Thứ Sáu, 13/12/2019 20:53

Bán điện thoại đắt như tôm tươi nhờ khuyến mãi tặng... 1kg hành tây

Việc Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu hành tây cũng đủ để cho thấy cuộc khủng hoảng thiếu hành tây ở nước này nghiêm trọng ra sao. Giờ đây, người ta dùng hành tây làm quà tặng khi bán điện thoại, rồi dùng hành tây làm quà cưới...

Saravana Kumar đã buôn may bán đắt nhờ tặng kèm hành cho khách hàng. Ảnh: Saravana Kumar

Người xưa có câu “bán gà kiêng ngày gió, bán chó kiêng ngày mưa” hay khuyên đừng “bán quạt mùa đông, buôn hồng mùa hè”... Quả thật khi buôn bán, ta phải biết nghiên cứu thị trường, tìm hiểu sở thích của người tiêu dùng mới có thể buôn bán thuận lợi. Điều đó càng đúng khi những cơ hội béo bở mở ra trước mắt.

Đối với ông Saravana Kumar - điều hành một cửa hàng điện thoại tại thị trấn nhỏ Pattukottai, bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ - cũng vậy. Ông đã nghiên cứu nhu cầu khách hàng để đưa ra chiến lược hợp lý và giờ có thể bán được 20 chiếc smartphone (điện thoại thông minh) chỉ trong 2 ngày.

Thông thường người đàn ông này chỉ bán được 2 chiếc smartphone/ngày. Nhưng lần này, điện thoại bay khỏi kệ "đắt như tôm tươi" nhờ quà tặng hấp dẫn đi kèm. Những món quà này không phải là các món phụ kiện như tai nghe, ốp lưng, loa hay voucher giảm giá, mà là... 1kg hành tây.

"Vợ tôi khá khó chịu với việc tôi tặng hành miễn phí khi giá hành liên tục tăng. Nhưng đó là một chiến lược tiếp thị cho ngành kinh doanh nhỏ của mình và điều đó đã cho thấy thành công" - ông Kumar chia sẻ.

Tấm bảng quảng cáo mua điện thoại được tặng hành bên ngoài cửa hàng của ông Saravana Kumar và ảnh chế trên mạng xã hội cho thấy 3 camera của 1 chiếc iPhone 11 là 3 củ hành.

Câu chuyện này cũng nói lên một thực tế tại Ấn Độ hiện nay: cuộc khủng hoảng hành. Báo South China Morning Post ngày 13-12 đã có bài viết với tựa đề: "Cuộc khủng hoảng hành của Ấn Độ châm ngòi bạo lực, meme (tạm dịch: ảnh chế) và cơn ác mộng cho Thủ tướng Narendra Modi".

Giá hành tây ở Ấn Độ đã tăng gấp 10 lần trong năm nay, gây ra sự phản đối trên toàn quốc, những câu hỏi nan giải tại Quốc hội nước này, những vụ phạm tội liên quan tới hành và hàng loạt meme về hành lan truyền trên mạng xã hội.

Giá 1 kg củ hành tây hiện bằng 1/3 thu nhập trung bình hằng ngày của người Ấn, lên tới 200 rupee (65.000 đồng) sau khi những trận mưa như trút nước gây thiệt hại mùa màng tại những bang trồng hành chính.

Người ta ôm cả hành đi ngủ và dùng ổ khóa để bảo vệ hành của mình. Ảnh: Indian Express

Những ngày gần đây, khoảng 5 vụ cướp liên quan tới hành, những vụ tấn công, những vụ ẩu đả và tấn công xe chở hành đã được tường thuật trên khắp Ấn Độ.

Trong khi đó, mạng xã hội Ấn Độ ngập tràn những nội dung liên quan tới hành. Những hashtag như #OnionPrices (giá hành) và #OnionCrisis (khủng hoảng hành) xuất hiện khắp Twitter, trong khi trên ứng dụng chia sẻ video Tiktok người ta cũng châm biếm.

Một số meme cũng được lan truyền, như cảnh người dân Ấn Độ dùng hành để trả tiền taxi hay hành trở thành một loại "tiền tệ" mạnh hơn đồng đôla Mỹ. Người ta còn dùng hành làm quà cưới.

Các chính trị gia Ấn Độ cũng nhanh chóng tận dụng cơ hội này để tấn công Thủ tướng Narendra Modi. Thành viên nhiều đảng đối lập đã tụ tập trên đường phố, mang những vòng cổ được xâu từ những củ hành. 

Hành tây vốn là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món ăn ở Ấn Độ. Một vài bang của Ấn Độ đã bắt đầu trợ giá để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng. Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu hành trên toàn nước này kể từ hôm 30-9, đồng thời nhập khẩu thêm từ nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

"Chúng tôi cần nhiều hành để chế biến các món mặn phục vụ thực khách tại nhà hàng của mình. Chúng tôi không thể giảm lượng hành vì điều đó sẽ làm thay đổi mùi vị của món ăn" - Mukesh Thoke, chủ một nhà hàng ở ngoại ô thành phố Mumbai thường chi 22.000 rupee (hơn 7 triệu đồng) mỗi tuần để mua hành củ, chia sẻ với Hãng tin Reuters.

Bình An

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Mỹ - Trung đạt thỏa thuận giai đoạn một (13/12/2019)

>   Đâu là những yếu tố chi phối chứng khoán Mỹ trong năm 2020? (12/12/2019)

>   Fed giữ nguyên lãi suất, có thể không hành động trong năm 2020 (12/12/2019)

>   Samsung đóng cửa nhà máy, thành phố Trung Quốc như thành phố ma (12/12/2019)

>   Facebook, Google trượt top 10 nơi làm việc tốt nhất (11/12/2019)

>   Kinh tế Hong Kong có thể tăng trưởng âm trong năm 2019 (11/12/2019)

>   Vua trái phiếu Mỹ: Lãi suất dài hạn sẽ tăng khi rủi ro suy thoái giảm (11/12/2019)

>   Câu chuyện đáng ngờ về ông trùm đứng sau thương vụ giải cứu Yes Bank (10/12/2019)

>   Dự báo những rủi ro hàng đầu đối với doanh nghiệp châu Á năm 2020 (10/12/2019)

>   Trung Quốc ký sắc lệnh bỏ 100% công nghệ Mỹ trong 3 năm? (10/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật