Lo số phận 5 triệu hộ kinh doanh, đại biểu Quốc hội đề nghị viết lại luật
Việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật doanh nghiệp tiếp tục tạo ra những quan điểm trái chiều trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường Quốc hội chiều 20-11.
Nhiều đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ các quy định khi đưa hộ kinh doanh và luật Doanh nghiệp - Ảnh: QH
|
Có ba luồng ý kiến được nêu ra trong phiên thảo luận, một đồng tình với việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật doanh nghiệp để có cơ sở hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh tiếp cận nguồn lực tốt hơn.
Hai không đồng tình bởi lo ngại hộ kinh doanh có thể bị quản chặt hơn, ràng buộc bởi những quy định của Luật doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng có thể đưa hộ kinh doanh vào dự luật nhưng cần phải nghiên cứu kỹ hơn các quy định, tạo thuận lợi tốt hơn cho hộ kinh doanh phát triển thay vì ràng buộc bằng các quy định của dự luật.
"Không có chuyện ông chủ quán phở thành giám đốc doanh nghiệp qua một đêm"
Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam Vũ Tiến Lộc (đại biểu Thái Bình) đồng tình việc đưa hộ kinh doanh vào dự luật bởi nhiều thuận lợi như tạo địa vị pháp lý, đăng ký hộ kinh doanh không thay đổi, chế độ ghi chép sổ sách kế toán và nghĩa vụ thuế không đổi, thanh kiểm tra và thủ tục hành chính không nặng thêm, không làm phát sinh thêm chi phí và bộ máy quản lý, thu ngân sách tăng thêm, quản trị hộ kinh doanh được tăng cường.
"Không ban hành luật riêng về hộ kinh doanh bởi đây là một loại hình doanh nghiệp. Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp không phải xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không phải ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty, hay thành doanh nghiệp tư nhân.
Tuyệt đối không có chuyện 'qua một đêm ngủ dậy ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp phở hôm nay'" - ông Lộc nói.
Không đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) dẫn kết quả phỏng vấn trực tiếp các hộ kinh doanh do đại biểu thực hiện cho thấy họ không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp dù nhận nhiều ưu đãi hỗ trợ hơn.
Thậm chí, hộ kinh doanh lớn còn lo ngại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức nên thiếu tự tin và chấp nhận "nằm im" để kinh doanh an toàn, do chuyển đổi thì nghĩa vụ pháp lý nhiều hơn. Do đó, đại biểu đồng tình xây dựng nghị định riêng.
Phó chủ tịch thường trực Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng cho rằng các quy định dự thảo còn mang tính hành chính, chưa làm rõ các quyền hộ kinh doanh, như tiếp cận vốn, hệ thống kế toán nên cần cơ chế chính sách để hộ thuận lợi hơn thay vì chế độ chính sách thanh kiểm tra cứng nhắc.
Dự thảo chưa làm rõ các quyền của hộ kinh doanh
Tranh luận với ông Lộc về những tác dụng và kỳ vọng lớn khi đưa hộ vào Luật doanh nghiệp, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng 5 điểm trên chưa mới, chưa rõ ràng. Ví dụ lợi ích về mở rộng thị trường, mở rộng kinh doanh, nhà nước quản lý thuế tốt hơn… trong khi chưa đánh giá được tác động cụ thể của hộ kinh doanh khi đưa vào còn khó khăn gì.
Đơn cử về chế độ kế toán thống kê, thanh kiểm tra, mở rộng được thị trường, ông Lộc đề nghị nếu đưa hộ kinh doanh vào dự luật thì cần phải "viết lại toàn bộ nội dung cho hoàn chỉnh hoặc có một nghị định để tổng kết đưa thành luật".
Ý kiến của một số đại biểu cũng đồng tình nếu đưa hộ kinh doanh và dự luật thì cần phải có các quy định rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển.
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) đồng ý bổ sung hộ kinh doanh vì chưa được pháp luật bảo hộ đầy đủ, chưa đóng góp tương xứng vào cơ quan nhà nước, nhưng cần ban hành chế độ kế toán phù hợp với loại hình này.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng hộ kinh doanh là loại hình phù hợp với loại hình nhỏ và siêu nhỏ, nhưng cũng có hộ kinh doanh thu nhập hàng trăm tỉ đồng. Do đó, nếu các luật chuyên ngành thuế, kế toán gắn với loại hình này cũng cần phải có thay đổi phù hợp.
"Nên luật hóa về hộ kinh doanh, cắt bỏ quy định không phù hợp như bắt buộc phải có kế toán trưởng, báo cáo tài chính cơ quan nhỏ và siêu nhỏ, đảm bảo phát triển hài hòa bình đẳng các hộ kinh doanh" - bà Phương nói.
Không phải đăng ký lại, không lo phát sinh tiêu cực
Giải trình các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng bản chất là loại hình kinh doanh nên vấn đề liên quan phải được định danh, hỗ trợ, bảo vệ cần phải được luật hóa.
Trong khi đó, Nghị định 78 về hộ kinh doanh đã đến lúc chính muồi và cần chuyển luật ở cấp cao hơn, phù hợp chủ trương.
Việc đưa vào dự luật để hộ kinh doanh phát huy hết tiềm năng tích cực vào nền kinh tế, trong khi muốn bổ sung hay hạn chế quyền với hộ kinh doanh thì phải trên cơ sở luật chứ không phải nghị định.
"Việc bổ sung quy định không phát sinh tiêu cực hoạt động hộ kinh doanh, không phát sinh thêm thủ tục hành chính, không phải đăng ký lại và đổi giấy chứng nhận. Chúng tôi đã đánh giá tác động toàn diện chứ không phải là khảo sát các hộ kinh doanh" - bộ trưởng khẳng định.
|
N.AN
Tuổi trẻ