Quốc hội đã quyết tăng tuổi hưu, cụ thể ra sao?
Quốc hội quyết định nâng tuổi nghỉ hưu là nâng theo lộ trình chậm dần đều, chứ không phải thực hiện ngay. Với lao động nữ, mỗi năm nâng lên 4 tháng, với nam là 3 tháng.
Người dân làm thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
|
Bộ luật lao động (sửa đổi) với 17 chương, 220 điều đã được Quốc hội thông qua ngày 20-11 với tỉ lệ phiếu tán thành 93,79%, khép lại những tranh luận về độ tuổi nghỉ hưu, khung giờ làm thêm, ngày nghỉ lễ...
Quốc hội đã quyết định tăng độ tuổi nghỉ hưu theo phương án tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của thế giới nhưng cũng chưa bao giờ là dễ dàng với bất cứ quốc gia nào vì nó tác động rất lớn đến hàng chục triệu người lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung
|
Nhằm đảm bảo nhu cầu nguồn nhân lực
Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi giải thích thêm về các lý do để Quốc hội quyết định tăng tuổi nghỉ hưu: "Chúng ta đang bắt đầu chuyển từ giai đoạn "dân số vàng" sang giai đoạn già hóa dân số.
Nhiều năm trước đây, nguồn nhân lực (tính từ người đủ 15 tuổi trở lên) có khả năng bổ sung mỗi năm là khoảng 1 triệu, nhưng từ năm 2018 thì nguồn nhân lực bổ sung chỉ còn 400.000 người.
Chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn thiếu nhân lực. Vì vậy, nâng tuổi nghỉ hưu trước hết là để đảm bảo nhu cầu đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội".
Ngoài ra, theo ông Lợi, nâng độ tuổi nghỉ hưu cũng góp phần đảm bảo sự an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội.
Khi tuổi thọ tăng lên, thời gian hưởng lương hưu dài hơn, số người hưởng lương hưu nhiều lên thì gánh nặng này đè nặng lên Nhà nước, và tăng tuổi hưu cũng là một trong các giải pháp để giảm áp lực.
Theo lộ trình chậm dần đều
Về tiến trình thực hiện, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Quốc hội quyết định nâng tuổi nghỉ hưu là nâng theo lộ trình chậm dần đều, chứ không phải thực hiện ngay. Với lao động nữ, mỗi năm chỉ nâng lên 4 tháng, với nam là 3 tháng.
Điều này có nghĩa đến năm 2028, tức là 9 năm nữa, mới có người lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62, và đến năm 2035 mới có người lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60.
Với lộ trình như vậy sẽ đảm bảo thị trường lao động của VN không bị xáo trộn. Mặt khác, độ tuổi về hưu 60 với nữ và 62 đối với nam chỉ được áp dụng đối với những NLĐ làm việc trong điều kiện hoàn toàn bình thường.
Đối với NLĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vùng sâu, vùng kinh tế - xã hội khó khăn hoặc NLĐ làm việc bị suy giảm sức khỏe từ 61-81%... vẫn được giảm thời gian làm việc và về hưu ở độ tuổi thấp hơn 5 năm, thậm chí thấp hơn đến 12 năm.
Luật cũng quy định với những NLĐ có trình độ, năng lực, có sức khỏe mà chủ sử dụng lao động cần và NLĐ mong muốn thì có thể kéo dài thời gian lao động tối đa đến 5 năm nữa.
Với quy định này, chúng ta cũng tranh thủ được nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm như các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, chuyên gia...
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu - Đồ họa: TẤN ĐẠT
|
Doanh nghiệp chủ động xây dựng thang lương
Ngoài những vấn đề trên, Bộ luật lao động (sửa đổi) còn quy định nhiều vấn đề mới liên quan đến quan hệ lao động.
Trong đó, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp; tiền lương được thực hiện trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa các bên; doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động; bổ sung quy định trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận.
Thêm một ngày nghỉ lễ, giữ nguyên khung giờ làm thêm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thêm 1 ngày nghỉ lễ "là dịp để NLĐ có thêm thời gian tham gia các hoạt động kỷ niệm, chào mừng Quốc khánh 2-9.
Đồng thời đáp ứng được mong muốn của NLĐ có thêm thời gian nghỉ ngơi, sum họp gia đình và giúp trẻ em, học sinh, sinh viên chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới".
Đối với vấn đề gây tranh cãi nhất là có hay không tăng khung giờ làm thêm từ 300 lên 400 giờ/năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu thăm dò, sau đó đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định hiện hành về giờ làm thêm tối đa (300 giờ/năm).
Với quyết định này, Quốc hội giữ nguyên khung giờ làm thêm tối đa như quy định hiện hành, nhưng cho phép người sử dụng lao động và NLĐ có thể thỏa thuận tăng số giờ làm thêm theo mùa (từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng).
* Chính phủ sẽ quy định tuổi hưu đối với từng ngành nghề, lĩnh vực?
- Ông Bùi Sỹ Lợi: Đúng vậy. Hiện tại Chính phủ đã quy định danh mục cụ thể 1.810 ngành nghề có thể suy giảm khả năng lao động. Danh mục này sẽ được rà soát, bổ sung thường xuyên tùy theo điều kiện lao động.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng quyết định tăng tuổi nghỉ hưu lần này được Quốc hội tính toán trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là về chiến lược nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực.
Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị dài hơi cho hôm nay thì mai sau sẽ thiếu nhân lực. Điều này là chắc chắn bởi thời điểm hiện tại đã có rất nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động.
LÊ KIÊN thực hiện
|
LÊ KIÊN
Tuổi trẻ