“Thượng đế” thành “con tin”
Bỏ tiền tỉ mua nhà nhưng lại bị nợ “sổ hồng”, “sổ đỏ” đang là thảm cảnh chung của hàng chục nghìn hộ dân ở TP.HCM dù họ không hề có lỗi trong chuyện này.
Công ty Tín Phong xây dựng sai phép khiến người mua nhà ở chung cư Tín Phong (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) chưa được cấp sổ hồng. Ảnh: Sỹ Đông
|
Mua được căn hộ chung cư là nỗ lực lớn lao của nhiều người tỉnh lẻ bỏ quê lên phố. Các dự án mọc lên giải quyết phần nào nhu cầu nhà ở của người lao động. Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư (CĐT) bất chấp quy định pháp luật, xây dựng sai phép, mang “sổ đỏ” của dự án đi thế chấp ngân hàng khiến người mua nhà bị vạ lây. Từ vị thế khách hàng là “thượng đế”, người mua nhà trở thành “con tin”.
“Sổ hồng” lẽ ra phải được CĐT trao tận tay người mua nhà như một nghĩa vụ tất yếu thì giờ đây cư dân phải đi gõ cửa cơ quan công quyền để nhờ cậy. Khi phát hiện CĐT xây dựng sai phạm, cơ quan chức năng đều lập biên bản, ban hành quyết định cưỡng chế. Thế nhưng quyết định này không được thi hành, các sai phạm nối tiếp nhau cho đến khi CĐT đưa dân vào ở.
Biết chung cư chưa đủ điều kiện để người dân sinh sống, nhưng nhiều trường hợp cơ quan chức năng cũng không mạnh tay ngăn chặn mà coi đó là giao dịch dân sự. Nếu cơ quan chức năng xử lý các sai phạm của CĐT ngay từ đầu thì người dân đã không phải treo băng rôn đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.
Để tháo gỡ khó khăn, TP.HCM cho biết sẽ hướng dẫn người mua nhà khởi kiện chủ đầu tư. Thế nhưng, phương án này không được người dân hưởng ứng, bởi nếu thắng kiện thì liệu rằng một bản án của tòa có đẩy nhanh được tiến độ cấp “sổ hồng”- vốn là trách nhiệm của Sở TN-MT.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói rằng người mua nhà là bên ngay tình nên phải được cấp “sổ hồng”; CĐT sai phạm thì bị xử lý riêng, “chuyện nào ra chuyện đó”. Mỗi năm, dân số TP.HCM tăng thêm khoảng 200.000 người; phần lớn người dân chọn mua chung cư nhưng không ai muốn trở thành “con tin” nằm trong tay CĐT vô trách nhiệm.
Sỹ Đông
Thanh niên