Vận tải biển: Khởi sắc sau nhiều năm tăng trưởng âm
Đội tàu biển Việt Nam hiện có 1.507 chiếc, trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.047 chiếc. Đáng nói, đội tàu mang quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển.
Đội tàu biển Việt Nam đang đứng thứ 4 khu vực ASEAN
|
Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của Cục Hàng hải Việt Nam, năm nay vận tải biển có mức tăng trưởng rất ấn tượng. Ý nghĩa hơn, những con số tăng trưởng này đạt được sau giai đoạn tăng trưởng âm 2014 - 2015.
Đội tàu mạnh trong khu vực
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong năm 2019 tăng 14%; khối lượng hàng container tăng 6%; hành khách thông qua cảng tăng 22%. Đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 29 trên thế giới.
Cụ thể, trong năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 654 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ); khối lượng hàng container ước đạt 19,35 triệu TEU; hành khách thông qua cảng đạt 7,5 triệu hành khách. Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 154 triệu tấn – cao hơn so với năm 2018.
Được biết, đến cuối năm nay, đội tàu biển Việt Nam có 1.507 chiếc (trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.047 chiếc). Đáng nói, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển. Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hợp quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 29 trên thế giới.
Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam trong thời gian qua đã có bước cải thiện đáng kể, đội tàu phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước. Cụ thể, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt, số lượng tàu tăng từ 19 tàu trong năm 2013 lên 39 tàu trong năm 2019.
Giảm tải cho đường bộ
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đội tàu hiện nay của Việt Nam cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa và vận tải hàng feeder tại một số nước trong khu vực, chưa tăng được thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải biển cự ly ngắn ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á, thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu đảm nhận vẫn dưới 10%.
Về cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống các cảng biển thời gian gần đây đã được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp; nhiều cảng biển có khả năng tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn, phù hợp với xu hướng của thế giới, nhờ đó hàng hóa xuất nhập khẩu có thể đi thẳng tới các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, giảm được chi phí vận tải đồng thời góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển. Hiện cả nước có 8 trung tâm logistics và 21 ICD (cảng cạn) đã đi vào hoạt động.
Năm 2019, Cục Hàng hải Việt Nam đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan trung ương, các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ nạo vét duy tu các luồng hàng hải quan trọng như: Luồng hàng hải Hải Phòng, luồng Cái Mép - Thị Vải.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng 2019 là một năm “sáng” của ngành Hàng hải sau khi ghi nhận những kết quả tăng trưởng của vận tải biển thoát cảnh “tăng trưởng âm” của giai đoạn 2014-2015.
“Lượng hàng hóa, hành khách thông qua cảng biển tăng trưởng ở mức cao đều qua các năm đã góp phần giảm tải cho đường bộ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương”, ông Công đánh giá.
Về nhiệm vụ năm 2020, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác quy hoạch cảng biển, đạo đức công vụ, công tác duy tu nạo vét luồng lạch để tàu chạy an toàn…
Hữu Sơn
Pháp luật VN