Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, nhưng khả năng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp lại nằm trong nhóm 20 nước cuối cùng. Như vậy, khoảng cách giữa khát vọng, ý chí khởi nghiệp và hành động cụ thể là rất lớn. Chúng ta cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cao hơn.
Đó là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại "Diễn đàn quốc gia khởi nghiệp 2019 - Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp" ngày 2/12.
90% dự án khởi nghiệp thất bại
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, quan trọng trong khởi nghiệp là giảm rủi ro vì 90% dự án khởi nghiệp là thất bại, 10% là thành công, như vậy rủi ro rất cao.
Trong đó, 42% thất bại là do tạo ra sản phẩm người dùng không cần, lý do nữa là hết tiền, niềm đam mê khởi nghiệp lớn nhưng tắt rất nhanh... Tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam cao nên lạc quan lớn và tỷ lệ thất bại cũng cao.
Một con số đáng quan tâm hơn, theo ông Tú Anh, trong số 3.200 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công hiện nay thì thành công thật nhất mới chỉ một doanh nghiệp. "Có lẽ chúng ta hơi lạc quan quá vì khởi nghiệp vô cùng vất vả", ông Tú Anh nhận định.
Theo các diễn giả tại diễn đàn, một trong những lý do khiến các dự án khởi nghiệp thất bại là chính sách hỗ trợ khởi nghiệp chưa thông suốt. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, VCCI, Việt Nam đã có nhiều văn bản chính sách quan trọng hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, như Nghị quyết 10-NQ/TƯ, Nghị quyết 35/NQ-CP và các khung khổ pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Nhưng đến nay, việc thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đều, chưa rộng khắp và chưa triệt để. Một số địa phương đã thực hiện tốt nhưng một số địa phương chưa thực hiện tốt.
Nếu so sánh với các nước CPTPP thì chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam còn khoảng cách xa so với nước đứng đầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú ý hơn thủ tục hậu đăng ký kinh doanh như các vấn đề tiếp cận đất đai và thiếu quỹ đất sạch; hạ tầng giao thông còn yếu kém; tiếp cận nguồn vốn...
Còn theo Luật sư Đoàn Thu Nga, Chủ tịch Hội đồng Công ty TNHH Lawpro – huấn luyện viên của Action Coach, trên thực tế cần phải làm rõ về lập nghiệp và khởi nghiệp. Năm 2018 có Nghị định 38 tiến bộ hơn và quy định rõ nét hơn nhiều so với nhiều văn bản trước đó.
Tuy nhiên, văn bản này vẫn có một số yếu tố khó khả thi đối với cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam. Hiện nay quy định về gọi vốn về doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chưa rõ ràng. Các quy định về các tiêu chí định giá của doanh nghiệp khởi nghiệp chưa rõ nét để có thể định giá được doanh nghiệp khởi nghiệp.
Mong muốn có chính sách pháp lý rõ ràng
Để khởi nghiệp thành công, bà Nga cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp mong muốn có đạo luật, văn bản quy định riêng để hướng dẫn quá trình khởi nghiệp từ khi sinh ra đến khi vận hành, đến tuyên bố phá sản. Cần phải có định chế pháp lý, hành lang pháp chế có lối đi tốt hơn.
Nghị định 38 có quy định về lập quỹ, nhưng khó thực thi, cho lập quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng không cho phép thành lập pháp nhân. "Như vậy, doanh nghiệp "chết ngay từ trong trứng nước", sự rõ ràng về pháp lý yếu thì rất khó nên đừng nói đến việc kêu gọi được vốn", bà Nga nói.
Ngoài ra, theo bà Nga, các nhà lập pháp phải làm thế nào để có khung hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có tiêu chí định giá được ý tưởng khởi nghiệp. Vì ý tưởng tốt nhưng yếu trong khâu định giá. Hiện nay những cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vẫn hỗ trợ bên ngoài là chính.
"Nên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp cần tập trung cho nghiên cứu phát triển sản phẩm. Quan trọng nhất là hành lang pháp lý nào trong tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm để tăng tỷ lệ thành công với doanh nghiệp khởi nghiệp", bà Nga đề xuất.
Ông Trần Chí Dũng, Chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ cũng cho rằng, tư duy và cách làm của những người thực thi pháp lý cần thay đổi, đừng hình sự hóa, cố gắng gò doanh nghiệp vào cái đúng chứ đừng đè ra cái sai.
Một điểm nữa, khi để doanh nghiệp lớn lên được thì cần nhiều vòng gọi vốn đầu tư. Vấn đề bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư tại Việt Nam cũng cần được đưa vào trong chính sách, tránh tình trạng nhiều nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp khởi nghiệp sang Singapore lập doanh nghiệp sau đó quay về Việt Nam để nhà đầu tư mua lại.
Từ kinh nghiệm của Israel, ông Yaniv Tessel, Tham tán Đại sứ quán Israel tại Việt Nam cho rằng, cần xuất phát từ những chính sách đi đầu trong đầu tư và nuôi dưỡng một hệ sinh thái khởi nghiệp thịnh vượng, trong đó nhất thiết phải có sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư.