Mỹ đang ở “cửa trên” so với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại?
Mỹ đang bắt đầu vượt trội hơn Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, ít nhất là về khía cạnh thị trường tài chính.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn đang níu giữ đà tăng của năm 2019, đồng USD vẫn mạnh mặc cho 3 lần hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chứng khoán Mỹ thì liên tục lập kỷ lục mới.
Trong khi đó, thị trường cổ phiếu Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ và trái phiếu Chính phủ Trung Quốc đều đang chật vật “dò đường” trong thời gian gần đầy.
Sự vượt trội của Mỹ so với Trung Quốc thể hiện cực kỳ rõ trong vài tháng vừa qua, trong đó S&P 500 được giao dịch với mức hệ số P/E cao nhất từ trước đến nay so với chỉ số Shanghai Composite.
Bức tranh trên thể hiện sự tương phản về những yếu tố chi phối thị trường tài chính của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Quan điểm hơi hướng “bồ câu” của Fed trong năm qua đã hỗ trợ tâm lý chấp nhận rủi ro tại Mỹ và mới đây, nền kinh tế Mỹ còn tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong quý 3/2019.
Còn ở Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương bị kẹt với cách tiếp cận thận trọng với gói kích thích kinh tế, mặc dù xuất hiện hàng loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng. Cũn vì lẽ đó, nền kinh tế rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính và tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong ít nhất là kể từ đầu thập niên 90.
“Thị trường chứng khoán Mỹ đang rất mạnh, trong khi động lực tăng của chứng khoán Mỹ từ đầu năm 2019 đã bắt đầu phai nhạt”, Gerry Alfonso, Giám đốc điều hành phụ trách bộ phận kinh doanh quốc tế tại Shenwan Hongyuan Group, cho hay. “Đà giảm tốc của Trung Quốc đã tác động nặng nề đến tâm lý nhà đầu tư còn hơn cả diễn biến về thương mại”.
Trong tháng 8/2019, các chỉ số chứng khoán Mỹ và Trung Quốc có tương quan cao nhất trong 4 năm. Thế nhưng, mối tương quan đó bắt đầu yếu dần, khi S&P 500 leo dốc 7.2% kể từ ngày 30/06/2019, trong khi Shanghai Composite mất 3% trong cùng giai đoạn.
Nhà đầu tư toàn cầu cho rằng chiến tranh thương mại làm rủi ro của hoạt động đầu tư tại Trung Quốc và thị trường mới nổi cao hơn so với Mỹ, Hyde Chen, Chuyên viên phân tích tại UBS Wealth Management ở Hồng Kông, cho hay. “Chứng khoán Mỹ diễn biến khả quan hơn vì nền kinh tế châu Á đang hứng chịu nhiều tác động từ thương mại hơn”.
Nhà đầu tư đang yêu cầu lợi suất cao để nắm giữ trái phiếu Chính phủ Trung Quốc. Chênh lệch lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm giữa Mỹ và Trung Quốc nới rộng lên 1.6 điểm phần trăm trong tháng 10/2019, khi nỗi lo về thanh khoản đẩy trái phiếu Trung Quốc ra khỏi đà tăng của trái phiếu toàn cầu. Vào cuối năm 2018, chênh lệch lợi suất thu hẹp xuống mức nhỏ nhất kể từ năm 2010, chỉ 25 điểm cơ bản.
Đồng tiền của một quốc gia đang nới lỏng chính sách tiền tệ thường suy yếu. Thế nhưng, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – lại tăng hơn 2%, trong khi đồng Nhân dân tệ lại suy yếu. Hồi tháng 8/2019, đồng Nhân dân tệ mất mốc 7 đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008. Đà suy yếu thúc đẩy Mỹ gắn nhẵn “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc.
Sự suy giảm về khối lượng giao dịch cho thấy các trader (sử dụng Nhân dân tệ) đang muốn đứng ngoài quan sát tại thời điểm này, khi việc ông Trump ký vào dự luật Hồng Kông đe dọa đến cuộc đàm phán thương mại giai đoạn 1.
Chỉ số Shanghai Composite tăng 16% trong năm 2019, trong khi tại thời điểm tháng 4/2019, chỉ số này tăng đên 31% so với đầu năm. Chỉ số này vẫn ghi nhận thành quả tương đối mạnh khi xét đến nhiều yếu tố tiêu cực đang tác động đến nền kinh tế Trung Quốc, theo các chuyên viên phân tích tại Goldman Sachs Group Inc. và Morgan Stanley.
Cả hai công ty môi giới chứng khoán này đều hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu Trung Quốc loại A từ “tăng đầu tư” (overweight) xuống “trung lập” sau đà tăng trong năm nay, cho rằng dòng vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc có thể chậm lại. Trong khi đó, khả năng tăng trưởng kinh tế dưới 6% của Trung Quốc có thể gây ra lo ngại lớn cho các thành phần tham gia thị trường.
Vương Đông (Theo Bloomberg)
FILI
|