Nhiều chiêu tránh thuế
Ước tính mỗi năm sẽ có khoảng 420 tỷ USD lợi nhuận được các công ty đa quốc gia chuyển ra khỏi 79 quốc gia để tránh/trốn thuế. Số thuế mà các quốc gia này bị thất thoát lên tới 125 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.
Alphabet, công ty mẹ của Google, tuyên bố trong năm 2020 sẽ không tiếp tục tận dụng lỗ hổng “Double Irish” và “Dutch sandwich”, cho phép họ và vô số tập đoàn khác chuyển tiền từ Ireland đến Hà Lan và Bermuda để tránh thuế - Ảnh: Reuters
|
Đây là một trong những kết luận mà nhóm tác giả Miroslav Palanský và Petr Janský đã trình bày trong nghiên cứu ước tính quy mô chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia và những tổn thất nguồn thu từ thuế liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), được công bố tại tạp chí International Tax and Public Finance số tháng 10-2019.
Bất bình đẳng gia tăng do trốn/tránh thuế!
Đánh giá về hoạt động trốn thuế này, nhóm nghiên cứu cho rằng hậu quả là các dịch vụ công ở những nước này hoặc không được cấp đủ ngân sách, hoặc phải do những người khác (thường là những đối tượng nộp thuế có thu nhập thấp hơn) chi trả. Điều này làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập trong mỗi quốc gia cũng như trên toàn thế giới.
Các tác giả nghiên cứu cũng nhận thấy những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình bị thất thu thuế ít nhất là ngang với các nước phát triển, nhưng lại ít có điều kiện và khả năng triển khai các công cụ hiệu quả để ngăn chặn tình trạng chuyển lợi nhuận ra nước khác của các công ty đa quốc gia.
Theo chuyên gia phân tích chính trị Thomas Paster (giảng viên tại University of Southern Denmark), nền kinh tế số hiện nay thậm chí còn tạo điều kiện cho các công ty/tập đoàn đa quốc gia tránh thuế dễ hơn bằng cách đăng ký thành lập doanh nghiệp tại những nước có thuế suất thấp trong khi kinh doanh ở nơi khác.
Ông Paster dẫn ước tính của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết khoảng 4-10% thu nhập từ thuế của các công ty toàn cầu đã bị thất thoát vì những chiêu trò trốn/tránh thuế của các công ty.
Theo ông Paster, hệ thống các hiệp định đánh thuế quốc tế hiện nay đều đã có từ những năm 1920 và không còn đủ hiệu quả để quản lý việc đánh thuế các công ty trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa và số hóa hiện này.
Những cách thức các công ty đa quốc gia thường dùng để giảm tối đa mức thuế phải đóng rất quen thuộc, đó là dùng các phương pháp kế toán khác nhau để chuyển lợi nhuận từ các nước có thuế suất cao sang các nước có thuế suất thấp.
Các công ty điều hành hoạt động kinh doanh qua Internet có thể cung cấp dịch vụ mà không cần phải có trụ sở, văn phòng đại diện... tại các nước khác, cũng không cần đăng ký kinh doanh nhưng vẫn thu lợi nhuận khủng.
Có ngăn chặn được tránh thuế?
Để ngăn chặn tình trạng tránh thuế của các công ty đa quốc gia, từ năm 2012 nhiều nước đã áp dụng một số bước để ngăn chặn việc chuyển lợi nhuận. Trong đó có sáng kiến của nhóm G20 và OECD có tên là Dự án xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) nhằm ngăn chặn những chiêu trò tránh/trốn thuế quen thuộc nêu trên.
Cũng có những đề xuất liên quan tới các cải cách có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng hơn, như đề xuất áp dụng một hệ thống thuế đơn nhất toàn cầu.
Theo đó, để chia sẻ tiền thuế thu được từ một công ty đa quốc gia, các nước tham gia hệ thống này sẽ sử dụng công thức tính toán có xét tới số nhân viên ở mỗi quốc gia, doanh số bán hàng ở mỗi nước và các tài sản vốn ở mỗi nước.
Các công ty sẽ không còn "được quyền" tự kê khai với chính quyền việc nguồn thu lợi nhuận của họ từ đâu và nên bị đánh thuế như thế nào.
Nguồn thu của công ty sẽ được phân bổ theo tỉ lệ cho mỗi nước mà công ty đó có hoạt động kinh doanh, căn cứ vào lực lượng nhân sự, doanh thu và tài sản vốn. Đề xuất này đã được đưa ra tại EU lần đầu tiên năm 2011 nhưng cho tới nay vẫn chưa đạt được đồng thuận.
Ngoài ra, giới chuyên gia quốc tế cũng đã đề cập những biện pháp cải thiện độ minh bạch trong báo cáo thuế nhằm hạn chế bớt trốn thuế.
Một trong số đó là công khai lợi nhuận liên quốc gia, yêu cầu các công ty đa quốc gia ở một quy mô cụ thể nào đó trở lên phải công khai các dữ liệu về doanh thu, số nhân viên, lợi nhuận và những khoản thuế họ đã đóng tại các nước có hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều công ty đa quốc gia đã chống lại biện pháp này.
D.KIM THOA tổng hợp
Tuổi trẻ