Trên thực tế, mặc dù đã có những nỗ lực giải quyết của bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng tại chỗ, song tình trạng hàng nông sản, trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn ùn ứ ở thời điểm cận kề Tết Nguyên đán hằng năm…
Thanh long là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Trung Quốc. Ảnh minh hoạ.
|
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới trong suốt thời gian qua vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khi bắt đầu đến thời điểm chính vụ thu hoạch để tiêu thụ và xuất khẩu cũng như thời điểm cận kề Tết Nguyên đán hằng năm, vẫn tồn tại tình trạng ùn ứ, tồn đọng nông sản, trái cây cục bộ tại cửa khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Nguyên nhân do lượng nông sản, trái cây khi vào chính vụ thu hoạch để xuất khẩu được đưa lên khu vực cửa khẩu tăng đột biến tại cùng một thời điểm, trong khi phía Trung Quốc cũng trùng thời điểm chính vụ thu hoạch với Việt Nam đối với một số loại trái cây, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam sụt giảm nhất định. Bên cạnh đó, năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu hai nước Việt Nam, Trung Quốc, mặc dù đã được cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng còn rất hạn chế so với nhu cầu xuất khẩu, dẫn đến việc không thể đáp ứng được lưu lượng xe đưa lên quá lớn tại cùng một thời điểm như hiện nay.
“Trên thực tế, vấn đề này sẽ không thể giải quyết căn cơ nếu không có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mang tính lâu dài”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Nói về giải pháp giải quyết tình trạng này, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hằng năm, trước khi vào chính vụ thu hoạch các loại trái cây chủ lực hoặc trước khi bước vào thời gian cao điểm lễ tết, Bộ Công Thương đều chủ động thông tin, khuyến cáo về tình hình thị trường, về diễn biến thông quan tại cửa khẩu… đến các địa phương vùng trồng trọng điểm, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan để có phương án điều tiết giao nhận hiệu quả, tránh gây thiệt hại, bị ép cấp, ép giá.
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với UBND các tỉnh biên giới (Lạng Sơn, Lào Cai…) theo dõi sát tình hình để kịp thời triển khai chủ động các giải pháp, biện pháp điều tiết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu như phân luồng giao thông; ưu tiên thông quan xe chở nông sản, trái cây; huy động lực lượng chức năng thực hiện thủ tục hải quan, kiểm dịch thực vật, cấp C/O để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng nông sản, trái cây thông quan nhanh nhất.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đưa các vấn đề vướng mắc trong quan hệ thương mại song phương nói chung và thương mại song phương về nông, thủy sản nói riêng trao đổi, vận động phía Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hoặc dành thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu, thực hiện các chính sách mới, tháo gỡ khó khăn trong thông quan hàng hóa tại các dịp cao điểm trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước, đồng thời vận động các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phía Trung Quốc (đặc biệt là Quảng Tây, Vân Nam) mở thêm các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu nông sản, trái cây tại khu vực biên giới.
Những thông tin về sản lượng, mùa vụ, cung cầu… của Trung Quốc đối với một số loại nông sản, trái cây mà Việt Nam có thế mạnh cũng như diễn biến thông quan tại cửa khẩu đều được Bộ Công Thương và UBND các tỉnh biên giới (Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh…) đăng tải, công bố thường xuyên nhằm khuyến cáo, giảm thiểu tình trạng liên tiếp đưa hàng lên khu vực cửa khẩu biên giới trong cùng một thời điểm để xuất khẩu, gây ra tình trạng quá tải và ùn ứ.
Bộ Công Thương cũng đã biên soạn, phát hành “Sổ tay hướng dẫn xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc” gửi tới các địa phương nuôi trồng, xuất khẩu trọng điểm, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, để xử lý triệt để tình trạng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu mỗi dịp lễ, Tết hằng năm, còn cần sự chung tay, đồng lòng của các bộ, ngành, địa phương sở tại.
Cụ thể, UBND các tỉnh biên giới phía bắc cần thường xuyên, liên tục cập nhật tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu trọng điểm, nhất là vào dịp cao điểm; kịp thời phối hợp với các địa phương sản xuất trọng điểm cảnh báo thông tin và điều phối hàng hóa đưa lên biên giới; thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp của các lực lượng chức năng hai nước tại khu vực biên giới và cửa khẩu; quán triệt chủ trương thúc đẩy thương mại “chính ngạch”, từng bước giảm dần xuất khẩu “tiểu ngạch”.
Công tác phổ biến, định hướng và hướng dẫn các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tái cơ cấu sản xuất đáp ứng yêu cầu của phía bạn, đồng thời thay đổi nhận thức, quan điểm về cách thức xuất khẩu thành “chính ngạch”, theo thông lệ quốc tế cần UBND các tỉnh thực hiện quyết liệt hơn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, đánh giá tình hình, thống nhất công tác tổ chức sản xuất đáp ứng với nhu cầu, yêu cầu của phía Trung Quốc nhằm điều tiết lượng hàng hóa lưu thông qua các tỉnh biên giới phù hợp với điều kiện, năng lực thông quan thực tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là thời gian cao điểm chính vụ; đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường với phía Trung Quốc, mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch.
Đối với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, để duy trì thị phần và mở rộng thị trường Trung Quốc, cần nâng cao nhận thức về tính đoàn kết, điều phối, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ giải quyết có hiệu quả tình trạng ép giá, ép cấp trong thương mại nông, thủy sản qua biên giới với doanh nghiệp Trung Quốc.
Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc và các khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước; thay đổi cơ bản tư duy tiếp cận thị trường, phương thức giao dịch, tổ chức sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc để có kế hoạch, chiến lược kinh doanh lâu dài, bài bản với thị trường này.