Thứ Hai, 30/12/2019 20:30

Bảy vụ M&A định hình lại kinh tế thế giới thập niên qua

Thập niên 2010 là quãng thời gian bận rộn cho việc sáp nhập và mua lại (M&A). Khi nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi sau cú sốc tài chính lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, các công ty khỏe mạnh nhất sẵn sàng “đột kích” bằng các giao dịch lớn.

Tổng cộng, thập niên 2010 đã chứng kiến ​​464,439 vụ M&A trên toàn thế giới, tăng 25% so với thập niên trước, theo Viện sáp nhập, mua lại và liên minh - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về M&A. Tổng giá trị của tất cả giao dịch đó tăng 26% so với thập niên trước, lên 34.3 ngàn tỷ USD.

Dưới đây là 7 thương vụ M&A được xem là “định hình lại kinh tế thế giới” trong thập niên vừa qua:

Facebook mua Instagram

Tháng 04/2012. Giá mua: 1 tỷ USD

Từ năm 2012-2014, Facebook đã thực hiện 3 vụ thôn tính táo bạo khi lần lượt mua Instagram với giá 1 tỷ USD, rồi WhatsApp với giá 19 tỷ USD và Oculus VR với giá 2 tỷ USD. Trong số này, cho đến nay, thương vụ Instagram là có tác động lớn nhất đến các thị trường và xã hội. Mặc dù Facebook phải đối mặt với phản ứng dữ dội vào thời điểm đó nhưng đây cũng là vụ “đánh cắp” lớn nhất. Năm ngoái, Instagram được định giá hơn 100 tỷ USD, khoản lợi nhuận khổng lồ mà hầu hết nhà đầu tư chỉ có thể mơ ước.

Trong khi đó, WhatsApp đang định hình lại cách mọi người giao tiếp trên toàn thế giới và có thể ảnh hưởng nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta so với Instagram. Tuy nhiên, triển vọng của Oculus vẫn là một sự không chắc chắn. Mark Zuckerberg đã ám chỉ nó có tiềm năng lâu dài lớn nhất nhưng cho đến nay, thực tế ảo vẫn chưa phổ biến với người dùng.

Verizon mua Verizon Wireless

Tháng 09/2013. Giá mua: 127.8 tỷ USD

Thương vụ lớn nhất trong thập niên này thuộc về gã khổng lồ viễn thông Verizon. Để có tiền cho vụ giao dịch này, họ phải phát hành lượng trái phiếu trị giá 49 tỷ USD - lớn gấp đôi so với bất kỳ đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp nào trong lịch sử. Verizon đã huy động tiền số tiền trên để mua lại 45% cổ phần của Vodafone trong liên doanh có tên Cellco Partnership (hay Verizon Wireless) do cả hai thành lập vào năm 2000.

Thương vụ trên đã củng cố vị thế dẫn đầu của Verizon trong thời đại không dây và thúc đẩy sự hợp nhất trong ngành viễn thông. Mặc dù có những lo ngại ban đầu về việc bị quá nhiều nợ nhưng ngày nay, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Verizon đã giảm mạnh. Trong khi đó, cổ phiếu của công ty này tăng 34% kể từ khi giao dịch trên được công bố.

Thương vụ hợp nhất giữa Kraft và Heinz

Tháng 03/2015. Giá trị thị trường: 80 tỷ USD

Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đã trải qua một số thay đổi “đau đớn” trong thập niên này, do thị hiếu của tiêu dùng phát triển. Các thương hiệu có tên tuổi phải cạnh tranh với những thương hiệu mới hơn - và thường có tính xu hướng hơn, kích hoạt sự hợp nhất khi các thương hiệu gia đình ngày càng mờ nhạt. Thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực này là Anheuser-Busch InBev mua SAB Miller với giá 123 tỷ USD vào năm 2015. Cùng năm, Heinz và Kraft cũng sáp nhập. Dù nhỏ hơn, nhưng thỏa thuận đó lại có nhiều điều đáng nói hơn.

Tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã hợp tác với 3G Capital để mua Heinz vào năm 2013. Sau đó, họ đã dàn xếp việc sáp nhập, trong đó Heinz mua cổ phần kiểm soát tại Kraft. Năm 2017, Kraft Heinz đề nghị mua lại gã khổng lồ trong ngành hàng tiêu dùng là Unilever với giá 143 tỷ USD nhưng bị từ chối. Kraft Heinz rút lại lời đề nghị hai ngày sau đó. Và trong năm nay, công ty này bị giảm giá trị 15 tỷ USD do các thương hiệu Oscar Mayer và Kraft ngày càng mờ nhạt.

Thương vụ trên cũng là sai lầm hiếm gặp của Buffett. Năm 2015, ông phấn khích nói về vụ sáp nhập này, nhưng vào tháng 9 năm ngoái, ông thừa nhận với CNBC là đã sai lầm: “Chúng tôi đã trả quá cao cho Kraft”. Cổ phiếu của công ty bị sáp nhập đã giảm 58% kể từ năm 2015.

