Nhịp đập Thị trường 03/01: Cuối tuần mất vui khi VN-Index đảo chiều
Chỉ số VN-Index kết phiên giảm 0.16% và đạt 965.14 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.58% và đạt 102.39 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 288 mã tăng và 311 mã giảm.
Phiên sáng tích cực bao nhiêu thì phiên chiều lại tiêu cực đến bấy nhiêu khi đồng loạt VN30-Index và VN-Index đều rớt khỏi tham chiếu. Toàn bộ rổ VN30 chỉ còn 10 mã tăng, tới 17 mã giảm và 3 mã đứng giá, trong đó không có sắc xanh nào vượt 1% khi CTD, SAB, GAS đều lụi tàn dần. Trong số mã tăng có HPG, VRE ấn tượng khi khối lượng ở cả hai phần lớn đều đến từ lực mua của khối ngoại (gần 80% ở HPG và gần 100% ở VRE). VHM, VNM cũng trong trường hợp tương tự và qua đó chứng tỏ trong khi ta bán thì tây lại thu gom.
Ở chiều ngược lại, có hơn 8 mã rớt hơn 1%, trong đó ROS dẫn đầu ở mức gần 6%, NVL và EIB mất hơn 2%, GMD, FPT, MWG từ 1.5% trở lên. Nếu xét về mức độ ảnh hưởng tới VN-Index thì mức độ đóng góp tích cực từ các trụ như VIC, VHM, VNM, VRE,… khá đồng đều ở mức quanh 0.1 điểm. Trong khi đó, VCB là tác nhân chính khiến chỉ số rớt khỏi tham chiếu.
Sự lao dốc ở HNX-Index cũng đến từ mã chính là VCS khi mã này rớt gần 5% sau phiên hồi hôm qua. Theo góc nhìn kỹ thuật, phiên hôm nay như phát súng dự báo các nhịp điều chỉnh sẽ còn tiếp diễn trong những phiên tới và vùng quanh mốc 64,000 sẽ là hỗ trợ trước mắt của giá. Nếu rớt khỏi ngưỡng này thì vùng quanh mốc 60,000 sẽ là ngưỡng hỗ trợ tiếp theo.
Diễn biến thị trường phái sinh còn tệ hơn khi hợp đồng tương lai VN30F2001 mất gần 7 điểm với basis mở rộng và đạt giá trị âm 3.78 điểm, qua đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư khá tiêu cực và hướng về kịch bản tiếp tục điều chỉnh ở VN30.
Nhóm ngân hàng phiên chiều có diễn biến hoàn toàn trái ngược so với phiên sáng khi cả nhóm có 3 mã xanh và tới 10 mã đỏ. KLB sụt giảm mạnh nhất ở mức 5.3%, theo sau là SHB, EIB và VCB. STB lã mã duy nhất được khối ngoại mua mạnh với khối lượng hơn 300 ngàn đơn vị.
Áp lực bán cũng lớn dần trên nhóm dầu khí khiến sắc xanh các mã đa phần đều bị thu hẹp với PLX, PVD chỉ còn 1%, GAS dưới 1% và PVS gần 3%.
Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường ở mức 2.36%. Ngược lại, công nghệ thông tin hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường ở mức 1.57%.
Khối ngoại mua ròng hơn 150 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 8 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở cổ phiếu HPG, VNM, VRE trên sàn HOSE. PVS, NDN là các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
14h00: VN30-Index quay đầu giảm
Diễn biến thị trường càng ngày càng tiêu cực khi nhóm Large Cap rụng dần sắc xanh. Điểm tích cực là VN-Index vẫn xanh, song HNX-Index đã rớt sâu khỏi tham chiếu. Độ rộng thị trường đã nghiêng hẳn về bên bán với 249 mã tăng và 295 mã giảm.
VN30-Index nay đã rớt khỏi tham chiếu khi sắc đỏ lớn dần trong rổ chỉ số. Cả rổ hiện có 15 mã giảm, 11 mã tăng và 4 mã đứng giá, trong đó có tới 6 mã giảm hơn 1% là NVL, FPT, GMD, MWG, HDB và ROS. Ở chiều ngược lại chỉ có CTD và SAB là xanh hơn 1%.
AMD, HAI đã mất sắc tím hàm ý về sự trở lại của lực cung, đồng thời khiến rủi ro cổ phiếu có điều chỉnh trở lại tăng lên bởi cả hai đều đang trong một xu hướng giảm. Khối ngoại cũng đồng loạt “xả hàng” hai mã này. Trong khi đó, khối này lại “đớp” mạnh ROS với mức mua ròng gần 530 ngàn đơn vị. ROS hiện giảm gần 3% và khớp hơn 8 triệu cổ phiếu.
