Ủy thác đầu tư: Nên hay không?
Nhiều người có tiền nhàn rỗi muốn đầu tư chứng khoán nhưng không có đủ kiến thức liên quan đến lĩnh vực này, cũng như không có thời gian tìm hiểu, đã tiến hành ủy thác đầu tư. Phổ biến nhất là ủy thác cho môi giới hoặc cá nhân mà họ tin tưởng.
Ủy thác cho môi giới
Thời điểm thị trường chứng khoán (TTCK) trong xu hướng tăng một vài năm trước, chị T.N (nhân viên văn phòng, làm việc tại quận 1, TPHCM) mở tài khoản tại một công ty chứng khoán (CTCK) với số vốn 200 triệu đồng và ủy thác việc đầu tư cho người quản lý tài khoản của chị (môi giới) tại CTCK này. Theo sự ủy thác, môi giới - cũng là một người quen biết của chị - được toàn quyền ra quyết định mua, bán, nắm giữ cổ phiếu và quản lý danh mục đầu tư. Có quý, môi giới kiếm về cho chị lợi nhuận đến 50% vốn. Khi chốt lời, chị chia lại cho môi giới 30% trên tổng số lợi nhuận. Chị kiếm được lợi nhuận trong khoảng 2 năm. Đến lúc xu hướng TTCK giảm, chị bị lỗ gần hết số tiền lời đã kiếm được trước đó. Chị T.N nói: “Do tôi không có thời gian theo dõi, môi giới không kịp cắt lỗ, nên đành để cổ phiếu trong tài khoản luôn đến giờ”.
Với trường hợp của chị T.N, vì đã ủy thác đầu tư nên chị không theo dõi sát sao biến động của thị trường, các quyết định mua – bán đều tùy thuộc vào kiến thức và phán đoán của môi giới, lời hay lỗ cũng phụ thuộc vào môi giới.
Trong khi đó, một người quen của tôi tên B, làm môi giới tại CTCK V, từng bị khách hàng làm khó vì cung cấp thông tin không đúng làm cho khách hàng lỗ một khoản tiền lớn. Trước đó, khách hàng này từng nhờ B tư vấn đầu tư. Và vị khách hàng này đã giao dịch theo lời tư vấn của B, hoàn toàn không có chính kiến riêng trong đầu tư. Sau vụ việc này, B cũng nghỉ việc tại CTCK V và chuyển sang làm ngành nghề khác.
Ủy thác cho người quen
Chị T.V (kỹ sư xây dựng, làm việc tại quận 1, TPHCM) thì kể cách đây vài năm, chị từng ủy thác cho một người quen tên K giao dịch chứng khoán với số tiền 150 triệu đồng. Thời hạn ủy thác là 1 năm. Sở dĩ chị ủy thác cho K vì K cho chị xem lịch sử giao dịch có lợi nhuận rất cao. Theo thỏa thuận miệng, nếu lợi nhuận đầu tư nhỏ hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng (khoảng 7%/năm) thì chị T.V được giữ lại toàn bộ. Trong trường hợp lợi nhuận đầu tư lớn hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, chị T.V chỉ phải trả 30% trên số lợi nhuận đã trừ đi lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trường hợp lỗ thì chị T.V chịu.
Trong bối cảnh TTCK tăng mạnh như các năm 2015, 2016, 2017, việc mang về mức lợi nhuận 30%/năm không quá khó; thậm chí có năm, K mang về cho chị T.V lợi nhuận đến 80%/năm, nâng số tiền trong tài khoản của chị lên hơn gấp đôi số vốn đầu tư ban đầu. Nhưng khi thị trường đảo chiều, danh mục thua lỗ, chị T.V muốn rút tiền về giữa chừng lại ngại không biết phải mở miệng nói như thế nào. Chị tâm sự: “Vì khoản đầu tư vẫn chưa hết hạn 1 năm, tôi muốn rút tiền về để đầu tư vào kênh khác nhưng ngại vì người quản lý tài khoản cũng là người quen, sợ làm vậy sau này gặp nhau sẽ rất khó xử”.
Với trường hợp của chị T.V, có thể thấy chị hoàn toàn thiếu sự chủ động trong đầu tư, chứ chưa nói đến những rủi ro khác.
Thời TTCK tăng, dịch vụ ủy thác đầu tư nở rộ. Một số trường hợp ủy thác đầu tư còn được cam kết trả lợi suất cố định. Tuy nhiên, ngay cả khi hợp đồng ủy thác cam kết trả lợi suất cố định, chẳng hạn 10%/năm, nhà đầu tư vẫn có rủi ro là môi giới không có khả năng chi trả để bù đắp cho khoản lỗ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn có rủi ro mất tiền khi giao hẳn tài khoản cho người khác đứng tên.
Chịu trách nhiệm 100% về khoản đầu tư
Khi ủy thác đầu tư, kết quả lời hay lỗ sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức và kinh nghiệm của người môi giới hoặc người được ủy thác, bạn không kiểm soát được. Thế nhưng, khi bị thua lỗ, người chịu lỗ chính là bạn.
Bạn có thể đổ lỗi cho môi giới, cho chuyên gia nào đó đã phím hàng cho bạn, đổ lỗi cho TTCK sụp đổ, cho chính sách Nhà nước,… Nhưng cuối cùng, hậu quả vẫn phải do bạn gánh lấy.
Vậy nên, bạn cần chịu trách nhiệm 100% về khoản đầu tư của bản thân, kể cả kiến thức về tài chính. Muốn thành công, bạn cần kiểm soát được càng nhiều càng tốt những vấn đề trong cuộc sống của mình, trong đó có tài chính và các khoản đầu tư.
Tư duy đúng là bạn nên quy mọi thứ về bản thân; cần kiểm soát suy nghĩ, lời nói và hành động; mọi thứ xung quanh chỉ là yếu tố phụ. Hãy chấm dứt bao biện và đổ lỗi. Thành công sẽ đến khi bạn chịu trách nhiệm 100% với cuộc đời mình.
Gia Nghi
FILI
|