Thứ Ba, 15/10/2019 08:58

Phải chăng “sói già” đã dừng tay?

Có chuyên gia nhận xét: “Các ‘sói già’ đã ngưng đầu tư khi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam rớt xuống từ mức đỉnh hơn 1,200 điểm”. Từ “sói già” của vị chuyên gia này được dùng để chỉ những nhà đầu tư lão luyện trên thị trường.

Thực tế, một số nhà đầu tư có sự hiểu biết nhất định và kinh nghiệm về đầu tư chứng khoán đã chọn đứng ngoài thị trường một thời gian, kể từ khi VN-Index rớt từ mức đỉnh nói trên vào tháng 4/2018, do cảm thấy “khó ăn” khi đầu tư chứng khoán trong giai đoạn sau này.

Một nhà đầu tư cho biết: “Chúng tôi đã chốt phần lớn danh mục từ thời điểm TTCK đạt đỉnh 1,200 điểm. Đó có thể do may mắn, nhưng cũng có thể do kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với thị trường”.

Hiện, đầu tư trên TTCK cơ sở không còn sức hấp dẫn như một vài năm trước. Những cổ phiếu tiềm năng đang ở vùng đỉnh, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu được xem là có tiềm năng tăng trưởng như dệt may, thủy sản… lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dòng tiền không thiếu nhưng “bí” chỗ đầu tư, dẫn đến thanh khoản thấp. Nhiều nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư khác có khả năng sinh lời tốt hơn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số nhà đầu tư “nghỉ chơi” chứng khoán vì thua lỗ.

Thanh khoản sụt giảm từ đầu năm đến nay khiến xu hướng qua từng phiên của VN-Index không thật sự đáng tin cậy. Theo một số nhà đầu tư, điều quan trọng là phải có xác nhận của thanh khoản.

Thanh khoản thấp

Thống kê của Vietstock cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2019, thanh khoản trên 3 sàn chứng khoán đạt trung bình 4,592 tỷ đồng/phiên - giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, 9 tháng đầu năm, quy mô vốn hóa trên cả 3 sàn đạt trung bình 4,360,684 tỷ đồng - tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2018.

Tình trạng hụt thanh khoản trong khi quy mô vốn hóa tăng đang khiến thị trường lo ngại.

Thực tiễn cho thấy thanh khoản phụ thuộc vào dòng tiền hơn quy mô thị trường. Thanh khoản sụt giảm cho thấy sự suy yếu của dòng tiền trên TTCK cơ sở, mặc dù dòng tiền trên thị trường nói chung không thiếu, thậm chí rất dồi dào.

Thanh khoản thấp đã ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của hầu hết công ty chứng khoán trong nửa đầu năm nay.

Nguyên nhân

Giới chuyên gia chứng khoán đã chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản khiến thanh khoản TTCK sụt giảm.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng tới các TTCK, dòng vốn đầu tư có xu hướng rút ra khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu để tìm kiếm kênh đầu tư an toàn như trái phiếu, vàng.

Ở trong nước, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm trễ, thị trường thiếu những thương vụ bán vốn trị giá hàng tỷ đô như Sabeco, Vinamilk, Vinhomes, Techcombank… khiến dòng vốn ngoại vào TTCK không còn dồi dào như những năm trước.

Tình trạng thanh khoản kém của TTCK trong nước dự báo còn kéo dài, ít nhất đến cuối năm, khi các yếu tố ảnh hưởng trên vẫn tồn tại.

Trong khi đó, các yếu tố có thể gây đột biến như ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi, nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi… còn là câu chuyện của tương lai. Luật Chứng khoán được kỳ vọng mang lại nhiều đổi mới nhưng đến cuối năm 2019 - đầu năm 2020 mới chính thức được thông qua và có hiệu lực.

Biện pháp tăng thanh khoản

Thanh khoản chung của thị trường từ nay đến cuối năm 2019 có cải thiện hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, thị trường dự báo được hỗ trợ bởi các thông tin về kết quả kinh doanh quý 4/2019 của các doanh nghiệp niêm yết.

Về dài hạn, cần có biện pháp để tạo động lực cho dòng tiền luân chuyển nhanh hơn. Chẳng hạn như rút ngắn chu kỳ giao dịch. TTCK Việt Nam đang áp dụng T+2, nhưng thực chất, đến ngày T+3, nhà đầu tư mới có thể bán chứng khoán. Việc rút ngắn chu kỳ giao dịch sẽ khiến vòng quay của tiền nhanh hơn, giúp tăng thanh khoản.

Một việc tưởng dễ mà khó, đó là thay đổi nhận thức của người dân về chứng khoán. Hiện, chứng khoán vẫn chưa phải kênh đầu tư quen thuộc ở Việt Nam như bất động sản, tiết kiệm… Cải thiện điều này sẽ thu hút thêm tiền cho TTCK nhưng chắc chắn không thể thực hiện trong “một sớm một chiều”.

Cần tháo gỡ vướng mắc trong việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thông qua ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi. Ðặc biệt, cần nâng cao tính minh bạch, dễ tiếp cận hơn thông tin thị trường, thông tin từ doanh nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài. Chất lượng TTCK tốt hơn sẽ khiến dòng vốn ngoại chảy vào nhiều hơn.

Ngoài ra, cần triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE. TTCK Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn mới khi nâng hạng thị trường.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết cổ phiếu, tạo thêm hàng hóa cho thị trường, thu hút dòng vốn…

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có sức hút nhưng vì thời điểm hiện tại chưa phù hợp nên nhiều nhà đầu tư chọn đứng ngoài thị trường, nhưng có cơ hội sẽ quay trở lại hoặc tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu.

Gia Nghi

FILI

Các tin tức khác

>   Siêu sao giao dịch Michael Marcus bật mí những yếu tố tạo nên một giao dịch hoàn hảo (03/10/2019)

>   Đầu tư chứng khoán rất… đơn giản (24/09/2019)

>   Chiến lược duy trì hơn 60% tài sản dưới dạng cổ phiếu giúp Bill Gates “đút túi” 17 tỷ USD từ đầu năm (18/09/2019)

>   Nghề môi giới chứng khoán, bấp bênh mà thú vị? (12/09/2019)

>   Đầu tư chứng khoán, khi xưa tôi đã mơ! (18/09/2019)

>   Ủy thác đầu tư: Nên hay không? (04/09/2019)

>   Luôn có cơ hội (28/08/2019)

>   Đầu tư chứng khoán buồn nhiều hơn vui, vì đâu? (27/08/2019)

>   Xu hướng không rõ, có nên mua cổ phiếu? (20/08/2019)

>   Cuốn nhật ký cùng cô gái vàng trong làng đầu tư (14/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật