Thứ Sáu, 22/11/2019 08:30

Đằng sau nhập siêu kỷ lục từ Trung Quốc

10 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 29 tỉ USD, con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Hàng hóa Trung Quốc đổ dồn về Việt Nam

Con số này đội lên 9 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 14 nhóm hàng có giá trị nhập trên 1 tỉ USD trở lên.

Nhập siêu từ Trung Quốc là vấn đề không có gì mới. Trong thương mại với nước này từ trước tới nay, chúng ta luôn luôn thâm hụt mạnh. Nhưng giá trị nhập siêu tăng đột biến như nói trên lại đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải được phân tích thấu đáo để có giải pháp kịp thời, nếu không hệ lụy là rất lớn.

Đầu tiên, nhập siêu lớn có phải do hàng hóa Trung Quốc tràn sang Việt Nam vì gặp khó ở thị trường Mỹ bắt nguồn từ thương chiến Mỹ - Trung? Khả năng này là rất lớn và thực tế đã được đặt ra ngay từ khi thương chiến bắt đầu.

Thời điểm đó, rất nhiều phân tích cho rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi "điền vào khoảng trống" khi hàng Trung Quốc gặp khó tại thị trường Mỹ. Lợi đâu chưa thấy nhưng chúng ta đang bị Trung Quốc biến thành một trong những thị trường thay thế Mỹ.

Cạnh tranh với hàng Trung Quốc chưa bao giờ là đơn giản với bất cứ thị trường nào nên sản xuất trong nước chắc chắn đã và đang đối mặt với cuộc chiến khốc liệt để giữ thị phần tại chính sân nhà từ cơn bão hàng hóa Trung Quốc tràn sang.

Thứ hai nguy hiểm hơn là tình trạng hàng Trung Quốc vào Việt Nam "rửa" xuất xứ, xuất sang Mỹ để né thuế. Từ đầu năm tới nay, đã phát hiện nhiều vụ rửa xuất xứ dạng này. Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo và nếu bị phát hiện, Việt Nam có nguy cơ bị vạ lây. Nên nhớ, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Xuất siêu chúng ta có được chủ yếu từ thị trường này. Thế nên nếu không có giải pháp để ngăn chặn thì hệ lụy là rất khó đong đếm.

Thứ ba, muốn tận dụng được cơ hội từ Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) với những cam kết cắt giảm thuế, mở cửa cho dịch vụ, đầu tư, phân phối lớn cho doanh nghiệp Việt, chúng ta phải đảm bảo quy tắc xuất xứ thuần túy (sản xuất và nguyên liệu ở nước xuất khẩu), xuất xứ nội khối, xuất xứ một phần.

Trong khi lâu nay, nguyên vật liệu của rất nhiều ngành xuất khẩu lớn trong nước được nhập từ Trung Quốc. Đó là lý do, ngay khi hiệp định được ký kết, những chiến lược tìm nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu từ nước này đã được đặt ra.

Nhưng với con số nhập khẩu, nhập siêu lớn như nói trên, có khả năng, việc chuyển đổi vùng nguyên liệu rất chậm trễ, ì ạch? Cũng có nghĩa là việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại chưa hiệu quả...

Dù nhập siêu kỷ lục từ Trung Quốc đến từ nguyên nhân gì thì tất cả những cảnh báo, nguy cơ, rủi ro... nói trên chúng ta đều đã nhìn thấy, đã dự liệu, đã bàn bạc, đã đề xuất các giải pháp. Nhưng nói là một chuyện, thực thi như thế nào lại là chuyện hoàn toàn khác. Bức tranh thương mại với Trung Quốc cho thấy, chúng ta vẫn mạnh về bàn, việc thực thi vẫn yếu kém và kết quả nói trên là tất yếu.

Nguyên Khanh

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Giá SGK sẽ không thể rẻ như hiện nay? (22/11/2019)

>   Lấn chiếm đất đai sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng (22/11/2019)

>   Duyệt cho 3 tỉnh chuyển đổi hơn 400 ha đất lúa (22/11/2019)

>   Đại biểu Quốc hội đề nghị nâng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi (21/11/2019)

>   Nữ 8X lừa đảo chiếm đoạt gần 400 tỷ (21/11/2019)

>   Suất đầu tư sân bay Long Thành: Đại biểu nói cao, Chính phủ giải thích thế nào? (21/11/2019)

>   Quốc hội đã quyết tăng tuổi hưu, cụ thể ra sao? (21/11/2019)

>   Lo số phận 5 triệu hộ kinh doanh, đại biểu Quốc hội đề nghị viết lại luật (21/11/2019)

>   Bộ Công thương: Mất cân đối cung cầu, tết thiếu khoảng 200.000 tấn thịt heo (20/11/2019)

>   Đem đất của khách hàng bán cho xã hội đen ? (20/11/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật