

>   10 năm nữa đàn heo Trung Quốc mới có thể hồi phục (22/12/2019)

>   Các ưu tiên của EU trong đàm phán thương mại với Anh (22/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật