Đề xuất nghỉ vào ngày Gia đình Việt Nam 28-6
Ngày 22-10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận một số ý kiến còn khác nhau của Bộ luật Lao động (sửa đổi).
“Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này tăng tuổi hưu theo lộ trình rất chậm, mỗi năm tăng ba tháng với nam và bốn tháng với nữ, để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và của nam là 62 tuổi vào năm 2028. Đối tượng tăng tuổi hưu là người lao động (NLĐ) làm việc trong điều kiện bình thường, tức chủ yếu nhằm vào công chức, viên chức…”.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH), trao đổi với báo chí bên hành lang QH ngày 22-10.
Chưa đến lúc người lao động nghỉ thêm thứ Bảy
. Phóng viên: Quan điểm của ông về việc nhiều người lo ngại việc tăng tuổi hưu sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, đặc biệt là lao động trẻ?
+ Ông Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta đừng nghĩ kéo dài tuổi nghỉ hưu là chiếm chỗ của người trẻ. Hiện nay cung lao động của chúng ta thấp hơn cầu. Năm 2014, mỗi năm nước ta có 1,2 triệu lao động đủ tuổi tham gia vào thị trường lao động nhưng đến nay chỉ có khoảng 400.000 lao động. Nguyên nhân do chúng ta thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình suốt 20 năm qua.
Tôi phải nhấn mạnh lại lần nữa là với lao động nặng nhọc, độc hại, lao động trực tiếp hầm lò không nâng tuổi nghỉ hưu, có nâng thì cũng chỉ là lao động gián tiếp như quản lý doanh nghiệp…
. Hiện nay công chức, viên chức làm việc 40 giờ/tuần nhưng NLĐ khu vực doanh nghiệp làm việc 48 giờ/tuần. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phải giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần để NLĐ nghỉ thêm ngày thứ Bảy như công chức. Ông có đồng tình với đề xuất này không?
+ Hiện tổ chức công đoàn muốn giảm 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. Tuy nhiên, vấn đề này Chính phủ không trình mà vẫn giữ nguyên mức 48 giờ/tuần do chưa có đánh giá tác động. Đồng thời, quá trình lấy ý kiến cũng cho thấy cả doanh nghiệp và bản thân NLĐ đều không muốn giảm giờ làm.
Đặc biệt, doanh nghiệp cho rằng cần có lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị. Tôi nghĩ điều này là đúng. Bản thân NLĐ cũng cho biết không muốn, vì giảm 4 giờ/tuần, tức giảm 208 giờ/năm, đồng nghĩa thu nhập của NLĐ sẽ giảm đi. Giữa cung, cầu và hai bên chưa đồng thuận thì nên có đánh giá tác động. Chính phủ cũng nên đặt lộ trình đến năm 2021 chúng ta bắt đầu giảm dần. Hiện chúng ta giảm ngay là rất khó khăn.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp từ chối nhận người lao động trên 40 tuổi. Ảnh: VIẾT LONG
|
Hai phương án về ngày nghỉ lễ trong năm
. Đối với đề xuất cần tăng ngày nghỉ lễ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số đoàn đại biểu QH, ông đánh giá như thế nào?
+ Tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV, Chính phủ đề xuất có thêm một ngày nghỉ lễ trong năm nhưng sau khi được đóng góp ý kiến Chính phủ xin rút. Tuy nhiên, hiện nay một số đoàn đại biểu lại cho rằng cần có thêm ngày nghỉ lễ. Cụ thể, nghỉ ngày Gia đình Việt Nam 28-6, vào dịp tết dương lịch, cũng có ý kiến lấy ngày Giáng sinh, ngày lễ Phật đản...
Theo đó, Ủy ban Thường vụ QH đưa ra hai phương án, một là giữ nguyên, hai là thêm một ngày nghỉ và hướng vào ngày 28-6. Việc tăng ngày nghỉ hay không hoàn toàn do QH đề xuất, quyết định.
. Về đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm thì sao, thưa ông?
+ Quan điểm của QH là không tăng cường độ lao động, tức là không tăng thêm giờ. Tuy nhiên, mong muốn của Chính phủ mà đặc biệt là đối với một số ngành nghề, lĩnh vực (da giày, dệt may, điện tử, thủy sản) có tính mùa vụ thực sự để phục vụ xuất khẩu và không làm thêm cả năm thì Chính phủ xem xét cho tăng giờ.
Việc này Chính phủ phải báo cáo rất cụ thể trước QH, để các đại biểu QH thấy việc làm thêm này không phải là đại trà. Khi Chính phủ trình lên mà không làm rõ khiến NLĐ cảm thấy bị kéo dài thời gian, tăng cường độ lao động, ảnh hưởng sức khỏe là chưa được. Do đó, Chính phủ phải báo cáo chi tiết tới QH để cho những ngành này được phép tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, cần đảm bảo giám sát chặt chẽ.
Theo tôi, lẽ ra ban soạn thảo cần có phân tích cụ thể để tính toán, ví dụ như doanh nghiệp thủy sản họ cho biết chỉ làm trong 4-5 tháng lại nghỉ, không phải làm thêm cả năm. Nếu khống chế như vậy thì người dân sản xuất ra con cá cho xuất khẩu nhưng lại không cho phép làm thêm thì doanh nghiệp không thể thu mua. Như vậy, khi chúng ta thực hiện soạn thảo chưa chặt chẽ, chưa tạo ra được đồng thuận.
Bản thân NLĐ cũng cần đồng thuận với việc làm thêm thì mới tham gia, không ai ép được. Đây là quan hệ tự nguyện, NLĐ cũng phải được trả lương tương xứng và tạo cơ hội cho lao động nghỉ bù.
Nhưng quan điểm chung của Ủy ban Thường vụ và các đại biểu QH là dứt khoát không đặt vấn đề tăng giờ làm thêm. Suốt bốn khóa, QH vừa qua thì Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH với tư cách là cơ quan thẩm tra chưa bao giờ ủng hộ tăng thời gian làm thêm, vẫn giữ mức 300 giờ/năm.
. Xin cám ơn ông.
Quốc hội cho ý kiến về Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Theo chương trình của kỳ họp thứ 8, QH khóa XIV, ngày 22-10 QH dành cả ngày để nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật. Đồng thời, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
|
VIẾT LONG - CHÂN LUẬN
Pháp luật TPHCM