Xét xử vụ AVG: 'Người ta cố tình chia nhỏ dự án, đưa vào diện mật'
Tự bào chữa trước tòa chiều nay, bị cáo Lê Đăng Nguyên, cựu Phó tổng giám đốc MobiFone, nói mua AVG có nhiều sai lầm nhưng không thể cứu vãn.
Bi cáo Lê Đăng Nguyên và luật sư đề nghị HĐXX xem xét để được miễn trách nhiệm hình sự. Ảnh Vũ Hân
|
Chiều 20.12, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ MobiFone mua AVG tiếp tục với phần tranh luận.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, cựu Phó tổng giám đốc MobiFone (bị đề nghị mức án nhẹ nhất trong dàn lãnh đạo MobiFone vì liên quan ít nhất đến dự án), phủ nhận cáo buộc mình “biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần cao so với giá trị của AVG thể hiện trên sổ sách kế toán” nhưng vẫn cùng Ban Tổng giám đốc ký Báo cáo số 5054/MOBIFONE ngày 14.9.2015 trình Hội đồng thành viên, cùng Ban Tổng giám đốc ký Quyển dự án để Hội đồng thành viên trình Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét, phê duyệt dự án.
Theo bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, bị cáo tham gia dự án muộn và nhận được những thông tin rất hạn chế. Việc nhận định bị cáo biết rõ thực trạng AVG là không thỏa đáng. Bị cáo cho rằng mình đã cố gắng hết sức đóng góp ý kiến xác đáng để có cái nhìn rõ ràng và cẩn trọng về dự án. “Nếu tiếp thu một phần ý kiến của tôi, thì sai phạm đã không xảy ra”.
Bị cáo phân tích, sai phạm của dự án này là giá mua cao hơn nhiều lần so với giá trị thực của AVG. Tuy nhiên, cả 2 văn bản bị cáo ký là Văn bản 5054 và Quyển dự án đều chỉ rõ rủi ro trong phương pháp định giá của tư vấn là dựa trên kế hoạch kinh doanh còn nhiều yếu tố chủ quan, do đó, MobiFone vẫn phải tiếp tục đánh gía giá trị AVG.
Tại thời điểm ký 2 văn bản đó, giá mua chưa được xác định, mà phải dựa trên cơ sở đàm phán, dựa trên định giá về mặt tài sản và các nguyên tắc bù trừ công nợ. Cả 2 văn bản này đều ký sau thời điểm cuộc họp ngày 2.10.2015 do Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì quyết định giá bán hơn 8.900 tỉ đồng, nên đã phủ nhận giá bán đó.
“Tuy nhiên, tôi không hiểu tại sao Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng thành viên vẫn trình giá mua lên Bộ. Đó là ý kiến chủ quan của người ký văn bản, nếu thực hiện theo đúng kiến nghị chắc chắn sẽ không xảy ra sai phạm về giá mua”, theo bị cáo Nguyên.
Về cáo buộc ký không biên bản họp Ban Tổng giám đốc ngày 24.12.2015, bị cáo Nguyên cho biết, khi đọc dự thảo biên bản này đã phát hiện ra sự vi phạm điều lệ Tổng công ty khi MobiFone đứng ra cam kết trả nợ vay cho AVG.
“Vì đây là dự thảo, nên tôi ghi ý kiến góp ý của tôi lên văn bản và trình Hội đồng thành viên để xem xét quyết định. Vì thời điểm đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên đã ký hợp đồng ngày 25.12.2015, chỉ có Hội đồng thành viên là cấp có thẩm quyền cao nhất lật lại vấn đề, xem xét đàm phán lại giá mua theo điều lệ của tổng công ty. Tôi chắc chắn Hội đồng thành viên không thể làm trái điều lệ của tổng công ty, nhưng họ đã bỏ qua ý kiến của tôi. Nếu lật lại đàm phán, tôi chắc chắn sự việc không đến mức như Thanh tra Chính phủ kết luận”, theo bị cáo Nguyên.
Bị cáo cũng cho rằng trong cáo trạng, Viện kiểm sát đã không đánh giá việc bị cáo ngăn chặn việc thanh toán nốt 5% và thanh lý hợp đồng với AVG (bị cáo 3 lần từ chối bằng văn bản).
Bị cáo Nguyên cho rằng việc này rất quan trọng, nó là tiền đề để hủy bỏ hợp đồng giữa hai bên, thu hồi hơn 8.500 tỉ đồng cho nhà nước.
“Giả sử tôi không ngăn chặn việc này thì hợp đồng đã thanh lý, nghĩa vụ giữa hai bên đã chấm dứt, việc thu hồi tiền cho nhà nước sẽ rất nan giải, có lẽ phải chờ phiên tòa hôm nay mới thu hồi lại tiền. Mong Hội đồng xét xử xem xét”, bị cáo đề đạt.
“Người ta cố tình chia nhỏ dự án, đưa vào diện mật” để những người yêu quý MobiFone không có cái nhìn toàn cảnh.
“Trước đó, MobiFone là Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Chúng tôi là những cá nhân xuất sắc, điểm sáng trong Tập đoàn Viễn thông và thị trường viễn thông. Nhưng việc xảy ra sau đó thật đau xót cho cá nhân tôi, cho tất cả những người ở đây và tập thể người lao động MobiFone. Chúng tôi đi vào giông bão với dự án này. Người ta chia nhỏ công việc, người ta để dự án mật, và người ta đưa ra nhiều mục tiêu cao cả vì sự phát triển của doanh nghiệp, xây dựng mục tiêu đạt doanh thu 5 tỷ USD, phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển đa ngành nghề: viễn thông, công nghệ thông tin và truyền hình. Với những mục tiêu cao cả ấy, những người yêu MobiFone không nắm được thông tin chi tiết về vụ việc. Việc phân chia nhỏ để không ai thấy bức tranh toàn cảnh của vụ việc này để có ý kiến phản đối kiên quyết”, theo ông Nguyên.
Bị cáo thừa nhận trong quá trình kiểm điểm đã nhận thức rõ vi phạm và đã bị kỷ luật khiển trách, nhưng mức án đề nghị 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù là quá nặng, không phù hợp với ý thức và hành vi của bị cáo.
"Trong suốt 1 năm vừa qua, khi được giao phụ trách Tổng giám đốc, bị cáo đã nỗ lực hết sức để vực lại hoạt động của MobiFone, nhưng khi doanh thu tăng lên thì bị cáo bị khởi tố, khép lại mọi cánh cửa tương lai. Do đó, bị cáo mong HĐXX có cái nhìn công tâm về những hành vi của mình", bị cáo Nguyên nói.
Vũ Hân
Thanh niên