TDH bất ngờ bứt phá hơn 4% trong phiên hôm nay dù không có tin tích cực nào xuất hiện. Song nếu nhìn theo kỹ thuật thì mã này đã tích lũy trong gần 3 tháng qua. Việc dòng tiền bắt đầu được cải thiện trong 1 tháng qua chứng tỏ triển vọng của mã đã tích cực hơn, đồng thời phiên bứt phá hôm nay nhiều khả năng đã hàm ý về sự trở lại của xu hướng tăng ở cổ phiếu, song xu hướng tăng này lại có phần nghiêng về dạng sideway up hơn. HDG, DIG cũng là những mã tạo điểm nhấn ở nhóm bất động sản dân dụng. Ở chiều ngược lại, PDR, IJC, CEO là những mã điều chỉnh hơn 2%.
Phiên hôm nay cũng chứng kiến sắc tím trở lại trên các mã như FIT, HVH và FTM, song nhìn chung cơn sóng trên nhóm cổ phiếu đầu cơ đã lụi tàn khi các mã quen thuộc như CLG, DAH, HQC, TSC,… vẫn hiện sắc đỏ.
Sắc đỏ ngập tràn trong nhóm chứng khoán, với 3 ông lớn là VND, HCM, SSI đều giảm giá, cụ thể là VND, HCM rớt hơn 1%, SSI mất 0.5%
Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường ở mức 2.49%. Ngược lại, bán lẻ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường ở mức 1.28%.
Phiên sáng: Vẫn chưa thể vượt mốc 970 điểm
Các mốc 890 điểm đối với VN30-Index, và 970 điểm đối với VN-Index vẫn là các kháng cự mạnh với 2 chỉ số này khi lực cung liên tục đánh văng lực cầu mỗi khi 2 chỉ số cán các mốc này.
Chỉ số VN-Index kết phiên sáng tăng 0.36% và đạt 970.11 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.04% và đạt 102.95 điểm. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 240 mã tăng và 237 mã giảm.
Rổ VN30 dần phân hóa trở lại với 14 mã tăng, 8 mã giảm và 8 mã đứng giá. CTD tiếp tục dẫn đầu về đà tăng với mức gần 3% và thanh khoản cải thiện đáng kể trong 1 tiếng cuối giao dịch của phiên sáng, theo sau là GAS và SAB với sắc xanh hơn 1%, còn lại các mã đều có biên độ dao động dưới 1%. Tình hình chiều giảm cũng tương tự khi chỉ có HDB và GMD rớt hơn 1%.
GEG hiện là điểm sáng tại nhóm phát điện với sắc xanh gần 3% và được khối ngoại mua ròng mạnh gần 130 ngàn đơn vị. Đây là phiên thứ 3 khối này mua ròng trong vòng 5 phiên gần đây. Tuy nhiên, theo góc nhìn kỹ thuật, triển vọng của mã này không mấy khả quan bởi đã dao động sideway từ tháng 08/2019 tới nay, song thanh khoản lại luôn được duy trì ở mức cao trong suốt thời gian này. Nếu giá rơi khỏi vùng quanh mốc 26,100 thì khả năng cao xu hướng giảm ngắn hạn sẽ trở lại với mã này. Trong khi đó, PPC, NT2 lùi hơn 1%, POW giảm nhẹ sau phiên bứt phá bất ngờ hôm qua và đang bị khối ngoại bán ròng hơn 200 ngàn đơn vị.
FTM tiếp tục tăng trần với dư mua hơn 330 ngàn đơn vị trong phiên sáng nay, song nhiều khả năng đây chỉ là một nhịp tăng trong một xu hướng giảm và mốc 2,600 đồng dự kiến sẽ là kháng cự mạnh của cổ phiếu. GIL cũng là mã bứt phá tại nhóm dệt may ở mức hơn 4% song dòng tiền lại không phản ứng quá mạnh mẽ với sắc xanh này. Theo góc nhìn kỹ thuật, mã đang trong xu hướng giảm dài hạn nên việc tham gia đầu tư nên được nhà đầu tư cân nhắn, nếu có thì chỉ nên lướt sóng ngắn hạn.
Diễn biến nhóm dầu khí đã có phần hạ nhiệt bởi chỉ còn PVS nhảy vọt gần 4%, trong khi PVD lùi xuống còn 2.3%, BSR còn 1.2%. Hầu hết các mã nhóm này đều bị khối ngoại bán ròng, duy chỉ có OIL là được mua hơn 40 ngàn đơn vị.
Chỉ số HNX-Index liên tục rung lắc trong suốt phiên sáng và bất ngờ rơi khỏi tham chiếu vào cuối phiên, với tác nhân chính đến từ VCS, SHB, PTI. Tuy nhiên, mức giảm là không quá lớn nhờ vào lực đỡ đến từ PVS, ACB và NTP.
Khai khoáng hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường ở mức 2.03%. Ngược lại, chứng khoán hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường ở mức 0.61%.
