Khủng hoảng ngành bán lẻ, hơn 9.300 cửa hàng ở Mỹ phải đóng cửa trong năm 2019
2019 là một năm đầy khó khăn đối với nhiều nhà bán lẻ Mỹ, dù nền kinh tế nước này vẫn vững mạnh và sức chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ...
Vào tháng 1, Gymboree đã nộp đơn xin phá sản lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai năm. Nó đóng cửa 749 cửa hàng, theo Coresight Research. Ảnh: CNN
|
Năm nay, các nhà bán lẻ Mỹ tuyên bố đóng cửa 9.302 cửa hàng, tăng 59% so với năm 2018 và là con số cao nhất kể từ khi Coresight Research bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2012. Tỷ lệ phá sản trong lĩnh vực bán lẻ tăng mạnh trong năm nay và nhiều thương hiệu chuỗi phải cắt giảm các cửa hàng. Điều này đã dẫn đến số lượng cửa hàng đóng cửa tăng đột biến.
Theo Coresight, Payless, Gymboree, Charlotte Russe và Shopko đều nộp đơn xin phá sản và đóng cửa 3.720 cửa hàng kết hợp. Phần lớn các cửa hàng bị đóng cửa trong đó là của Payless, đã nộp đơn xin phá sản lần thứ 2 vào tháng 2/2019 đồng thời đóng cửa 2.100 cửa hàng ở Mỹ.
Chuỗi cửa hàng giảm giá Fred's đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 9 và đóng cửa 564 cửa hàng. Forever 21 cũng đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 9 và cho biết sẽ đóng cửa tới 178 cửa hàng. Việc đóng cửa của Forever 21 không nằm trong báo cáo của Coresight vì chúng chưa được hoàn thiện.
Các nhà bán lẻ khác, chẳng hạn như Ascena Retail, Family Dollar, GNC, Walgreen, Signet Jewelers, Victoria's Secret và JCPenney, đã cắt giảm số lượng các cửa hàng để giảm chi phí và tập trung vào các cửa hàng có hiệu suất cao hơn.
Family Dollar đã đóng cửa 359 trong năm nay. Trong khi Signet, công ty mẹ của trung tâm thương mại Kay, Jared và Zales, đã tuyên bố đóng cửa 159.
Trong năm tới sẽ có hàng ngàn cửa hàng sẽ bị đóng cửa khi mua sắm trực tuyến liên tục thay thế việc mua hàng tại các cửa hàng truyền thống, và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà bán lẻ. Mức nợ cao và tiền thuê mặt bằng cũng đã gây gánh nặng cho các nhà bán lẻ truyền thống.
Các nhà phân tích của UBS ước tính trong một báo cáo, “Bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 16% doanh số bán lẻ năm nay, nhưng chúng sẽ tăng lên 25% vào năm 2026”. Điều đó có thể buộc tới 75.000 cửa hàng phải đóng cửa vào năm 2026, bao gồm hơn 20.000 cửa hàng quần áo và khoảng 10.000 cửa hàng điện tử tiêu dùng, theo ước tính của UBS. Hàng ngàn cửa hàng chuyên bán đồ nội thất và đồ thể thao cũng sẽ cần phải đóng cửa khi mua sắm trực tuyến phát triển nhanh chóng.
Ngay cả các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Best Buy cũng lặng lẽ đóng cửa một số cửa hàng của họ.
"Mặc dù có một môi trường chi tiêu tiêu dùng rất thuận lợi, các cửa hàng bách hóa vẫn chưa thể tận dụng điều này", nhà phân tích Christinia Boni cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.
Ông Michael Brown, thuộc công ty tư vấn AT Kearney, dự đoán việc đóng cửa các cửa hàng có thể tiếp tục trong năm 2020. Tuy nhiều cửa hàng đóng cửa và phá sản nhưng nhiều nhà bán lẻ vẫn đang nỗ lực mở rộng quy mô cửa hàng. Theo báo cáo của Coresight cho biết, các nhà bán lẻ đã công bố 4.392 lượt mở trong năm nay. Dollar General tuyên bố đã mở 975 cửa hàng trong năm nay, số lượng tương tự như các năm trước.
"Chúng tôi tin rằng, chúng tôi hoạt động trong một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất trong ngành bán lẻ", Tổng giám đốc Dollar, ông Vas Vasos nói trong một cuộc họp qua điện thoại với các nhà phân tích hồi đầu tháng này. Dollar General sẽ mở 1.000 cửa hàng mới vào năm tới và họ có kế hoạch mở thêm 13.000 trên toàn quốc.
Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng như Ollie Bargain Outlet và Five Below cũng đã mở rộng trong năm nay. Cửa hàng tạp hóa Aldi đã mở hàng trăm cửa hàng tại Mỹ để tiếp cận những khách hàng muốn mua sắm đồ tạp hóa giá rẻ, còn TJX thì tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng và mở gần 200 cửa hàng.
"Các trung tâm đang được hưởng lợi từ thế hệ Z, những người thích mua sắm tại các cửa hàng và đang thu hút người tiêu dùng quay trở lại với bán lẻ truyền thống", các nhà phân tích của CBRE cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.
Trang Lê (Theo CNN)
NCĐT
|