Thứ Hai, 02/12/2019 16:28

Những chỉ tiêu lớn của năm 2019 đã nằm trong tầm tay

Chỉ còn 1 tháng nữa là nền kinh tế đi hết chặng đường của năm 2019. Với những số liệu hiện tại, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng những mục tiêu lớn mà Chính phủ đặt ra trong năm nay đã nằm trong tầm tay. Tuy nhiên nền kinh tế đã xuất hiện chiều hướng đi xuống...

Chuẩn bị sẵn các phương án để tránh tác động tiêu cực từ thị trường thế giới

Tăng trưởng vẫn khả quan

Số liệu về tình hình kinh tế - xã hội mới cập nhật từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy những biểu hiện chững lại của các động lực tăng trưởng chính. Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng chậm lại với mức 5,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ đầu năm 2019 do sụt giảm của ngành khai khoáng và sự giảm tốc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính chung 11 tháng, sản xuất công nghiệp tăng 9,3%, thấp hơn mức tăng 10% của cùng kỳ 2018.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể từ phía cầu, bức tranh kinh tế vẫn lạc quan với nhiều điểm sáng đáng chú ý. Trước hết là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 6 năm trở lại đây. Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,8%).

Đáng chú ý xuất siêu vẫn được duy trì trong tháng 11 ở mức ước tính là 100 triệu USD, qua đó nâng con số xuất siêu trong 11 tháng lên 9,1 tỉ USD, báo hiệu thặng dư thương mại cả năm 2019 sẽ ở mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Điều đáng mừng là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 18,1%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3,8%), đồng thời tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước cũng tăng thêm 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tình hình đầu tư của khối tư nhân cũng giữ được nhịp độ ổn định. Tính chung 11 tháng năm nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 163.600 doanh nghiệp, tăng 6,8%; trung bình mỗi tháng có gần 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Đáng chú ý là vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt mức khá cao với 12,4 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đối với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổng số vốn giải ngân trong 11 tháng ước tính đạt17,6 tỉ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước - mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 trong 9 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tính bình quân 11 tháng, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Băn khoăn trước mục tiêu bứt phá

Chỉ còn 1 tháng nữa là nền kinh tế đi hết chặng đường của năm 2019. Với những số liệu hiện tại, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng những mục tiêu lớn mà Chính phủ đặt ra trong năm nay đã nằm trong tầm tay. Tuy nhiên nền kinh tế đã xuất hiện chiều hướng đi xuống.

Theo đó thời điểm kết thúc tháng 10, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam có kết quả tương đương ngưỡng trung bình 50 điểm, tiếp tục giảm so với mức 50,5 điểm trong tháng 9, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 46 tháng. Với mức tăng của sản xuất công nghiệp tháng 11 thấp nhất kể từ đầu năm 2019, nhiều khả năng PMI trong tháng này vẫn sẽ tiếp tục đà giảm điểm. Trước tình trạng đơn đặt hàng giảm, lo ngại tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ tụt từ mức 11 tháng (7,8%) xuống thấp hơn cho cả năm 2019.

Bởi vậy theo TS. Võ Trí Thành, mặc dù thời điểm hiện tại có thể tạm yên tâm với kết quả tăng trưởng của cả năm 2019; tuy nhiên cần chú ý theo dõi xem chiều hướng đi xuống của sản xuất công nghiệp có tiếp tục kéo dài đến sang năm hay không. Đồng thời, cần lưu ý rằng mục tiêu mà Chính phủ đặt ra hồi đầu năm cho các bộ ngành, địa phương còn có mục tiêu tăng trưởng bứt phá, song điều này lại chưa được thể hiện trong cả năm vừa qua. Đó là bởi vấn đề cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế với các trọng tâm là đầu tư công, DNNN, cải thiện môi trường đầu tư… đều chưa đạt được kết quả tích cực như kỳ vọng.

Đồng quan điểm rằng giải ngân vốn đầu tư công quá chậm chạp đã trở thành điểm nghẽn lớn cho tăng trưởng, song TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trấn an, thời gian vừa qua Chính phủ đã đưa ra những giải pháp cụ thể, hứa hẹn sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế trong năm tới đây. Cụ thể trong kỳ họp vừa qua, Chính phủ đã trình lên Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách quan trọng để tháo gỡ các điểm nghẽn về nguồn lực, tạo điều kiện đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, như xoá nợ của các khoản thu từ tài nguyên nước, khoáng sản, nợ thuế…

Bên cạnh đó, đưa việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Kapet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận lên làm dự án trọng điểm; báo cáo về dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông; dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành.

Cùng với đó, Chính phủ vẫn đang kiên trì với mục tiêu tạo ra các động lực mới để tăng trưởng bứt phá. Vì vậy trong năm vừa qua chúng ta kỳ vọng sẽ có cú huých cho tăng trưởng nhờ việc đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam phía đông, với lượng vốn lớn khoảng 1.600 tỷ đồng tập trung vào giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên do mất một thời gian để chuyển từ đấu thầu quốc tế sang trong nước nên dự án bị chậm lại.

“Như Thủ tướng đã nói, không vì chỉ tiêu tăng trưởng mà nới các tiêu chí đầu tư công, thay vào đó vẫn phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Với các giải pháp này, độ trễ từ 4-6 tháng chúng ta sẽ thấy tác động của nó đối với nền kinh tế”, ông Kiên khẳng định.

Với những bước đi cụ thể vừa qua, có thể thấy rằng Chính phủ đã và đang có sự chuẩn bị ứng phó với những biến động bất lợi của tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu. Theo đó, Việt Nam luôn có sẵn phương án xử lý để không tạo cú sốc cho nền kinh tế, trong trường hợp kịch bản xấu nhất xảy ra là thương mại toàn cầu bất ổn, hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Trước mắt, nhu cầu của thị trường thế giới có thể sẽ giảm, kéo theo giảm tốc của xuất khẩu trong tháng cuối năm. Tuy nhiên, bù lại là tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ hàng thực phẩm, tiêu dùng trong nước chắc chắn sẽ giữ vững đà đi lên trong thời điểm tháng cuối cùng của năm 2019. Bởi năm nay có điểm đặc biệt là 2 dịp lễ lớn Tết Dương lịch và Tết Âm lịch diễn ra gần nhau, sẽ kích thích mạnh tăng trưởng của thị trường nội địa.

Ngọc Khanh

Thời Báo Ngân Hàng

Các tin tức khác

>   ‘Sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, Việt Nam có thể tăng trưởng 9-10%’ (02/12/2019)

>   SEVEN.am bị Tổng cục Quản lý thị trường xử phạt (02/12/2019)

>   Thường trực HĐND TP Hà Nội 'bác' trợ giá mua nước sạch sông Đuống (02/12/2019)

>   TP.HCM nguy cơ 'mất sạch' khách tàu biển (02/12/2019)

>   Doanh nghiệp kêu khó vì thuế linh kiện cao hơn máy nguyên chiếc (01/12/2019)

>   Danh sách các chợ, trung tâm thương mại sẽ bị ‘truy quét’ hàng giả (01/12/2019)

>   Tháo dỡ công trình vi phạm của Mường Thanh Đà Nẵng từ tháng 2-2020 (30/11/2019)

>   TP.HCM chuẩn bị hạ tầng, nhân lực để tăng tốc kinh tế (30/11/2019)

>   Triệu tấn xăng giả thu lợi ngàn tỷ, Trịnh Sướng giàu bự, dân thiệt kêu ai (30/11/2019)

>   Vì sao giảm giá 'sập sàn' người mua vẫn thờ ơ? (30/11/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật