35 tuổi người lao động có thể hưởng lương hưu
Để có thời gian chăm sóc cho bản thân và gia đình, người lao động nghỉ hưu khi 35 tuổi phải đáp ứng đủ 4 điều kiện và sẽ nhận lương hưu với mức rất thấp.
* Quốc hội đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, yêu cầu từng bước giảm giờ làm
* Khoảng 3 triệu người có thể được nghỉ hưu sớm 5 năm
Nghỉ hưu trước tuổi là nhu cầu của không ít lao động muốn có thêm thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Đặc biệt, theo pháp luật hiện hành, có những người chỉ 35 tuổi đã có thể nghỉ việc để lĩnh lương hưu.
Hưởng lương hưu 35 tuổi phải đáp ứng đủ 4 điều kiện
Thông thường, một người sẽ được hưởng lương hưu khi có 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật cũng tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) được nghỉ hưu trước tuổi, thậm chí trước rất nhiều tuổi. Cụ thể, tại điểm c, khoản 1, điều 55 Luật BHXH 2014 quy định: NLĐ có đủ 20 năm đóng BHXH sẽ được nghỉ hưu trước tuổi nếu: Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
Người lao động nghỉ hưu khi 35 sẽ nhận lương hưu với mức rất thấp
|
Với quy định này có thể thấy, những người được hưởng lương hưu khi mới 35 tuổi là người đáp ứng đủ 4 điều kiện: Có đủ 20 năm đóng BHXH; Làm việc từ năm 15 tuổi, mỗi năm làm việc đều đóng BHXH đầy đủ; Có ít nhất 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Theo điều 163 Bộ Luật Lao động 2012, trong thời gian làm việc từ năm 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, NLĐ không được làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách; đồng thời, thời giờ làm việc không được quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần.
Lương hưu của người nghỉ hưu khi 35 tuổi
Theo quy định tại điều 56 của Luật BHXH 2014, mức lương hưu hàng tháng của NLĐ được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2020 được tính là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và năm 2022 trở đi là 20 năm; Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2020 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ mỗi năm được tính thêm 2% cho đến mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm 2%. Nếu tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỉ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Ví dụ: Năm 2020, anh A 35 tuổi đáp ứng đủ các điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi theo quy định nêu trên. Lương hưu hàng tháng của anh A được tính như sau: 18 năm đóng BHXH = 45%; 2 năm còn lại = 2 x 2% = 4%. Tổng tỉ lệ hưởng lương hưu theo số năm đóng BHXH thực tế là 49%. Tuy nhiên, anh A nghỉ hưu trước tuổi 25 năm, nên bị trừ đi 25 x 2% = 50%.
Trong trường hợp này, tỉ lệ bị trừ khi nghỉ hưu trước tuổi lớn hơn tỉ lệ hưởng lương hưu thực có của anh A, do vậy, sẽ áp dụng quy định tại khoản 5, điều 56 Luật BHXH 2014: Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở.
Như vậy, nếu thời điểm hưởng lương hưu rơi vào trước 1-7-2020 thì mức lương hưu hàng tháng anh A nhận được là 1,49 triệu đồng/tháng. Nếu thời điểm hưởng lương hưu rơi vào sau 1-7-2020 thì mức lương hưu hàng tháng anh A nhận được là 1,6 triệu đồng/tháng.
H.Lê
Người lao động