Phó Thủ tướng yêu cầu gỡ vướng chính sách để cho thủy sản phát triển
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành trung ương tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.
* Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 ước đạt 41,3 tỷ USD
* Thêm một doanh nghiệp thủy sản lên sàn chứng khoán
* Diễn biến mới nhất về 'thẻ vàng' với thủy sản Việt Nam
Ảnh minh họa
|
Đó là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật quy định các chính sách mang tính đột phá, đồng bộ, tạo động lực phát triển ngành thủy sản góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển. Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị định, mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%); có gần 50% là tàu đóng mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới, với khoảng trên 50% tàu có công suất từ 800CV trở lên được trang bị hiện đại, góp phần thúc đẩy ngành đóng tàu cá vỏ thép, vật liệu mới phát triển. Nhận thức của ngư dân, hoạt động khai thác hải sản bắt đầu thay đổi theo hướng công nghiệp; góp phần nâng cao điều kiện làm việc, sinh hoạt của thuyền viên, giảm tai nạn tàu cá, giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống người dân được nâng lên, nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển, góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định vẫn gặp nhiều vấn đề như: cơ sở hạ tầng nghề cá xuống cấp, quá tải, thiếu cơ sở hạ tầng nghề cá hiện đại; một số trường hợp chất lượng tàu cá vỏ thép chưa tốt, nhận thức của ngư dân về sử dụng, duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép còn hạn chế, lạc hậu; số lượng và chất lượng thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao (nợ quá hạn là 537,8 tỷ chiếm 4,67% tổng vốn vay, nợ xấu 3.430 chiếm tỷ lệ 33% tổng vốn vay).
Các vấn đề, bất cập trên xuất phát từ các nguyên nhân như việc bố trí nguồn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá thiếu, không đồng bộ; công tác phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn còn chưa chặt chẽ, vẫn để lọt nhiều chủ tàu không đủ điều kiện nhưng vẫn được vay đóng tàu; công tác thẩm định, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh cần được nâng cao, nhất là việc đánh giá các yếu tố tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh; một số ngư dân cho đây là tiền hỗ trợ của Nhà nước nên có tư tưởng lợi dụng, chây ỳ, không trả nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ; ngư dân thiếu hiểu biết về tàu vỏ thép, thiếu kỹ năng khai thác vận hành trang thiết bị hiện đại…
Do vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ; tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP để ngư dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước, trong đó phải quán triệt rõ cho các chủ tàu hiểu trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vận hành, khai thác thủy sản của tàu cá vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các quy định, quy trình duy tu bảo dưỡng tàu cá vỏ thép, quy định về cải hoán, chuyển đổi nghề và thực hiện kiểm tra gia hạn đúng quy định.
UBND các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục cùng các ngân hàng thương mại đôn đốc các chủ tàu thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết; hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi chủ tàu theo đúng quy định khi người dân có nhu cầu. Phối hợp với các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, phân loại các trường hợp chưa hoặc không trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả cho từng trường hợp.
Trong phạm vi thẩm quyền, UBND các tỉnh, thành phố ven biển chủ động xác định các căn cứ cụ thể để làm cơ sở đánh giá việc đáp ứng tiêu chí “không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản” khi thực hiện xem xét cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó cân nhắc một số vấn đề như tiếp tục khuyến khích, thu hút ngư dân, doanh nghiệp đầu tư đóng mới tàu khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại; chủ tàu chuyển đổi nghề, kiêm nghề; khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghề khai thác hải sản; khuyến khích,thu hút đầu tư vào cảng cá, trung tâm nghề cá lớn; đầu tư cho các khu bảo tồn biển để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; cấm biển một số thời gian, khu vực khai thác trong năm...
Nhật Quang
FILI
|