Thủ tướng: Việt Nam có thể là biểu tượng trỗi dậy tiếp theo của châu Á
Đề cập đến chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý Bộ Thông tin - Truyền thông có thể đổi thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số, để đưa Việt Nam đi nhanh, đi tắt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển công nghệ số. Ảnh Ngọc Thắng
|
Phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động của Bộ Thông tin - Truyền thông sáng 28.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiến bộ vượt bậc của ngành thông tin, truyền thông trong năm qua, về quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp viễn thông.
Đặt hàng Bộ Thông tin - Truyền thông trong định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, theo Thủ tướng, nếu không có doanh nghiệp thì việc xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển khó thành công.
Thủ tướng thống nhất với kiến nghị của Bộ Thông tin - Truyền thông về việc tắt sóng 2G để chuyển nhanh hạ tầng viễn thông lên công nghệ mới. Điều này nhằm để 100% người dân Việt Nam có điện thoại thông minh và bổ sung tần số 4G, nâng cao chất lượng mạng lưới và tốc độ băng rộng.
Tại Việt Nam, không chỉ Samsung sản xuất điện thoại thông minh mà Vingroup và Bkav cũng đã rất cố gắng tự sản xuất, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là cố gắng lớn của các doanh nghiệp tư nhân. Điện thoại Việt Nam đã bán được ra Myanmar và nhiều nước khác, theo Thủ tướng, Việt Nam phải trở thành thủ đô về việc sản xuất smartphone.
Liên minh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng ra mắt sáng nay. Ảnh Ngọc Thắng
|
Theo Thủ tướng, nhà mạng viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò cung cấp hạ tầng số, hạ tầng thanh toán không tiền mặt, từ xử lý căn bản các loại rác viễn thông, SIM rác, tin nhắn rác... Đây là trách nhiệm. Các tổng công ty viễn thông không thể phát triển mà bỏ qua yếu tố bền vững và lành mạnh.
SIM rác, tin nhắn rác là do các nhà mạng. Vai trò của nhà mạng rất quan trọng để xử lý vấn đề này nhằm không để ảnh hưởng đến người dân. Bộ Thông tin - Truyền thông phải có trách nhiệm quản lý nhà nước. Năm 2020 dứt khoát phải lành mạnh hoá ngành viễn thông, doanh thu có thể giảm một chút nhưng tin rác, tin xấu dứt khoát phải được quản lý cho tốt.
Báo chí phải nói lên được khát vọng dân tộc
Thủ tướng cũng cho rằng, trong bối cảnh thế giới vô cùng phức tạp, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về an toàn, an ninh mạng, thách thức trong việc bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, quản lý các dịch vụ xuyên biên giới, chuyển đổi số.
Trong nước, báo chí cũng phải chuyển đổi mô hình để phù hợp với sự phát triển của thời đại số. Báo chí phải khắc phục được những tồn tại kéo dài như báo hoá tạp chí, trang tin nhũng nhiễu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, không đúng tôn chỉ mục đích, vi phạm đạo đức người làm báo. Những tin tức báo chí tiêu cực làm mất đi dòng chảy tích cực của xã hội, phải tập trung để báo chí nói lên được khát vọng dân tộc.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông phải thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa quy hoạch báo chí đã được ký, không lùi thời gian. Cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã được thông báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch…
Hoan nghênh các mạng xã hội nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, Thủ tướng cũng yêu cầu phải có những giải pháp mạnh mẽ, cương quyết hơn nữa với các công ty nền tảng lớn hoạt động tại Việt Nam.
“Chúng ta đều biết 4 con hổ là biểu tượng của sự trỗi dậy ở châu Á. Việt Nam có thể là biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm của chúng ta.
Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. Tôi đưa ra một tên mới để các đồng chí thảo luận, đó là Bộ Truyền thông và Kinh tế số”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mai Hà
Thanh niên