Xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhờ tận dụng cơ hội từ CPTPP
Sau khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, các doanh nghiệp trong nước đã nhìn nhận và bắt đầu tận dụng được những cơ hội mà hiệp định này mang lại.
Doanh nghiệp bắt đầu tận dụng cơ hội CPTPP mang lại. Các diễn giả tại hội thảo diễn ra hôm nay, 27-11 tại Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh
|
Thông tin nêu trên được bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết bên lề hội thảo “Ngành thủy sản- trái cây, rau củ- chăn nuôi, chế biến thịt Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ CPTPP” được tổ chức vào hôm nay, 27-11 ở Thành phố Cần Thơ.
Theo đó, CPTPP đã được 6/11 nước thành viên hoàn tất phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12-2018, gồm Canada, Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand và Úc. Riêng Việt Nam là thành viên thứ 7 đã phê chuẩn CPTPP và có hiệu lực với nước ta từ ngày 14-1-2019.
Liên quan việc doanh nghiệp trong nước đã tận dụng được gì sau khi CPTPP có hiệu lực, bà Trang nói rằng, việc doanh nghiệp đã tận dụng được ưu đãi thuế quan đến đâu, thì phải căn cứ vào số liệu tỷ lệ “tận dụng ưu đãi thuế quan”, các “chứng nhận xuất xứ” được Bộ Công Thương cấp. “Chúng tôi chưa có thông tin đấy cho nên không bình luận được”, bà nói.
Tuy nhiên, theo bà Trang, có một số kết quả thấy khá rõ, đó là xuất nhập khẩu, mà đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường như Canada đã tăng lên rất nhanh sau khi CPTPP có hiệu lực. “Điều đó cho thấy, doanh nghiệp đang nhìn nhận được các cơ hội và bắt đầu xúc tiến để tận dụng cơ hội này”, bà cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, một số lĩnh vực đã có hiệu ứng như ngành rau quả từ đầu năm đến nay đã xuất được 3,5 tỉ đô la, trong đó, một số thị trường thuộc CPTPP tăng rất cao như Nhật Bản, tăng 35%. “Rõ ràng, đã có những hiệu ứng”, ông nói và cho rằng khi có những diễn đàn sâu, rộng về chủ đề này, thì doanh nghiệp sẽ càng tận dụng được tốt hơn.
Theo bà Trang, ở trong câu chuyện CPTPP, thì có 7 thị trường Việt Nam đã và đang có các Hiệp định thương mại tư do. “Chúng ta thấy có khá nhiều hiệp định thương mại tư do có mức độ cam kết giống như CPTPP, cho nên, CPTPP chỉ tạo thêm con đường mới để cho các doanh nghiệp lựa chọn thôi, chứ không phải là con đường duy nhất”, bà nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Trang cho biết, CPTPP không chỉ là câu chuyện thuế quan, mà còn là câu chuyện của thể chế ở trong nước. Nhưng, cải thiện thể chế ở trong nước, thì chưa thể nhìn nhận được ngay vì: thứ nhất, có nhiều cam kết có lộ trình thực hiện; thứ hai, có một số văn bản mới được thông qua nên cũng cần có thời gian.
“Tuy nhiên, trong tương lai, rõ ràng là với những yêu cầu từ CPTPP và đặc biệt yêu cầu bắt buộc phải thực hiện, thì môi trường kinh doanh phải tốt hơn”, bà Trang cho biết và nói rằng điều đó chắc chắn sẽ tác động đến doanh nghiệp. “Những lợi ích đó là rất đáng kể, dù khó có thể đong đếm được”, bà nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp trong ngành rau quả, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu lưu ý, dù cơ hội tận dụng ưu đãi thuế quan đã đển, nhưng muốn "chinh phục" được thì cần chuẩn hóa sản xuất, chế biến... “Chúng ta cần mở các vùng trồng, cấp mã số cho nhiều loại trái cây và quản lý vùng trồng phải ngày càng chặt chẽ hơn để có điều kiện gia nhập thị trường, không bị rủi ro”, bà Thu cho biết.
Trung Chánh
TBKTSG