MSCI bắt đầu khép lại cánh cửa với cổ phiếu Trung Quốc
Tổ chức cung cấp chỉ số MSCI đang nâng các chỉ tiêu để thêm cổ phiếu Trung Quốc hạng A vào các chỉ số chuẩn của họ. Động thái này sẽ bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư và có thể làm dịu lại sự phản đối chính trị ở Mỹ khi MSCI thêm cổ phiếu Trung Quốc vào các chỉ số chuẩn. Các điều kiện mới và gần như khó mà vượt qua được, MSCI có lẽ sẽ khép lại cánh cửa đối với các cổ phiếu Trung Quốc.
Việc được MSCI – tổ chức cung cấp các chỉ số được tin dùng nhiều nhất trên thế giới – thêm vào các chỉ số chuẩn sẽ giúp các công ty có thêm dòng vốn từ các quỹ đầu tư thụ động và lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư chủ động. Trong năm vừa qua, MSCI đã tăng hệ số bao gồm (Inclusion Factor) của các cổ phiếu Trung Quốc loại A trong các chỉ số chuẩn – đây là yếu tố để xác định tỷ trọng cổ phiếu trong các chỉ số chuẩn. Trong ngày thứ Tư, hệ số này của cổ phiếu Trung Quốc loại A lên đến 20%, nâng tổng số cổ phiếu Trung Quốc loại A lên 472.
Trước đó, MSCI đã đẩy lùi những lời chỉ trích của một số nhà làm luật Mỹ rằng việc thêm các cổ phiếu Trung Quốc vào các chỉ số MSCI sẽ khiến hàng tỉ USD vốn Mỹ đổ vào các công ty Trung Quốc, ngay giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra. Trong tháng trước, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Jeanne Shaheen đã đưa ra dự luật để ngăn chặn các quỹ tiền tiết kiệm của người lao động liên bang rót tiền vào các công ty Trung Quốc.
Thế nhưng, trong đợt tái cơ cấu mới nhất, MSCI đã nâng các chỉ tiêu thêm vào. Để được thêm mới vào rổ chỉ số, cổ phiếu Trung Quốc phải đáp ứng 4 yêu cầu.
Đầu tiên, MSCI muốn Trung Quốc chấp thuận việc sử dụng thêm công cụ phòng ngừa và hợp đồng sản phẩm phái sinh. Trung Quốc đã tăng số lượng cổ phiếu đủ điều kiện cho giao dịch ký quỹ (margin trading) trong năm nay và đang đưa ra các hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số CSI 300, theo các chuyên viên phân tích của HSBC Holdings. Thế nhưng, việc Trung Quốc sẽ thông qua thêm bao nhiêu công cụ phòng ngừa vẫn là một câu hỏi mở. Trước đó, nguyên nhân chính dẫn tới cú sụp của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm 2015 xuất phát từ các sản phẩm phái sinh.
Hai điều kiện kế tiếp – liên quan đến cải cách về liên kết giao dịch giữa Hồng Kông và các sàn giao dịch tại Trung Quốc – cũng khó khăn không kém. MSCI muốn các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng giao dịch khi các thị trường Hồng Kông tạm ngưng giao dịch nhân dịp lễ nhưng trong lúc đó, thị trường của Trung Quốc vẫn mở cửa. Họ cũng muốn các cơ quan chức trách cho phép tạo tài khoản giao dịch tổng (omnibus trading accounts), trong đó một lệnh có thể được thực hiện trên danh nghĩa của nhiều khách hàng.
Việc triển khai liên kết giao dịch “Connect” không chỉ liên quan tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEx) mà còn đòi hỏi có sự chấp thuận từ các sàn ở Thượng Hải và Thâm Quyến cũng như Chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh từ lâu đã kiểm soát chặt chẽ quá trình mở cửa thị trường và những thay đổi kiểu như thế này cần phải mất nhiều năm.
