Cổ phiếu Alibaba có lúc tăng 7,7% trong phiên giao dịch đầu tiên tại Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông sáng 26/11. Vụ phát hành cổ phiếu lần hai (secondary listing) của "đế chế" thương mại điện tử Trung Quốc tại Hồng Kông đã diễn ra thành công, bất chấp làn sóng biểu tình bạo lực ở thành phố này.
Chủ tịch Daniel Zhang cùng các lãnh đạo cấp cao khác của Alibaba, và nhiều quan chức chính quyền Hồng Kông, đã có mặt tại buổi lễ chào sàn của cổ phiếu Alibaba. Cuộc phát hành của Alibaba là vụ niêm yết cổ phiếu lớn nhất tại Hồng Kông từ năm 2010 đến nay, huy động được khoảng 11 tỉ USD.
Vừa đi vào giao dịch, cổ phiếu Alibaba có lúc đạt gần 190 Đôla Hồng Kông/cổ phiếu, so với mức giá phát hành 176 USD/cổ phiếu.
Vụ phát hành của Alibaba đánh dấu một thắng lợi đối với thị trường chứng khoán Hồng Kông, sau khi sàn này chứng kiến nhiều hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc chọn phát hành cổ phiếu tại thị trường Mỹ trong những năm gần đây. Thành công của Alibaba trong vụ phát hành này cũng là một dấu hiệu cho thấy sự tin tưởng vào tương lai của Hồng Kông, cho dù vùng lãnh thổ đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có tiền lệ.
Ngoài ra, các nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục giờ đây cũng có thể mua, bán cổ phiếu Alibaba dễ dàng hơn so với trước kia, khi cổ phiếu này chỉ niêm yết ở New York.
Vụ phát hành có thể xem như một cuộc "hồi hương" của Alibaba, công ty có vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) huy động 25 tỉ USD cách đây 5 năm ở New York. Niêm yết cổ phiếu gần "nhà" hơn vốn là một niềm mong mỏi của tỷ phú Jack Ma, nhà đồng sáng lập Alibaba.
Ngoài ra, Alibaba cũng đang nỗ lực duy trì tăng trưởng trong lúc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Cũng giống như một "người khổng lồ" công nghệ Trung Quốc khác là Tencent, Alibaba đang tìm kiếm các thị trường mới, trong bối cảnh Mỹ-Trung xung đột mạnh mẽ trong hàng loạt lĩnh vực, từ thương mại tới công nghệ và đầu tư.
"Chúng tôi đã trở về nhà. Chúng tôi trở lại để niêm yết ở Hồng Kông", ông Zhang nói trong tiếng vỗ tay của quan khách. "Việc này giúp chúng tôi bù lại sự hối tiếc cách đây 5 năm".
Một cái tên lớn như Alibaba có thể giúp HSE thu hút thêm nhà đầu tư và gia tăng khối lượng giao dịch, khi sàn này vừa chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh nhất hơn 3 năm sau nỗ lực thâu tóm Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE) bất thành hồi tháng 9.
Các quan chức cấp cao nhất của Hồng Kông, bao gồm trưởng đặc khu Carrie Lam, đã ra sức vận động Alibaba tới Hồng Kông niêm yết. Giữa căng thẳng chính trị ở Hồng Kông, việc Alibaba phát hành cổ hiếu ở Hồng Kông là một sự kiện có tính chất thuyết phục thế giới rằng Hồng Kông vẫn giữ vững vị trí trung tâm tài chính số 1 châu Á và hàng đầu thế giới. Sau Alibaba, nhiều "kỳ lân" công nghệ Trung Quốc như Didi Chuxing hay ByteDance rất có thể sẽ chọn Hồng Kông thay vì Mỹ để lên sàn.
Với số vốn 11 tỉ USD huy động từ vụ phát hành này, Alibaba sẽ có thêm nguồn lực cho cuộc chiến tốn kém với các đối thủ đồng hương như JD.com hay Pinduoduo. Lượng tiền mặt trong tay Alibaba sẽ tăng lên khoảng 44 tỉ USD, nhiều hơn dự trữ tiền mặt của bất kỳ công ty Internet nào khác và gần gấp đôi so với của Tencent. Nhờ vậy, Alibaba sẽ tăng sức cạnh tranh với Tencent và Baidu trong các lĩnh vực điện toán đám mây và giải trí, cũng như với Meituan Dianping trong lĩnh vực giao hàng thực phẩm và du lịch.
Nhu cầu mua cổ phiếu Alibaba trong vụ phát hành này lớn gấp nhiều lần nguồn cung, và công ty đã phân bổ thêm cổ phiếu cho các nhà đầu tư nhỏ. Vụ phát hành là một thắng lợi đối với ông Zhang, người vừa tiếp quản cương vị Chủ tịch Alibaba từ ông Jack Ma vào tháng 9.
Ông Zhang hiện đang dẫn đầu nỗ lực nhằm mở rộng hoạt động của Alibaba ra ngoài thị trường châu Á và tiến vào các lĩnh vực kinh doanh mới từ điện toán đám mây tới giải trí, từ hậu cần tới bán lẻ truyền thống.
Cổ phiếu Alibaba giao dịch tại thị trường Hồng Kông có mã là 9988, một con số đẹp theo quan niệm của người Trung Quốc.
* Alibaba: "Tương lai của Hồng Kông vẫn rất tươi sáng"
* Alibaba chỉ mất 68 giây để đạt doanh thu 1 tỉ USD
* Alibaba phá vỡ kỷ lục Ngày độc thân với doanh thu hơn 30 tỷ USD