Giới showbiz đầu tư chứng khoán như thế nào?
Thực tế cho thấy thời kỳ các nghệ sỹ chỉ đơn thuần làm đại diện nhãn hàng hoặc quảng bá cho các doanh nghiệp đã qua. Ngày nay, giới showbiz đã bắt đầu con đường trở thành những nhà đầu tư thực sự.
* Hoa hậu Mai Phương Thúy: 'Đầu tư chứng khoán chắc chắn không nghèo'
* Mai Phương Thúy chi 10 tỷ đồng mua trái phiếu chuỗi cầm đồ
Năm 2019 không chỉ là một năm có nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thể thao… của Việt Nam mà còn xuất hiện một trào lưu mới: giới showbiz đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Thực tế đã có không ít nghệ sỹ bắt đầu tìm hiểu một cách nghiêm túc về đầu tư tài chính để chuẩn bị con đường về già cho mình. Nếu phân chia theo “trường phái” thì tạm thời có thể tách thành 2 nhóm: thận trọng, “độc lập” kiểu Mai Phương Thúy và mạo hiểm, “cộng sinh” kiểu Sơn Tùng M-TP.
Mai Phương Thúy - Phong cách đậm chất Warren Buffett
Trong cuộc sống có hai trường hợp thường khiến cho chúng ta cảm thấy day dứt, thương cảm nhiều nhất:
Thứ nhất là anh hùng lỡ vận. Thời thế tạo anh hùng nhưng cũng chôn vùi không ít người tài. Cả thiên hạ tranh giành bá nghiệp nhưng mấy ai lên được đỉnh cao? Đa số đều phải âm thầm tiếc hận và bị chôn vùi trong con sóng dữ của thời đại.
Thứ hai là người đẹp hết thời. Các trường hợp như nghệ sỹ Trang Thanh Xuân ở Việt Nam sáng bán vé số chiều lượm ve chai, hoa hậu Dương Uyển Nghi của Hong Kong phải rao bán cả vương miện do làm ăn thất bại, nợ nần chồng chất…đều tạo ra những cảm xúc đau đớn kiểu "hồng nhan bạc phận".
Hoa hậu Mai Phương Thúy. Nguồn: Zing.vn
Hoa nở rồi hoa tàn, cực thịnh tất suy là nguyên lý tất yếu không thể đảo ngược. Vì vậy, không ai có thể ở trên đỉnh cao mãi mãi. Sống ngày yên ổn ta phải nghĩ đến ngày gian nguy. Thúy là người thích đọc sách và có học thức cao nên cô đủ khả năng tính toán đường lui cho mình sau này. Dĩ nhiên, các toan tính không phải lúc nào cũng thành công như dự kiến ban đầu nhưng việc lên kế hoạch trước sẽ giúp ta không đi vào ngõ cụt.
Một chiến lược đầu tư thông minh kết hợp với sự kiên nhẫn sẽ giúp gia cố nền tảng tài chính thêm vững chắc. Mặc dù sự liên hệ này ở một khía cạnh nào đó là khá khập khiễng nhưng ta có thể tạm gọi phong cách đầu tư của Thúy là “ăn chắc mặc bền” đậm chất Warren Buffett. Nhìn danh mục của Thúy được báo chí “bật mí” có những cổ phiếu Bluechip như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB), CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC), CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG)… chúng ta có thể nhận thấy những đặc điểm như vốn hóa lớn, thị phần cao, nền tảng kinh doanh tốt, tăng trưởng ổn định… Những cổ phiếu như vậy đều thường được các nhà đầu tư giá trị lựa chọn cho danh mục của mình.
Ở đây người viết không đi sâu vào cách lựa chọn cổ phiếu vì điều này có lẽ đã được các phương tiện truyền thông nói quá nhiều rồi. Góc nhìn của bài viết này sẽ tập trung vào tác động của khoản đầu tư tới những cổ phiếu đó.
Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett lần đầu mua cổ phiếu Apple (NASDAQ: APPL) vào năm 2016. Từ thời điểm đó đến năm 2018, vị tỷ phú này tiếp tục mua thêm cổ phiếu Apple với số lượng lớn. Thương vụ này rất thành công khi giá Apple đã tăng từ mức 100 USD lên gần 300 USD trong vòng chưa đầy 4 năm.
Nguồn: TradingView
VCB là ngân hàng dẫn đầu về vốn hóa thị trường và lợi nhuận ở Việt Nam. Thậm chí, khi so sánh VCB với các ngân hàng lớn trong khu vực ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia…), chúng ta có thể thấy ngân hàng này có hiệu quả sinh lời tốt hơn. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compounded Annual Growth Rate) của thu nhập lãi thuần của ngân hàng này trong giai đoạn 2014-2019 ở mức khoảng 24%. Giới phân tích cho rằng VCB vẫn sẽ tăng trưởng với tốc độ trên 15% trong vòng 5 năm tới.
Giá cổ phiếu VCB cũng có những bước tiến đầy ấn tượng. Trong khi giá các ngân hàng khác đều đi xuống hoặc tích lũy thì giá VCB liên tục tạo đỉnh mới.
