Nhập siêu của ngành thép lên gần 5 tỉ USD, sao nhiều thế?
Nhập siêu của toàn ngành thép "tròm trèm" 5 tỷ USD sau 11 tháng của năm 2019 vẫn không gây sốc bằng lượng nhập khẩu sắt thép các loại từ Ấn Độ tăng đến 244,5%, tương ứng 1,89 triệu tấn, xếp thứ hai sau Trung Quốc.
Sản xuất thép xuất khẩu của Tập đoàn thép Hòa Phát - Ảnh: TRẦN NGUYỄN NGHI
|
Số liệu mới nhất ngày 24-12 vừa được Tổng cục Hải quan công bố, ghi nhận nhập siêu của ngành thép đạt xấp xỉ 5 tỉ USD, bất chấp nhiều chính sách phòng vệ thương mại được đặt ra từ đầu năm nhằm hạn chế các rủi ro từ nhiều quốc gia nhắm đến Việt Nam trong chiến lược bảo hộ ngành sản xuất trong nước từ nước sở tại.
Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng của năm 2019 ghi nhận lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 13,36 triệu tấn, trị giá 8,79 tỉ USD, tăng 7,7% về lượng nhưng giảm 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, lượng thép xuất khẩu trong khoảng thời gian tương ứng chỉ đạt 3,86 tỉ USD, dù tăng 4,7% về lượng nhưng giảm đến 8,3% về mặt giá trị, đẩy nhập siêu của ngành thép lên mức xấp xỉ 5 tỉ USD.
Đáng chú ý, dù thị trường Ấn Độ chỉ xếp thứ hai sau Trung Quốc về lượng thép nhập khẩu vào VN ở mức 1,89 triệu tấn so với 4,89 triệu tấn, nhưng tăng trưởng nhập khẩu thép từ Ấn Độ lên đến con số "khủng hoảng", đến 244,5%, trong khi lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc lại giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thép, cần theo dõi sát lượng thép nhập khẩu tăng đột biến vào thị trường Ấn Độ bởi quốc gia này cũng đang rơi vào tầm ngắm kiện phòng vệ thương mại từ nhiều nước, nhằm hạn chế ở mức tối đa Việt Nam có nguy cơ bị kiện "vạ lây" do nghi ngờ lẩn tránh xuất xứ.
* Hiệp hội thép Việt Nam phản đối việc tăng thuế với thép cuộn cán nóng
* Mỹ đánh thuế "kép" thép Việt Nam ở mức cao nhất như "áp" với Trung Quốc
* Cục Phòng vệ Thương mại cảnh báo thép Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế tự vệ từ EU
TRẦN VŨ NGHI
Tuổi trẻ