Đầu tư chứng khoán, khi xưa tôi đã mơ!
Gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống, từ khó đến dễ hay từ đơn giản đến phức tạp, tất cả muốn đạt được kết quả đều phải có kế hoạch. Vậy, bạn đã có kế hoạch để đầu tư hay chưa?
Bạn biết đấy, một đội bóng không thể giành chiến thắng nếu không có chiến lược rõ ràng, bác sĩ không thể làm phẫu thuật nếu không có kế hoạch trước và chúng ta cũng không có một ngôi nhà ưng ý nếu không có bản thiết kế. Đầu tư chứng khoán cũng như vậy, liệu bạn có đạt mức sinh lời mong muốn nếu không có kế hoạch mua bán cụ thể hay không?
Giấc mơ triệu đô
Bạn nghĩ sao khi đa phần nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán đều vẽ cho bản thân bức tranh màu hồng? Tôi của những năm tháng trước cũng tham gia thị trường chứng khoán với khát khao cháy bỏng sẽ gấp đôi, gấp ba lần tài khoản dễ dàng. “Wow! Kiếm tiền chưa bao giờ dễ đến thế” là câu nói chúng ta thường bắt gặp khi thị trường uptrend. Có thể điều đó đã hình thành trong tâm thức của tôi suy nghĩ kiếm tiền dễ dàng từ chứng khoán. Nhưng giờ đây, tôi đã thoát khỏi suy nghĩ đó, còn bạn thì sao?
Nguồn: Internet
|
Trong một cuốn sách, tôi đọc được một câu thế này: “Giao dịch là một ngành kinh doanh khắc nghiệt. Vậy, tại sao bạn lại đặt cược tiền mà không hề có một kế hoạch chu đáo?”
Câu nói này thật đúng khi thị trường chứng khoán không có rào cản cho bất cứ ai, người nào cũng có thể tham gia, không cần bằng cấp, kinh nghiệm, chỉ cần có tài khoản chứng khoán, bạn đã có thể giao dịch như một nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Nhưng có gieo có gặt, không gieo không gặt. Trong đầu tư cũng vậy, nếu bạn không dành thời gian và tâm sức cho quá trình đầu tư, bạn nghĩ “giấc mơ triệu đô” có trở thành hiện thực?
Bắt đầu với những sai lầm
Khi còn là một cậu sinh viên, tôi tham gia đầu tư với số vốn chỉ 5-10 triệu đồng. Tôi thỏa sức mua bán những cổ phiếu mà mình thích và chỉ nhớ trong đầu “mua đáy bán đỉnh” hay giống như trong một bộ phim hài mà tôi từng coi, “hãy mua cổ phiếu ở đầu gối và bán ra ở vai”.
Nguồn: Phim Gia đình là số 1 - Phần 2
|
May mắn thay, giai đoạn đầu năm 2018, thị trường tích cực nên tôi thu được nhiều thành quả. Sự tự tin trong tôi lớn dần, với số vốn để khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học, tôi thỏa sức mua những cổ phiếu mà mình thích. Vẫn theo lối cũ, tôi mua bán cổ phiếu không có sự kiểm soát và hoàn toàn theo cảm tính.
Tôi rất thích cổ phiếu CTG, và quyết định mua nó ở mức giá 35,000-32,000 đồng/cp khi giá cổ phiếu bắt đầu giảm từ mức 37,000 đồng/cp vào tháng 04/2018. Với tôi khi đó, cổ phiếu “ngon” giảm giá là cơ hội tốt nhất để gom vào. Nhưng… kết quả không như mơ, sau đó chưa đầy 2 tháng, tôi phải ngậm ngùi bán ở mức giá 24,000 đồng/cp. Và điều kinh khủng hơn, danh mục của tôi khi đó gần như 80% là CTG, chỉ 20% còn lại dành cho cổ phiếu khác.
Tôi đã thay đổi?
Sau thời gian thua lỗ triền miên, tôi nhận ra mình đã sai lầm từ cách tư duy, sẽ không có cổ phiếu nào tốt, trừ khi nó tăng giá và đem lại lợi nhuận. Và… đầu tư là một quá trình, cần có một kế hoạch cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là chiến lược quản trị vốn phù hợp.
Nguồn: Internet
|
Tôi bắt đầu tính toán số lượng cổ phiếu mỗi lần mua và đặt cho mình một ngưỡng chịu đựng tối đa. Mỗi lần vào lệnh, tôi chỉ tham gia 30% số vốn và vào lệnh 1 lần duy nhất. Trước khi đưa ra quyết định mua bán, tôi đều xác định trước, lệnh này nếu lỗ tôi sẽ mất bao nhiêu, và tôi sẽ chốt lời ở đâu. Như vậy, với số vốn 100 triệu đồng, tôi có thể mua được 3 cổ phiếu, mỗi cổ phiếu phân bổ 30% tổng vốn. Tôi cũng chẳng dành sự yêu thích đặc biệt cho cổ phiếu nào, không vì yêu thích doanh nghiệp mà đánh đổi cả danh mục, miễn sao cổ phiếu thỏa điều kiện về phương pháp của tôi thì tôi sẽ vào lệnh.
Tôi kiên trì với kế hoạch đặt ra, không những kết quả đầu tư cải thiện mà tôi còn an yên hơn. Kỳ thực, đôi khi may mắn chỉ giúp bạn kiếm tiền nhất thời, nhưng kiến thức có thể giúp bạn kiếm sống một đời.
Hy vọng, qua câu chuyện tôi chia sẻ từ những sai lầm của bản thân, bạn cũng sẽ có một kế hoạch đầu tư. Hay chí ít, bạn nên biết mình cần mua bao nhiêu cổ phiếu và vì lý do gì, bạn sẽ chốt lời hay cắt lỗ nó ở đâu. Và điều quan trọng là phải có chiến lược quản trị vốn phù hợp, không dành sự ưu ái cho bất cứ cổ phiếu nào, bởi sẽ không có cổ phiếu nào an toàn tuyệt đối cả.
Chúc bạn thành công.
Đông Phong
Fili
|