Hai thương vụ này dù khác nhau ở vô số điểm nhưng lại có một điểm chung: đối tượng được rót vốn khá độc lập và không phụ thuộc quá nhiều vào người nổi tiếng. Warren Buffett là một nhà đầu tư trứ danh và có nhiều ảnh hưởng đến thị trường Mỹ cũng như thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả khi không có Warren Buffett đầu tư thì giới phân tích vẫn cho rằng Apple vẫn có thể tự “bơi” được. Bằng chứng là vào năm 2016 khi Bloomberg thực hiện cuộc khảo sát với các chuyên gia đầu tư thì chỉ 2/50 người được hỏi cho biết sẽ bán cổ phiếu này dù doanh thu của Apple đang sụt giảm.
Trường hợp của VCB cũng tương tự như vậy. Dù Mai Phương Thúy là một người vô cùng nổi tiếng ở Việt Nam nhưng rõ ràng giá cổ phiếu VCB không chịu ảnh hưởng nhiều từ quyết định đầu tư của hoa hậu này. Nếu có Thúy đầu tư thì VCB sẽ nổi tiếng hơn một chút. Nếu không có Thúy tham gia thì bản thân VCB cũng đã là một thương hiệu vô cùng mạnh rồi.
Nguồn: https://ta.vietstock.vn/
Chúng ta cũng có thể kể đến thương vụ gần đây của Thúy là mua 10% tổng lượng trái phiếu phát hành của chuỗi cầm đồ F88. Nhiều người vẫn cho rằng đây thực chất là một thương vụ nhằm PR đánh bóng tên tuổi của cả Thúy và F88. Người viết không nghĩ như vậy. Chuỗi cầm đồ này hiện đang tăng trưởng thần tốc và ngay cả đơn vị tư vấn là CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng mua vào đến 30% tổng lượng phát hành.
Bản thân ngành cầm đồ là một ngành an toàn vì có tài sản đảm bảo của khách vay và không cần phải PR quá nhiều. Giả sử bạn có thể vay ở công ty cầm đồ X với lãi suất 2%/tháng và lãi suất cho vay của F88 là 4%/tháng thì người viết không nghĩ bạn sẽ vay ở F88 cho dù bạn là fan cuồng của Mai Phương Thúy đi nữa. Điều này cho thấy việc đầu tư của Thúy gần như tách bạch hoàn toàn với việc cô là một người nổi tiếng. Các đối tượng đầu tư của Thúy ở một khía cạnh nào đó không cần đến tiền và tiếng tăm của cô để duy trì đà phát triển của mình. Sự cẩn thận của phụ nữ đã phát huy tác dụng tốt trong trường hợp này.
Người viết cho rằng những nghệ sỹ đang nhìn thấy bóng hoàng hôn của sự nghiệp bao trùm lấy mình có thể học hỏi chiến lược khôn ngoan của Thúy.
Sơn Tùng - Hướng đến công nghệ
Nếu Mai Phương Thúy là điển hình cho kiểu đầu tư “độc lập” thì Sơn Tùng M-TP có thể là một ví dụ kinh điển cho kiểu đầu tư “cộng sinh”. Mục tiêu đầu tư và hợp tác làm ăn hầu như tập trung vào những công ty có hàm lượng công nghệ khá cao và cần những thương hiệu cá nhân mạnh để hỗ trợ.
* Toan tính của Sơn Tùng MTP khi ra mắt mạng xã hội SkySocial và hợp tác với Luxstay?
Việc kết hợp thương hiệu cá nhân của chàng ca sỹ Sơn Tùng M-TP và thương hiệu doanh nghiệp của Luxstay có thể giúp cho startup này phát triển bùng nổ trong thời gian tới. Thậm chí, chúng ta có thể nghĩ đến các con số tăng trưởng bằng lần.
Ca sỹ Sơn Tùng M-TP. Nguồn: YAN
Tuy nhiên, mặt trái là các doanh nghiệp của Sơn Tùng M-TP đầu tư sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi sự “thăng trầm” của anh. Mối quan hệ cộng sinh phức tạp này là con dao hai lưỡi. Khi danh tiếng của Tùng đang lên thì không sao nhưng khi xuất hiện các scandal bất ngờ hoặc sự nghiệp cá nhân đi xuống thì doanh nghiệp cũng bị vạ lây theo.
Dưới góc nhìn tài chính hành vi, đây cũng có thể coi là một hội chứng tâm lý học của những nghệ sỹ trẻ tuổi mới bắt đầu nổi tiếng. Giáo sư tâm lý học Daniel Kahneman, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002, gọi đây là hiện tượng quá tự tin (overconfidence) và quá lạc quan (overoptimism). Việc một cá nhân quá tự tin vào bản thân mình sẽ hình thành cho anh ta một chiến lược đầu tư có thể đem lại nhiều lợi nhuận hơn nhưng cũng có rủi ro lớn hơn.
Hiện tượng trên dễ xuất hiện ở những nghệ sỹ đang lên hơn là những người đã thành danh lâu năm. Chúng ta không thể phán xét rằng kiểu của Mai Phương Thúy hay kiểu của Sơn Tùng là tốt hơn vì mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Mỗi nghệ sỹ sẽ lựa chọn cho mình một phương pháp được cho là tối ưu với năng lực tài chính và tình trạng sự nghiệp hiện tại. Người viết chúc cho họ đều sẽ thành công trên con đường mình đã chọn và tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ của Việt Nam.
Thế Phong
FILI
|