Chủ Nhật, 29/12/2019 09:49

Phổ biến các kết quả làm việc với đoàn thanh tra EC về IUU

Đoàn Thanh tra EC ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU và triển khai các khuyến nghị của EC.

Đội tàu cá của tỉnh Ninh Thuận vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN

Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì tổ chức này sẽ không thu hồi thẻ vàng.

Đó là thông tin được đưa ra tại “Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với đoàn thanh tra EC về IUU” do Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 28/12, tại thành phố Đà Nẵng.

Hội nghị nhằm công bố, phổ biến các thông tin về chuyến làm việc lần thứ hai tại Việt Nam của Đoàn Thanh tra Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) từ ngày 5-14/11 vừa qua.

Cụ thể, sau chuyến làm việc, kiểm tra thực tế tại các cảng cá Việt Nam, ngày 19/12/2019, Ủy ban châu Âu (EC) có công thư thông báo ý kiến đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam.

Theo đó, đoàn Thanh tra EC ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU và triển khai các khuyến nghị của EC. Đoàn Thanh tra EC khẳng định, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 vào tháng 5/2018 và đang đi đúng hướng.

Việt Nam đã triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật. Các địa phương đã cải thiện đáng kể trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá so với lần kiểm tra trước...

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, việc thực hiện các khuyến nghị của EC vẫn còn nhiều hạn chế như: tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm và nhiều lỗi kỹ thuật.

Việc xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế và chưa thống nhất giữa các địa phương, nhất là đối với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa có bằng chứng chứng minh các cơ quan thẩm quyền Việt Nam đã đảm bảo cơ chế truy xuất nguồn gốc đầy đủ và chính xác trong nhà máy chế biến. Quy mô đội tàu lớn dẫn đến việc quản lý cường lực khai thác còn rất đáng quan ngại.

Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm; áp dụng hình thức xử lý đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương.

Sau đợt kiểm tra vừa qua, EC đưa ra những khuyến nghị Việt Nam cần triển khai tất cả các cơ chế cần thiết để đảm bảo triển khai khung pháp lý mới một cách hiệu quả; tăng cường sự giám sát trong việc triển khai thực hiện khung pháp lý, đặc biệt là công tác thực thi pháp luật trong thực tế.

Về việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, Việt Nam cần đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về kiểm soát sản phẩm thủy sản, quy định ra, vào cảng của các tàu nước ngoài; xây dựng, bổ sung quy trình thẩm định các thông tin do tàu nước ngoài cung cấp.

Đồng thời, đảm bảo thực hiện các quy định về kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát thủy sản qua cảng được thực hiện đồng đều tại tất cả các tỉnh ven biển; Lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên và triển khai toàn diện quy trình để theo dõi, kiểm soát hiệu quả đội tàu này.

Riêng quản lý đội tàu, cấm đóng mới tàu cá, thu hồi giấy chấp thuận đóng mới đối với các trường hợp chưa triển khai đóng tàu; đánh giá nguồn lợi hải sản định kỳ 3 năm/lần và xây dựng các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo cân bằng đội tàu khai thác với hiện trạng nguồn lợi hải sản; xây dựng lộ trình giảm tàu, cấp hạn ngạch khai thác đối với một số loài, nhóm loài, hoặc hạn chế ngày khai thác trên biển; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về nghề cá.

Về truy xuất nguồn gốc và chứng nhận khai thác hải sản từ khai thác, Việt Nam cần cải thiện quy trình đang thực hiện để kiểm soát quy trình truy xuất nguồn gốc tại các nhà máy chế biến và giám sát được nguồn nguyên liệu chứng nhận được sử dụng tại các nhà máy chế biến; bổ sung các quy trình để kiểm soát nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu từ các container nhằm đảm bảo kiểm tra được tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu này.

Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng chiến lược toàn diện để xác định, xử phạt và ngăn ngừa tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; triển khai xử phạt vi phạm hành chính thống nhất trên toàn quốc, mức xử phạt phải đủ lớn để đảm bảo tính răn đe. Cùng với đó, quy trình xử phạt cần được tiến hành nhanh để đảm bảo hiệu quả trong xử lý.

Ngoài ra, tạo sổ theo dõi xử phạt có tích hợp các trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền truy tố, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn trong trường hợp tái phạm và không đủ điều kiện để xin giấy phép khai thác.

Đặc biệt, tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương, đảm bảo thiết lập một hệ thống theo dõi thống nhất từ trung ương xuống địa phương; cải thiện cơ chế hợp tác giữa các cơ quan liên quan trong việc chống khai thác IUU, nhất là với cơ quan nghề cá của các nước láng giềng trong khu vực.

Đáng lưu ý, xem xét để quy định bất kỳ tàu nào ra ngoài vùng biển Việt Nam thì có thể bị xử phạt ngay cả khi không có bằng chứng khai thác IUU.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cho biết, đoàn thanh tra EC khẳng định, nếu còn một tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì thẻ vàng cũng không bao giờ được rút.

Trong 6 tháng tới, Đoàn thanh tra EC sẽ tiếp tục sang kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị và Việt Nam sẽ phải nộp báo cáo tiến độ toàn diện về kết quả triển khai các nội dung theo báo cáo Giám sát trước ngày 15/5/2020.

Quốc Dũng

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Thaco xuất khẩu xe bus sang Philippines (28/12/2019)

>   Khám xét nhà chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Tứ (28/12/2019)

>   Thủ tướng: Việt Nam có thể là biểu tượng trỗi dậy tiếp theo của châu Á (28/12/2019)

>   Vì sao số khách du lịch đến Đà Nẵng 2019 'chênh' hơn 1,6 triệu lượt? (28/12/2019)

>   Ông Nguyễn Bắc Son lãnh án chung thân, ông Trương Minh Tuấn 14 năm tù (28/12/2019)

>   Tuyên án AVG: cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là người chỉ đạo trực tiếp Mobifone mua AVG (28/12/2019)

>   Vụ Nhật Cường: Khởi tố chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội (28/12/2019)

>   Kỷ lục xuất nhập khẩu 517 tỉ USD, người dân được gì? (28/12/2019)

>   Phó Thủ tướng yêu cầu gỡ vướng chính sách để cho thủy sản phát triển (28/12/2019)

>   Kỷ lục xuất nhập khẩu 517 tỉ USD: Điểm son từ ngành công nghiệp (28/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật