Thứ Năm, 19/12/2019 16:13

Những sàn thương mại điện tử nào đã 'chết' tại Việt Nam?

Dù được đánh giá là thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử (TMĐT) song hàng loạt công ty phải nói lời chia tay để nhường lại sân chơi cho những doanh nghiệp có nguồn vốn “khủng” hơn.

* Vingroup rút khỏi mảng bán lẻ: Sáp nhập Adayroi vào VinID và giải thể VinPro

* VinCommerce bất ngờ đóng cửa Adayroi

Những sàn thương mại điện tử nào đã ‘chết’ tại Việt Nam?
Adayroi chính thức dừng hoạt động buôn bán từ ngày 17-12. Ảnh: Thu Hà

Những sàn thương mại điện tử dừng cuộc chơi

Vừa qua, nhiều nhà cung cấp đang có hợp tác hoạt động trên sàn TMĐT Adayroi bất ngờ nhận được thông báo của Công ty CP Dịch vụ thương mại Vincommerce (Vincommerce) về việc dừng bán hàng trên sàn này.

Ngay sau đó, Tập đoàn Vingroup đã chính thức thông tin về việc sàn thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID, đồng thời giải thể toàn bộ siêu thị điện máy VinPro. Việc sáp nhập sẽ chuyển đổi mô hình B2C sang mô hình O2O- kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến.

Adayroi chính thức dừng hoạt động buôn bán từ ngày 17-12. Ảnh: Thu Hà

Vingroup cũng thông tin với việc thay đổi chiến lược phát triển, lĩnh vực bán lẻ không còn là ưu tiên cốt lõi của tập đoàn này. Thay vào đó, Vingroup sẽ tập trung phát triển lĩnh vực công nghiệp - công nghệ.

Đây không phải lần đầu tiên người tiêu dùng chứng kiến sàn TMĐT sáp nhập hay biến mất khỏi thị trường TMĐT ở Việt Nam vốn dĩ đang khốc liệt này.

Hồi cuối tháng 3-2019, website TMĐT Robins.vn đột ngột thông báo dừng hoạt động bán hàng trực tuyến. Hiện trang web này không còn hiển thị sản phẩm mà thay vào đó là giới thiệu về hai cửa hàng của Robins tại Hà Nội và TP.HCM.

Robins.vn ra mắt tháng 5-2017, thuộc sở hữu của Central Group, tập đoàn Thái Lan nắm trong tay chuỗi siêu thị Big C và cửa hàng điện máy Nguyễn Kim. Tiền thân của Robins.vn là sàn TMĐT chuyên về thời trang Zalora - gia nhập thị trường Việt Nam năm 2012 và được Central Group mua lại vào năm 2016.

Sự ra đi của Robins được phía Tập đoàn Central Group Việt Nam lý giải là để thực hiện chiến lược tái cấu trúc, thúc đẩy hơn nữa sức tăng trưởng kinh doanh của tập đoàn tại thị trường Việt Nam.

Với Tập đoàn Central Group, không chỉ đóng cửa trang TMĐT Robins mà hồi năm 2016 khi mua lại hệ thống Big C, tập đoàn này cũng cho đóng cửa trang TMĐT Cdiscount.vn (thuộc Big C) dù đã đầu tư khá bài bản.

Trước đó, vào ngày 27-11-2018, trang TMĐT Vui Vui (vuivui.com) của Thế Giới Di Động cũng chính thức từ giã thị trường trực tuyến chỉ sau hai năm hoạt động và một năm chính thức bán hàng trên website. Sau khi đóng cửa, toàn bộ nền tảng website, hậu cần, giao nhận của vuivui.com cũng đã được chuyển sang cho bachhoaxanh.com.

Thời điểm ra mắt thị trường, Vuivui.com còn được lãnh đạo Thế Giới Di Động kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc sau 4-5 năm tham gia thị trường và vượt doanh thu chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động. Song trên thực tế doanh thu của sàn TMĐT chỉ đạt 75 tỉ đồng vào 2017, chiếm khoảng 0.1% tổng doanh thu của công ty mẹ, một con số quá khiêm tốn cho với kỳ vọng đặt ra.

Trước Adayroi, Robins, Vui Vui, những cái tên như Beyeu, Lingo, Deca... cũng đã phải đầu hàng. Điều ấn tượng là trước khi chính thức rút lui vào tháng 11-2015, trang TMĐT Beyeu, một dự án của Webtretho được IDG Ventures Việt Nam đầu tư - còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: "Kinh doanh TMĐT cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp quyết định sẽ dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những người còn lại".

Nhiều sàn TMĐT ngậm ngùi rời khỏi thị trường Việt Nam. Ảnh: Internet

Cuộc đua khốc liệt của sàn TMĐT

Một chuyên gia về TMĐT thừa nhận: “TMĐT là một cuộc đua đốt tiền”. Cũng trong một báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT ước tính một doanh nghiệp TMĐT sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỉ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam.

Trên thực tế, tại thị trường Việt Nam những tên tuổi cứng cựa như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… dù được hậu thuẫn bởi những mỏ tiền khổng lồ nhưng vẫn chịu nhiều khoản lỗ chồng chất. Tính đến 31-3-2018, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 5.300 tỉ đồng, còn Shopee tính đến cuối tháng 12-2018 là 2.708 tỉ đồng và Tiki là 1.395 tỉ đồng…

Tuy nhiên, những sàn TMĐT vẫn tồn tại ở Việt Nam nhờ những nguồn đầu tư từ các ông lớn, ví dụ như Lazada là đứa con của ông trùm TMĐT Alibaba, trong khi Sea là công ty mẹ của Shopee và Tiki được VNG và JD.com đổ nguồn tiền lớn để đầu tư. Mới đây, Sendo - đứa con nhà FPT đã gọi vốn thành công lên đến 61 triệu USD

Mặc dù TMĐT là một cuộc đua đốt tiền song các chuyên gia cũng phải thừa nhận đây là mảnh đất màu mỡ, tốc độ tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam tăng khoảng 30%/năm. Hiện dung lượng thị trường TMĐT Việt Nam đang đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia với khoảng 40 triệu người mua sắm trực tuyến.

THU

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Sẽ cho doanh nghiệp ngoại kinh doanh xăng dầu (19/12/2019)

>   Số phận pháp lý của ông Nguyễn Bắc Son khi khai nhận hối lộ (19/12/2019)

>   Thu phí thoát nước mưa (19/12/2019)

>   Xuất khẩu tôm sang EU: Cần sớm xây dựng thương hiệu (19/12/2019)

>   Buộc người lao động đi làm vào ngày Tết Dương lịch sẽ bị xử phạt (19/12/2019)

>   3.090 tỷ lỗ tỷ giá còn treo: 'Chưa thể trả lời có tăng giá điện năm 2020 hay không' (19/12/2019)

>   Đường băng hỏng, nhà ga chậm, có tiền mà 'bó tay' (19/12/2019)

>   Ông Nguyễn Bắc Son: 'Không đưa 3 triệu USD cho con gái, không nhớ tiêu hết vào việc gì' (19/12/2019)

>   Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai làm theo ‘tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng’ (18/12/2019)

>   Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son mất ngủ cả đêm, vắng mặt thẩm vấn (18/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật