Kiến nghị miễn giảm các loại thuế để hạ giá ôtô sản xuất trong nước
Chính phủ nên sớm xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất ôtô trong nước. Đồng thời, thuế nhập khẩu nguyên liệu linh kiện cũng phải về 0% để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô trong nước.
Đại diện Bộ Công thương, lãnh đạo báo Tuổi Trẻ và doanh nghiệp ôtô trao đổi bên lề diễn đàn - Ảnh: CHÍ TUỆ
|
Đó là kiến nghị của các doanh nghiệp tại diễn đàn công nghiệp hỗ trợ 2019 Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu, do Bộ Công thương và báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 28-11 tại Hà Nội.
Phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường khả năng thu hút nước ngoài, góp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đồng thời, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tạo lập mạng lưới các nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc diễn đàn - Ảnh: CHÍ TUỆ
|
Theo thứ trưởng Hải, Chính phủ đã có nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Với các chính sách khuyến khích của chính phủ, ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đạt tỉ lệ nội địa hóa của một số dòng xe sản xuất lắp ráp trong nước khá cao.
Số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô gia tăng liên tục. Có một số sản phẩm công nghiệp ôtô đã xuất khẩu…
Tuy nhiên, theo ông Hải, cần thẳng thắn nhìn nhận vào hạn chế khi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Tỉ lệ nội địa hóa xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi còn thấp. Giá thành sản xuất ôtô còn cao. Chính vì vậy, việc cạnh tranh với các hãng lớn là rất khó khăn. Chất lượng máy móc sản phẩm công nghiệp còn hạn chế nên khó tham gia vào chuỗi sản xuất ngành công nghiệp ôtô trong nước…
Để phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước, điều kiện tiên quyết là phải có ngành sản xuất lắp ráp ôtô trong nước phát triển, mở ra cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Phải nhận thức ngành công nghiệp ôtô phải gắn mình vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Giảm thuế sẽ góp phần hạ giá ôtô
ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco Trường Hải, kiến nghị Chính phủ cần có chính sách thuế để giúp hạ giá ôtô sản xuất trong nước - Ảnh: CHÍ TUỆ
|
Về giải pháp phát triển ngành công nghiệp ôtô, phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco Trường Hải, kiến nghị Chính phủ cần có chính sách đúng đắn, kịp thời.
Cụ thể, ông nêu nên xem xét bỏ tiêu chuẩn để được áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện ôtô để sản xuất trong nước. Vì khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.
Mặt khác, ông Tài cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét giảm thuế nguyên liệu để sản xuất linh kiện, vật tư ôtô về 0%. Khi giảm thuế nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra linh kiện thì chắc chắn giá thành sẽ giảm và kéo giá xe sản xuất trong nước giảm. Cuối cùng là người tiêu dùng sẽ được lợi.
Đặc biệt, ông Tài kiến nghị thêm là Chính phủ sớm xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các linh kiện, phù tùng sản xuất trong nước. Thực tế, các nước như Malaysia đã áp dụng chính sách này từ rất lâu. Khi giảm thuế này, chắc chắn tỉ lệ nội địa hóa xe trong nước sẽ tăng và giúp giá xe giảm.
Đồng tình với kiến nghị của ông Tài, giám đốc Sở Công thương Hải Phòng - Bùi Quang Hải, cho rằng cần xem xét chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và kể cả thuế đất nếu xác định đây là ngành quan trọng. Chúng ta không thiếu văn bản chính sách nhưng ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ôtô chưa phát triển được là do chính sách chưa đủ mạnh.
Đối với thị trường, nên có chính sách như thế nào đối với người tiêu dùng. Nếu chúng ta xác định người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì phải xem xét lại chính sách lệ phí trước bạ khi có địa phương áp mức thu 12%.
L.THANH
Tuổi trẻ