Khối ngoại mua ròng hơn 40 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 0.5 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở cổ phiếu HPG, VNM, MSN trên sàn HOSE. PVS, NDN là các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h30: Giá dầu bứt phá, VN-Index lấy đà nhảy theo
Diễn biến VN-Index khá giằng co trong 30 phút giao dịch tiếp theo, song đã nhanh chóng chạy trở lại nhờ vào thông tin tích cực từ giá dầu.
Tới 10h30, độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 242 mã tăng và 208 mã giảm điểm.
VN30-Index đã thu hẹp sắc xanh còn hơn 2 điểm với 19 mã tăng, 7 mã giảm và 4 mã đứng giá. Đa số sắc xanh đều chỉ dưới 1%, duy chỉ có CTD, HPG, GAS nhảy hơn 1% song lại bị khối ngoại bán ròng, đồng thời thanh khoản rất thấp (ngoại trừ HPG). VCB, GAS, PLX hiện là những trụ chính giúp VN-Index tăng hơn 4 điểm.
Ở chiều ngược lại, VIC là tác nhân chính kìm hãm lực tăng ở chỉ số, theo sau là HDB, HVN, MWG. ROS cũng đã thoát cảnh nằm sàn, với khả năng cao cũng là nhờ đã có nhà đầu tư thoát lệnh giá sàn, cùng với đó là lực cầu đỡ giá liên tục xuất hiện. Song rủi ro trên cổ phiếu vẫn ở mức cao bởi nếu có quan sát phiên hôm qua, 1 trường hợp tương tự cũng đã xuất hiện và mã đã bị đẩy xuống sàn trở lại vào cuối phiên. Khối ngoại cũng mua ròng mạnh ROS ở mức hơn 270 ngàn đơn vị.
Diễn biến các mã còn lại thuộc họ FLC cũng rất khả quan khi HAI, AMD, GAB tiếp tục “trần”, trong đó HAI và GAB trong tình trạng trống bên bán.
Trong số 3 doanh nghiệp lớn ngành thép là HSG, HPG và NKG chỉ có NKG “phi mã” hơn 4% và đạt thanh khoản tốt, HSG điều chỉnh nhẹ với thanh khoản èo uột. Mới đây HSG cũng ra thông tin kế hoạch doanh thu giảm nhẹ còn 28,000 tỷ đồng, lãi tăng 11% lên 400 tỷ đồng trong năm 2020.
Sắc xanh tràn ngập tại nhóm cao su, với mã dẫn đầu là GVR ở mức hơn 7%. GVR cũng mới nhận tin vui khi được chấp thuận niêm yết tại sàn HOSE, với khối lượng niêm yết là 4 tỷ cổ phiếu, lớn thứ 2 tại sàn HOSE chỉ sau BID. Điều này chắc hẳn cũng là động lực đằng sau đà tăng của mã này trong 3 phiên gần đây.
Nhóm dầu khí đã có phản ứng đầy khởi sắc sau khi giá dầu đã nhảy vọt gần 4% trong phiên giao dịch châu Á vào sáng ngày thứ Sáu (03/01/2020). Cụ thể là PVD, PVS bứt phá hơn 3%, BSR, PLX bật tăng hơn 2%, song niềm tin của khối ngoại ở nhóm này khá thấp khi xả hàng “mạnh” những mã này.
Khai khoáng hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường ở mức 2.62%. Ngược lại, chế biến thủy sản hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường ở mức 0.65%.
Mở cửa: Chạm mốc 970 điểm
Sau phiên ATO, cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index có diễn biến khá khởi sắc khi VN-Index và HNX-Index đồng thuận xanh.
Độ rộng thị trường tính tới 9h30 đang nghiêng về bên mua với 140 mã tăng và 67 mã giảm điểm. Số mã tăng, giảm trong rổ VN30 đang nghiêng về sắc xanh khi cả rổ có 21 mã tăng, 4 mã giảm và 5 mã đứng giá.
Bộ ba ngân hàng là VCB, CTG và BID cùng với GAS là những mã có tác động tích cực và mang lại sắc xanh cho thị trường. Ở phía bên kia chiến tuyến, màu đỏ của VRE, GTN và màu xanh “sàn” của ROS là những mã kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Sau phiên ATO, sắc xanh đang dần lan tỏa trong nhóm ngân hàng. Cụ thể, CTG và VPB đồng thuận tăng vọt hơn 1%, TPB có cú bứt phá gần 2%. Ở phía bên kia chiến tuyến, EIB và HDB lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu.
Diễn biến của nhóm dầu khí khá tích cực khi thông tin giá dầu tăng nhẹ. Có thể kể tên, PVD, PVS bật tăng gần 2%, GAS có mức tăng 1%, BSR có cú nhảy vọt 2.5%.
Khai khoáng hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường ở mức 1.5%. Ngược lại, chăm sóc sức khỏe hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường ở mức 0.27%.
Lý Hỏa
FILI
|