Dell mua EMC

Tháng 10/2015. Giá mua: 67 tỷ USD

Thương vụ M&A lớn nhất lịch sử trong lĩnh vực công nghệ này là kế hoạch của Michael Dell, một kế hoạch 5 năm đầy tham vọng nhằm đổi mới công ty điện toán cá nhân do ông thành lập. Dell đã chuyển thành private (“nội bộ”) vào năm 2013, sau đó mua EMC, một công ty lưu trữ dữ liệu khổng lồ. Để có tiền cho thỏa thuận này, Dell phải chịu nợ hơn 50 tỷ USD.

Một năm trước, hành trình của Dell đã quay về vạch xuất phát sau khi họ mua lại một cổ phiếu theo dõi trong công ty con của mình là VMWare, cho phép họ niêm yết lại trên thị trường chứng khoán mà không cần IPO. Công ty này hiện vẫn còn nợ 45 tỷ USD, nhưng cổ phiếu của họ đã tăng 8% kể từ khi niêm yết lại.

AT&T mua Time Warner

Tháng 10/2016. Giá mua: 106.3 tỷ USD

Giao dịch bom tấn này nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp nhất đối với các đại gia truyền thông khi những thế lực mới nổi trong lĩnh vực phát video trực tuyến như Netflix, Hulu và Amazon khiến người dùng không thèm ngó ngàng đến truyền hình cáp. Năm sau đó, Disney mua 21st Century Fox với giá 81 tỷ USD, một hợp đồng truyền thông lớn khác.

CVS mua Aetna

Tháng 12/2017. Giá mua: 70 tỷ USD

Những thay đổi ảnh hưởng đến ngành chăm sóc sức khỏe liên tục và rất nhiều, từ chi phí y tế tăng lên đến các đề xuất chính trị nối tiếp nhau để cải thiện bảo hiểm, làm cho nó có giá cả phải chăng cho người dân Mỹ. Tuy nhiên, phải cần đến “bóng ma” Jeff Bezos (CEO Amazon) mới thúc đẩy được một trong những vụ sáp nhập bất ngờ nhất của thập niên: Một đại gia bảo hiểm được mua bởi một chuỗi cửa hàng thuốc.

Amazon đã làm chấn động nhiều ngành công nghiệp, từ xuất bản sách đến điện toán đám mây, và không quên ngành tạp hóa bằng việc mua lại chuỗi siêu thị Whole Foods. Khi bắt đầu có đồn đoán Amazon nhắm đến mảng thuốc theo toa, CVS đã mua Aetna để chuyển thành công ty chăm sóc sức khỏe “tất cả trong một”, giúp họ có thêm khả năng thương lượng với các nhà sản xuất thuốc và loại bỏ Amazon như một đối thủ tiềm năng.

Bristol-Myers Squibb mua Celgene

Tháng 01/2019. Giá mua: 93.5 tỷ USD

Thập niên này là thập niên lớn cho các thương vụ dược phẩm trên Phố Wall. Ba trong số 10 vụ M&A toàn cầu hàng đầu là trong lĩnh vực dược phẩm, với thương vụ Bristol-Myers mua lại Celgene, cũng là giao dịch lớn nhất năm 2019. Hai vụ còn lại: AbbVie cho biết sẽ mua Allergan với giá 84.1 tỷ USD hồi tháng 6; và năm ngoái, hãng dược phẩm Takeda của Nhật Bản đã trả 82.3 tỷ USD để có được Shire, một công ty dược phẩm sinh học của Anh.

Một số yếu tố thúc đẩy hợp nhất trong lĩnh vực dược phẩm: Các bằng sáng chế sinh lợi sẽ hết hạn trong những năm tới, chi phí cao để sản xuất các liệu pháp dựa trên gen mới và sáp nhập xuyên biên giới cho phép các công ty mở rộng sang những thị trường mới. Giá cổ phiếu của những công ty thâu tóm này đã thay đổi theo các hướng khác nhau kể từ khi công bố các giao dịch tương ứng của họ: Cổ phiếu của Bristol-Myers tăng 25%, AbbVie tăng 17%, còn Takeda giảm 21%.

Nhã Thanh (Theo Fortune)

FILI

Các tin tức khác

>   Thị trường ô tô Hàn Quốc dự báo đảo chiều trong năm 2020 (29/12/2019)

>   Con cá mè hoa khổng lồ bán với giá gần 9,8 tỉ đồng (29/12/2019)

>   Bong bóng xe điện Trung Quốc sắp nổ (28/12/2019)

>   Những vụ phá sản lớn nhất ngành bán lẻ trong năm 2019 (28/12/2019)

>   Năm 2019 đầy màu sắc của ông Trump (27/12/2019)

>   Vì sao các vụ vỡ nợ liên tục xảy ra ở Trung Quốc? (27/12/2019)

>   Nông dân châu Á điêu đứng vì dịch tả lợn (27/12/2019)

>   Người Mỹ tiêu 880 tỷ USD trong mùa mua sắm cuối năm 2019 (26/12/2019)

>   Úc thu hồi tương ớt Sriracha của triệu phú gốc Việt vì sợ phát nổ (26/12/2019)

>   Trung Quốc đau đầu vì vỡ nợ lên mức kỷ lục (26/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật