Thịt heo bị đầu cơ thao túng giá, ra quân kiểm tra đồng loạt
Thủ tướng yêu cầu xử lý việc ghìm giá, không chịu bán heo. Bộ Công thương khẳng định quản lý thị trường đã ra quân kiểm tra, chống đầu cơ thịt heo.
* Thủ tướng: 'Ông nào ghìm giá, không chịu xuất heo phải bị xử lý'
Theo ghi nhận ngày 24-12, giá heo hơi tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) ở mức 84.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với tháng 9-2019.
Không sợ thiếu thịt heo, chỉ sợ người dân không chịu ăn thịt đông lạnh.
Đại diện Công ty Vissan (TP.HCM)
|
"Giá không phù hợp quy luật cung cầu"
Theo dõi lượng heo về chợ hằng ngày, ông Lê Văn Tiển - phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn - cho rằng giá heo hiện nay có phần "quá đà" so với quy luật cung cầu. Nguồn cung heo về chợ nhiều ngày qua là 280 tấn/đêm, giảm hơn 100 tấn so với bình thường, nhưng nhu cầu cũng giảm mạnh.
"Nhiều tháng qua thịt bán ra cuối buổi luôn đủ hoặc dư. Nguồn cung giảm, nhu cầu giảm theo nhưng giá heo vẫn tăng liên tục, cần xem xét lại" - ông Tiển nói.
Sở Tài chính TP.HCM cũng khẳng định diễn biến giá hiện nay hoàn toàn không phù hợp quy luật cung cầu của thị trường, nên việc điều chỉnh giá bán bình ổn thịt heo không phát huy tác dụng. Sở này khẳng định lượng cung thịt heo vẫn đảm bảo.
Theo văn bản của Sở Công thương TP.HCM, hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động được nguồn heo hơi, cam kết tăng sản lượng bình ổn.
Trước dấu hiệu giá thịt heo nhập khẩu có xu hướng tăng, đại diện Công ty Vissan (TP.HCM) nhấn mạnh giá thịt heo đông lạnh được đơn vị bán ra thấp hơn 15% so với giá heo nóng (heo sống mổ bán ngay) nhưng trong hơn 50 tấn thịt heo tươi sống bán ra mỗi ngày, lượng heo nhập khẩu đông lạnh chỉ bán trung bình 2-3 tấn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-12, một đại diện Bộ Công thương cho biết trong tuần này tổ điều hành thị trường trong nước sẽ họp bàn các giải pháp để đảm bảo cung cầu thị trường hàng hóa cuối năm, trong đó có thịt heo.
Bộ Công thương cho hay sẽ tạo điều kiện hết sức về thủ tục để các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo thuận tiện hơn, đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan thú y làm các thủ tục kiểm dịch thú y nhanh nhất cho doanh nghiệp khi nhập khẩu.
"Bộ Công thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp qua việc huy động kênh thương vụ, các vụ, cục tìm đối tác cung cấp thịt heo phù hợp" - vị này cho hay.
Người dân đã chủ động giảm dùng thịt heo
Chiều 24-12, tại hội nghị giao ban báo chí của Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, phó giám đốc Sở Công thương, cho hay sở đã xây dựng kịch bản chi tiết, không để thiếu hụt thịt heo.
Cụ thể, sở đã gửi văn bản tới 20 tỉnh thành có nguồn cung thịt heo lớn để chủ động cho thị trường Hà Nội. Trường hợp cần thiết có thể nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung.
"Nguồn nội tại trên địa bàn TP đáp ứng khoảng 60%, khai thác ở các tỉnh khoảng 40%, như vậy là chưa tính nguồn nhập khẩu đã đáp ứng đủ rồi" - bà Lan nói.
Sở Công thương Hà Nội cho hay từ kết quả theo dõi siêu thị, chợ truyền thống cho thấy mặt hàng thịt heo gần đây giảm lượng tiêu thụ 5-20% do giá thịt heo cao, người dân chủ động chuyển sang dùng các thực phẩm khác.
Bà Lan cũng đề nghị Sở Tài chính kiểm tra việc chấp hành quy định về giá bán mặt hàng thịt heo trên địa bàn, tránh trường hợp găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gây mất cân đối nguồn cung. (XUÂN LONG)
|
Doanh nghiệp đang chịu thiệt?
Theo đại diện Công ty CP Việt Nam, đơn vị đang chịu thiệt bán giá thấp hơn thị trường 8.000-12.000 đồng/kg.
"Nguồn cung của CP đang ít dần, do áp lực phục vụ nhu cầu nên công ty bán heo sớm hơn dự kiến với trọng lượng xuất chuồng trung bình 94-95kg, thay vì nuôi đủ 120kg để có lãi nhiều hơn. Như vậy không thể gọi CP thao túng giá" - đại diện đơn vị này khẳng định.
Theo vị đại diện này, Nhà nước đã có chính sách bình ổn thịt heo từ nguồn nhập khẩu. Và cần tuyên truyền cho người dân hiểu hơn yên tâm sử dụng thịt mát, thịt đông lạnh, sử dụng thêm thịt gà, bò, hải sản... sẽ đỡ áp lực nguồn cung thời gian tới.
Trong khi đó, theo đại diện một doanh nghiệp mua heo hơi tại TP.HCM, dưới áp lực của Chính phủ, hiện nay nhiều công ty chăn nuôi lớn bán heo hơi đúng giá niêm yết và thường thấp hơn giá thị trường 3.000-6.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, thực tế họ không bán trực tiếp, mà chỉ bán heo cho thương lái. Từ đó, các công ty muốn mua phải mua qua tay thương lái.
Đồ họa: T.ĐẠT
|
Tập trung chống đầu cơ
Khẳng định nguồn cung thịt heo có thể được đảm bảo, đại diện Bộ Công thương cho biết đang tập trung vào chống đầu cơ, găm hàng, thao túng giá và xuất khẩu heo lậu sang các nước lân cận. Quản lý thị trường đã đồng loạt ra quân, đi kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất lớn nhằm chống găm hàng, tăng giá.
Bộ Công thương cho rằng việc cần làm trước mắt là không để tình trạng găm hàng, đặc biệt là ở các doanh nghiệp lớn chiếm thị phần trên 30%.
Giải pháp dài hạn phải tập trung tái đàn, đảm bảo nguồn cung tốt, can thiệp mạnh về thuế và tín dụng, ưu đãi để doanh nghiệp yên tâm nhập khẩu. Thậm chí phải có bảo lãnh tín dụng và thúc đẩy tiêu thụ hàng, dùng các biện pháp tài chính, thuế để bình ổn thị trường thịt heo, đầu tư cơ sở hạ tầng và kho cấp đông thịt heo để dự trữ nguồn cung.
Đà Nẵng: quầy thịt heo ảm đạm hơn
Ngày 24-12, Sở Công thương Đà Nẵng cho biết giá thịt heo tại các chợ vẫn tiếp tục tăng cao. Thịt mông, vai hiện dao động mức 150.000-170.000 đồng/kg, tăng 45-50% so với cùng kỳ 2018.
Ông Nguyễn Hà Bắc, giám đốc Sở Công thương, cho biết đang tích cực vận động và kêu gọi doanh nghiệp phối hợp, tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá thịt heo nhằm bình ổn thị trường. Sở cũng vận động các cơ sở chăn nuôi lớn cung cấp heo với số lượng tương đối để điều tiết thị trường, phục vụ khoảng 15 điểm bán thịt heo bình ổn giá cho người dân những ngày giáp tết.
Trong khi đó, theo ghi nhận, nhiều tiểu thương tại Đà Nẵng cho hay thịt heo tăng giá khiến kinh doanh rất khó khăn vì sức mua giảm.
Chị Hoa, tiểu thương, cho biết trước đây quầy thịt của chị bán hết một con chỉ trong buổi sáng thì nay phải bán qua buổi chiều vẫn không trôi. Các mối ngày thường lấy 10kg thì nay giảm còn 3kg. Cảnh mua bán tại các quầy thịt khá ảm đạm. (TẤN LỰC)
|
N.TRÍ - T.MẠNH - N.AN
Tuổi trẻ