Điều kiện thứ 4 là một đòi hỏi thậm chí còn lớn hơn khi xét tới nhịp độ cải cách chậm chạp hiện nay: MSCI muốn các giao dịch được giải quyết trong vài ngày (như một số nơi khác) thay vì được giải quyết ngay lập tức. Việc giao dịch hoàn tất ngay tức khắc đang làm nản lòng các nhà đầu tư ở Mỹ và châu Âu, chẳng hạn là với những ai không giao dịch bám sát theo thị trường và hoạt động trong giờ giao dịch của Trung Quốc (vì châu Âu và Mỹ khác múi giờ). Nhà điều hành sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đang nghiên cứu về cơ chế giải quyết giao dịch thông qua Blockchain (có thể giải quyết một số vấn đề này), nhưng quá trình này có thể mất thời gian dài mới hoàn tất.
Những thay đổi trên hết sức cần thiết. Thị trường chứng khoán Trung Quốc biến động quá mạnh. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm phần lớn hoạt động giao dịch cổ phiếu Trung Quốc loại A và sẵn sàng tháo chạy khỏi thị trường khi nghe thấy bất kỳ thông tin xấu nào. Độ lệch chuẩn của tỷ suất sinh lợi đối với chỉ số CSI 300 (ý muốn nói mức độ dao động) là 38% kể từ năm 2006, cao gấp 3 lần so với mức 11.6% của S&P 500, theo dữ liệu từ Gavekal Dragonomics.
Các nhà đầu tư tổ chức bị MSCI và các nhà cung cấp chỉ số khác (như của FTSE) dẫn dắt vào một thị trường có tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân lớn và biến động mạnh ở Trung Quốc sau khi MSCI quyết định thêm cổ phiếu Trung Quốc loại A vào các rổ chỉ số toàn cầu trong tháng 6/2019.
Tương phản với thị trường chứng khoán Trung Quốc – nơi nhà đầu tư cá nhân và không chuyên chiếm hơn 80% giá trị giao dịch, thị trường ở Hồng Kông có 2/3 giá trị giao dịch đến từ nhà đầu tư nước ngoài.
Sử dụng đòn bẩy là chuyện thường thấy trong hoạt động giao dịch cổ phiếu Trung Quốc. Trong năm 2015, nhà đầu tư vay ký quỹ để đầu tư chứng khoán rất nhiều. Nhờ vay ký quỹ, nhà đầu tư có đòn bẩy để khuếch đại khoản lãi nhưng cũng làm trầm trọng hóa khoản lỗ nếu trường hợp giá cổ phiếu giảm mạnh. Không may thay, trường hợp thứ hai đã xảy ra trong năm 2015, thị trường chứng khoán đổ đèo và buộc Chính phủ phải đưa ra “phao cứu trợ” cho thị trường chứng khoán.
Đến năm 2018, thông lệ thế chấp cổ phiếu làm vật thế chấp để vay nợ đã tạo ra vòng xoáy suy giảm. Khi giá cổ phiếu giảm, những nhà đầu tư không có tiền trả nợ vay và buộc tổ chức cho vay phải bán tháo cổ phiếu, từ đó tạo ra vòng xoáy rớt giá. Trong khi đó, các công ty Nhà nước Trung Quốc – vốn chiếm phần lớn trong các cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán – thường được Bắc Kinh nhờ cậy để cứu vớt thị trường.
MSCI đã đúng khi tạo ra các tiêu chí thêm vào khắt khe hơn khi họ không có cơ chế sàn lọc các cổ phiếu riêng lẻ và chỉ phụ thuộc vào các tiêu chí vốn hóa thị trường và giá trị giao dịch để xem xét thêm/loại cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đến 3.3% vốn hóa thị trường Trung Quốc loại A, tăng từ mức 2% tại cuối năm 2017 và phần lớn đà tăng này là do MSCI thêm cổ phiếu Trung Quốc loại A vào các chỉ số chuẩn. Việc siết chặt tiêu chí thêm vào đóng vai trò là cơ chế sàn lọc để bảo vệ tốt hơn cho hàng loạt nhà đầu tư thụ động.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Nisha Gopalan trên Bloomberg
Vương Đông (Theo Bloomberg)
FILI
|