Góc nhìn thị trường tiền tệ năm 2020
Tổng hợp thông tin, phân tích đồ thị và chiến lược giao dịch đầu tư trên thị trường tiền tệ (currency market) quốc tế.
Tổng hợp thông tin quan trọng năm 2019
Năm 2019 thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động lớn xoay quanh những tin tức quan trọng liên quan đến địa chính trị cũng như sức khỏe nền kinh tế toàn cầu:
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng trong suốt hơn một năm qua đã nhiều lần làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ thế giới. Mỗi đợt thông tin áp thuế, hoãn thuế hoặc các thông tin bên lề về các cuộc đàm phán xuất hiện đều khiến thị trường có phản ứng mạnh gần như ngay lập tức.
Quá trình Brexit vẫn chưa thấy hồi kết trong năm 2019 đã làm cho đồng bảng Anh (GBP) và Euro (EUR) tiếp tục một năm biến động khó lường. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2019, sau khi ông Boris Johnson thắng cử thủ tướng Anh và đạt được một số bước tiến trong việc có được thỏa thuận Brexit với EU thì tỷ giá GBP/USD và EUR/USD đã phần nào ổn định trở lại.
Trong suốt năm 2019, tình hình sức khỏe nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có phần xấu đi hoặc tăng trưởng chậm lại làm dấy lên lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Nhiều NHTW đã thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tiêu biểu là 3 đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào các thời điểm 31/07, 18/09 và 30/10 đưa lãi suất từ mức 2.5% xuống mức 1.75%/năm. NHTW Australia cũng liên tục cắt giảm lãi suất từ mức 1.5% xuống còn 0.75%/năm.
US Dollar Index - Mốc tâm lý 100 điểm là kháng cự mạnh
Phân tích đồ thị:
US Dollar Index đã test rất thành công đường trendline hỗ trợ trung hạn trong năm 2018. Kể từ thời điểm đó đến nay giá tiếp tục tăng trưởng khá ấn tượng.
Tuy nhiên, mốc tâm lý 100 điểm kết hợp với đường trendline dài hạn (nối đỉnh năm 2001 và đỉnh năm 2016) đã tạo thành kháng cự rất mạnh với giá. Dự kiến trong năm 2020, US Dollar Index cũng sẽ khó có thể phá vỡ hoàn toàn ngưỡng này.
Quá trình dịch chuyển ngang (sideways) vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo của US Dollar Index trong năm tới.
Lưu ý: US Dollar Index là chỉ số đo lường giá trị của đồng Dollar Mỹ (USD) khi so sánh với một nhóm bao gồm 6 đồng ngoại tệ khác: Euro (EUR), Yên (Nhật), Bảng Anh (Anh), Dollar (Canada), Kronas (Thụy Điển) và Francs (Pháp).
Entry/Exit Points:
Short position được ủng hộ mạnh nếu giá đến gần vùng 99-100 điểm và đảo chiều sau đó. Trong trường hợp ngoại lệ xảy ra và vùng này bị phá vỡ hoàn toàn thì việc exit vị thế là cần thiết.
Việc tham gia vị thế mua (long position) được đánh giá là không hấp dẫn lắm.
Nguồn: TradingView
EUR/USD - Test đáy dài hạn
Phân tích đồ thị:
Xét từ năm 1970 đến nay thì EUR/USD tồn tại một chu kỳ dài khoảng 15 năm. Với nhiều lần tạo đáy khá rõ nét như tháng 02/1985, tháng 05/2001... chu kỳ dài hạn chi phối rất lớn đến tương lai của cặp tiền tệ quan trọng này.
Sau khi tạo đáy vào cuối năm 2016, EUR/USD đã tăng trưởng khá ấn tượng sau đó. Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn 2018-2019, cặp tiền tệ này đã sụt giảm liên tục và về gần đáy cũ tháng 01/2017 (tương đương vùng 1.0246-1.0911).
Nhóm momentum có thể xuất hiện các phân kỳ giá lên (bullish divergence) với giá trong thời gian tới.
Entry/Exit Points:
Xu hướng trong cả ngắn hạn và dài hạn đều được dự đoán là sẽ diễn biến tích cực. Việc tham gia vị thế mua (long position) sẽ được ưu tiên nếu giá test lại vùng 1.0246-1.0911.
Nguồn: TradingView
GBP/USD - Khó vượt Fibonacci Projection 23.6%
Phân tích đồ thị:
Nếu loại trừ đoạn bứt phá quá mức của giai đoạn đầu năm 2018 thì nhìn chung trong suốt giai đoạn từ giữa 2016 đến nay GBP/USD luôn dịch chuyển trong kênh giá đi ngang. Cận dưới là vùng 1.1911-1.2178 và cận trên là vùng 1.3521-1.3739.
Cận trên của kênh giá tương đương ngưỡng Fibonacci Projection 23.6% và đáy cũ đã bị phá vỡ của năm 2009. Đây được đánh giá là kháng cự rất mạnh và khó có thể bị phá vỡ trong ngắn hạn.
Kịch bản GBP/USD đảo chiều vào đầu năm 2020 và quay lại trạng thái điều chỉnh là khá lớn.
Entry/Exit Points:
Xét trong ngắn hạn thì short position được ủng hộ mạnh hơn nếu giá đến gần vùng 1.3521-1.3739. Nếu vùng này bị phá vỡ hoàn toàn thì việc exit vị thế là cần thiết.
Nguồn: TradingView
USD/JPY - Mẫu hình Triangle hình thành
Phân tích đồ thị:
Từ năm 2017 đến nay USD/JPY luôn dịch chuyển trong mẫu hình Descending Triangle. Giới phân tích kỹ thuật quốc tế đánh giá khả năng breakout khỏi cạnh trên của mẫu hình Triangle (tương đương vùng 111.01-112.28) là rất thấp.
Việc giá liên tục tạo ra những đỉnh mới thấp hơn cũng phần nào ủng hộ giả thuyết về việc cặp tiền tệ này sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2020.
Entry/Exit Points:
Xét trong ngắn hạn thì short position được ủng hộ mạnh hơn. Việc tham gia vị thế mua (long position) sẽ được ưu tiên nếu giá dịch chuyển về sát cạnh dưới Descending Triangle (tương đương vùng 104.79-105.55) và test thành công ngưỡng này.
Nguồn: TradingView
TS Nguyễn Ngọc Huy - Chuyên gia tài chính độc lập
FILI
|