Giá quảng cáo trên xe buýt... xa thực tế
Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, các doanh nghiệp có nhu cầu mà ngay cả cơ quan chủ quản cũng thừa nhận giá quảng cáo trên xe buýt... chưa phù hợp thực tế
Lần thứ 5 đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt tại TP HCM tiếp tục thất bại. Đáng nói, theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM (gọi tắt là Trung tâm), trước khi tổ chức phiên đấu giá này, phía Trung tâm đã kéo giãn hàng loạt điều kiện tham gia.
Doanh nghiệp với không tới
Cụ thể, Trung tâm đã tiến hành trao đổi nhiều lần với các đơn vị quảng cáo nhằm tiếp thu và đánh giá kỹ nhu cầu, các hướng tiếp cận. Kế đến, phương án đưa ra là tổ chức mỗi tuyến xe là một gói thầu nhằm tạo điều kiện, phù hợp với nhu cầu cũng như năng lực của doanh nghiệp (DN) nhỏ, vừa. Bên cạnh đó, cũng chia thành nhiều đợt đấu giá để các đơn vị có nhiều cơ hội và sự lựa chọn hơn, không bó buộc chỉ một đợt đấu giá như những lần trước. Thế nhưng, lần đấu giá quảng cáo này vẫn không có DN nào tham gia.
Để xe buýt phủ kín quảng cáo, đòi hỏi giá quảng cáo phải sát với thực tế cạnh tranh Ảnh: TẤN THẠNH
|
Lý giải về sự thất bại, ông Lê Hà Ân, Phó Giám đốc Trung tâm, cho rằng nguyên nhân chính là giá các gói thầu chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. "Ngoài ra, sự bùng nổ của các chương trình quảng cáo trên mạng xã hội, vừa hấp dẫn, giá tốt, hiệu quả cao nên các nhà đầu tư cân nhắc, đắn đo" - ông Ân phân tích.
Phân tích của ông Ân thực tế là những gì các DN hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, các DN có nhu cầu muốn quảng cáo trên thân xe buýt đã không ít lần khuyến cáo. Đó là mức giá quá cao.
Anh Phạm Hùng Chiến - chủ một DN kinh doanh dược tại quận Gò Vấp - kể trước đây, anh từng tính toán đến việc thuê quảng cáo trên thân xe buýt hoặc trạm dừng nhưng DN của anh "với không tới". "Mức giá sàn quá cao và thời gian quảng cáo kéo dài trong khi nhu cầu quảng cáo liên tục thay đổi, DN chỉ muốn khai thác vài tháng, thậm chí vài tuần và thuê quảng cáo ở vài xe chứ không thuê cả gói. Vậy sao hiệu quả? Vậy sao các DN nhỏ và vừa gánh nổi?" - anh Chiến phân tích và cho hay anh đã chọn quảng cáo ở thân taxi, bởi giá phù hợp hơn, như thuê quảng cáo của Mai Linh cao nhất là 3,5 triệu đồng/xe/tháng cho loại 7 chỗ, còn 4 chỗ chưa tới 3 triệu đồng, lại dễ dàng lựa chọn số lượng xe, thời gian thuê…
Khai thác lợi thế
Ông Nguyễn Hoài Ảnh - chủ DN chuyên lĩnh vực truyền thông, quảng cáo - cho rằng hiện quảng cáo trên internet, truyền hình, mạng xã hội... vô cùng đa dạng nhưng chính điều đó đang tạo ra sự "bão hòa" trong môi trường quảng cáo. Nhiều DN hiểu rõ điều này và muốn quay trở lại hình thức quảng cáo ngoài trời như trên xe buýt, các trạm dừng chân... Bởi lợi thế của quảng cáo ngoài trời là tiếp cận các nhóm đối tượng rộng hơn do có thể phủ sóng 24/24 giờ. "Nói về quảng cáo ngoài trời, phải khẳng định là khó có loại hình nào cạnh tranh lại được xe buýt. Nói vậy để thấy xe buýt cần "kéo giá" gần sát với taxi thì bảo đảm không còn chỗ cho những DN chậm chân" - ông Ân khẳng định.
Đấu thầu quảng cáo trên xe buýt triển khai thí điểm từ năm 2017 với gói thầu đầu tiên gần 500 xe được đấu giá thành công. Nếu mọi việc suôn sẻ, khoảng 1.200 xe buýt có trợ giá hiện nay có thể thu về 135 tỉ đồng/năm, phần nào giảm gánh nặng cho ngân sách là chuyện ai cũng mong. Vậy các cơ quan liên quan đang làm gì để cứu "bàn thua" này?
Theo ông Lê Hà Ân, một trong những bất cập hiện nay là chưa có phương án thẩm định đơn giá quảng cáo, Sở GTVT sử dụng giá do các chuyên gia đưa ra nhưng đơn giá này vẫn còn nhiều băn khoăn từ các sở - ngành chuyên môn. Do đó, Trung tâm đã trình Sở GTVT xem xét phương án thẩm định giá, đồng thời điều chỉnh lại giá các gói thầu cho phù hợp tình hình thực tế, có thể sẽ thấp hơn nhưng thấp hơn bao nhiêu thì phải chờ Bộ Tài chính thông qua. Do đó, theo ông Ân, có khả năng phải mất thêm thời gian, quảng cáo trên thân xe buýt mới "chạy" lại.
Tại sao không giao các nhà xe tự quảng cáo để tìm thêm nguồn thu như tỉnh Đồng Nai? Trả lời câu hỏi này, ông Ân cho rằng ở Đồng Nai hầu hết là xe buýt không trợ giá nên việc giao cho nhà xe tự quảng cáo, tìm thêm nguồn thu khá dễ dàng và hợp lý. "Riêng 1.200 xe dự kiến đấu thầu quảng cáo trên thân xe buýt ở TP HCM là xe có trợ giá, nếu giao cho chủ xe tự tìm quảng cáo thì mức trợ giá phải tính toán lại vì nguồn thu này là cơ sở xem xét mức trợ giá tăng hay giảm. Do đó, Trung tâm chưa đề xuất phương án giao cho nhà xe tự quảng cáo" - ông Lê Hà Ân lý giải.
Tại lần đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt lần 5 diễn ra mới đây, trong tổng số 71 gói thầu, gói thấp nhất gồm 4 xe thuộc tuyến 96. Giá khởi điểm cho gói này thời gian thuê thấp nhất là 6 tháng với hơn 410 triệu đồng, cao nhất 3 năm là 1,2 tỉ đồng.
Còn gói cao nhất thuộc tuyến số 8, với 53 xe loại B80, giá khởi điểm cho thời gian thuê thấp nhất 6 tháng là gần 3,5 tỉ đồng, thuê cao nhất 3 năm là 21 tỉ đồng ở mức khởi điểm khi tham gia đấu giá.
|
THU HỒNG - GIA MINH
Người lao động