Hai trong số những rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay đã được dỡ bỏ.
Trong suốt 2019, nền kinh tế thế giới bị phủ bóng bởi căng thẳng thương mại và rủi ro chính trị - hai nhân tố gây bào mòn niềm tin kinh doanh. Nhưng theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, kinh tế toàn cầu sẽ bước vào năm 2020 trong một tư thế vững vàng hơn, nhờ việc Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và hướng đi cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, đã trở nên rõ ràng hơn nhờ kết quả cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tuần trước.
"Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung và kết quả cuộc bầu cử Anh đã xóa đi hai rủi ro lớn phủ bóng lên thị trường và các doanh nghiệp", ông Ben Emons, Giám đốc phụ trách chiến lược vĩ mô toàn cầu thuộc Medley Global Advisors ở New York, nhận xét. "Niềm tin kinh doanh sẽ nhận được một cú huých lớn, hoạt động đầu tư trên toàn cầu sẽ khởi sắc, sản xuất sẽ được đẩy mạnh, và khối lượng thương mại toàn cầu sẽ lại tăng".
Với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết giữa Washington và Bắc Kinh, những kịch bản u ám về kinh tế toàn cầu trong 2020 mà giới đầu tư và chuyên gia kinh tế đặt ra cách đây vài tháng bắt đầu lùi xa.
Hồi tháng 6, Bloomberg Economics ước tính rằng tổn thất mà thương chiến Mỹ-Trung gây ra cho kinh tế toàn cầu đến năm 2021 có thể lên tới 1,2 nghìn tỉ USD, với tác động lan rộng khắp chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á. Ước tính đó được dựa trên giả thuyết Mỹ và Trung Quốc áp thuế quan trừng phạt 25% lên toàn bộ hàng hóa của nhau và thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm 10%.
Với thỏa thuận giai đoạn 1, thuế quan bổ sung 15% áp lên 120 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được cắt giảm một nửa, còn 7,5%. Mức thuế 25% áp lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được giữ nguyên, nhưng kế hoạch áp thuế 15% lên 160 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 được hủy.
Về Brexit, chiến thắng áp đảo thuộc về Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Boris Johnson đồng nghĩa với việc Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/1/2020. Bloomberg Economics nhận định rằng kết quả này giúp giải tỏa tình trạng bấp bênh và do đó sẽ cùng với chính sách tài khóa được nới lỏng của nhiều nền kinh tế giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong 2020.
Tuy nhiên, ông Johnson sẽ phải đàm phán một thỏa thuận thương mại với EU trong năm tới, nên những bấp bênh mới có thể sẽ xuất hiện. "Brexit có thể tiếp tục gây áp lực lên các hoạt động kinh tế, bởi nhiệm vụ khó khăn là đàm phán mối quan hệ thương mại mới giữa Anh với EU mới chỉ bắt đầu", chuyên gia kinh tế Simon Wells thuộc HSBC nhận định.
Một điều đáng mừng nữa là hai diễn biến tích cực về thương mại Mỹ-Trung và Brexit diễn ra đúng vào lúc có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu trên toàn cầu đang dần ổn định và các chỉ số chủ chốt của ngành sản xuất đã chạm đáy. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhắc đến khả năng hồi phục nếu căng thẳng thương mại xuống thang.
Trong tuần trước, các nhà hoạch định chính sách của thế giới cũng tỏ ra lạc quan hơn.
Tân Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói rằng sự giảm tốc kinh tế của nhóm nước sử dụng đồng tiền chung Euro, tức khu vực Eurozone, đã có những dấu hiệu của sự chạm đáy. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cũng nói rằng tình trạng của kinh tế Mỹ vẫn ổn. Chính phủ Trung Quốc nói sẽ cải thiện mức độ hiệu quả của chính sách tài khóa trong 2020, trong khi Nhật Bản cho biết đang vạch ra biện pháp kích thích tài khóa mới.
Các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi một phần đà tăng trưởng trong 2020, với tốc độ tăng trưởng sẽ dần tăng từ mức đáy 2,9% trong quý 4 năm nay lên mức 3,4% vào cuối 2020.
Cũng theo Morgan Stanley, phần còn lại của thế giới, thay vì kinh tế Mỹ, sẽ đóng góp phần nhiều hơn cho sự phục hồi đó.