Mỹ cân nhắc áp thuế 100% lên một số hàng hóa EU
Mỹ đang xem xét áp hàng rào thuế quan lên đến 100% đối với các hàng hóa châu Âu mà chính quyền Donald Trump đã miễn trừ thuế trước đó, nhắm đến một số sản phẩm tiêu biểu nhất của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bao gồm rượu whisky Ireland, whisky Scotland và rượu Cognac.
Hôm thứ Năm (12/12), Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố một danh sách hàng hóa châu Âu bổ sung mà họ đang xem xét áp hàng rào thuế quan giữa lúc hai bên đang tranh cãi quyết liệt về trường hợp trợ cấp cho Airbus.
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer
|
USTR trước đó đã công bố nhiều danh sách hàng hóa châu Âu trị giá hơn 10 tỷ USD mà họ dọa sẽ dùng để đáp trả lại trường hợp châu Âu trợ cấp cho Airbus. Hồi tháng 10/2019, Washington tiến tới áp hàng rào thuế quan 10% đối với máy bay dân sự lớn và 25% đối với nông sản từ châu Âu.
Tại thời điểm này, USTR dường như đang tìm lời tư vấn về việc có nâng mức thuế lên 100% và thêm vào những hàng hóa mà Mỹ đã loại ra khỏi danh sách áp thuế hồi tháng 10/2019 hay không. Nếu được thêm vào danh sách áp thuế, những hàng hóa mới có khả năng bị áp thuế tới 100%.
Trong vô số các sản phẩm mới đang được xem xét có cả những thức uống có cồn như rượu whisky và Cognac. Các sản phẩm khác có thể kể đến là dầu ô liu của Tây Ban Nha và phô mai của Pháp cho đến dao của Đức và cá phi lê của Bồ Đào Nha.
Danh sách hàng hóa có khả năng bị áp thuế “bao gồm rượu whisky và rượu cognac… Việc những hàng hóa này bị loại ra khỏi danh sách tháng 10/2019 đã giúp các công ty rượu thoát khỏi nguy hiểm. Nhưng giờ thì mối đe dọa đã trở lại”, Trevor Stirling, Chuyên viên phân tích tại Bernstein, cho biết trong một báo cáo gửi tới các khách hàng.
“Có khả năng Mỹ sẽ áp hàng rào thuế quan – một điều mà chúng tôi đã nhấn mạnh đến từ 2 tháng trước”, Stirling cho biết.
Mỹ từ lâu đã tranh cãi rằng các khoản trợ cấp cho Airbus đã gây tổn thương đến gã khổng lồ máy bay Boeing của Mỹ và xét về mặt tuân thủ theo các phán quyết trước đó từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), EU chưa làm đủ để cân bằng cuộc chơi.
Thế nhưng, lời phàn nàn này cũng nằm trong chiến lược giảm bớt thâm hụt thương mại của Nhà Trắng. Khởi đầu bằng hàng rào thuế quan đối với thép và nhôm, chính quyền Mỹ muốn tạo ra những thỏa thuận thương mại mới có lợi thế cho Mỹ nhiều hơn thông qua việc sử dụng hàng rào thuế quan và hạn ngạch.
“Vì EU chưa thể giải quyết những khoản tài trợ bất công đó, vào ngày 18/10/2019, Mỹ đã áp hàng rào thuế quan 10% đối với máy bay dân sự cỡ lớn và 25% đối với nông sản và các s phẩm khác từ EU”, USTR viết vào ngày 02/12/2019.
Cũng chính vì EU không thể kìm hãm những khoản trợ cấp này, “Mỹ đang khởi đầu quá trình đánh giá tăng mức thuế và xem xét thêm hàng hóa EU để áp thuế”, USTR cho biết.
Mặc dù ông Trump cũng có một số thành công thông qua chiến thuật bảo hộ thương mại – đáng chú ý là thỏa thuận NAFTA mới với Canada và Mexico – nhưng hàng rào thuế quan cũng gây bực tức cho các đối tác kinh tế trên khắp thế giới.
Ở một diễn biến khác, tuần trước, chính quyền Mỹ cho biết họ có thể áp thuế đến 100% đối với 2.4 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Pháp sau khi kết luận rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số mới của Pháp sẽ gây tổn thương đến các công ty công nghệ Mỹ.
Các cuộc đàm phán Mỹ-Trung hiện tại là một ví dụ điển hình nhất cho phong cách đàm phán Donald Trump với cả Bắc Kinh và Washington, cố gắng tạo những thỏa thuận có lợi cho Mỹ.
Mỹ và Trung đã đạt bước đột phá trong cuộc đàm phán thương mại, tiến tới thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày thứ Sáu (13/12), trong đó Mỹ đồng ý hủy bỏ kế hoạch áp hàng rào thuế quan vào ngày Chủ nhật (15/12) và giảm bớt thuế đối với một số hàng hóa khác, đổi lại Bắc Kinh đồng ý mua mạnh nông sản Mỹ.
Hạn chót để bình luận công khai về hàng rào thuế quan mới của USTR là ngày 13/01/2020.
Vương Đông (Theo CNBC)
FILI
|