Thứ Ba, 22/10/2019 09:36

Vé tàu hỏa đắt, khó mua hơn vé máy bay, ai đi?

Tại đề án “Cải thiện hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch” mới được đưa ra, Bộ GTVT đặt tham vọng là sẽ thu hút nguồn vốn lên tới gần 2 tỉ USD (tương đương 45.000 tỉ đồng) phát triển ngành đường sắt, đặc biệt trong việc giành thị phần khách du lịch.

Ngành Đường sắt Việt Nam đang nỗ lực thay đổi để cạnh tranh. Ảnh: MINH QUÂN

Hiện tại, tỉ lệ khách du lịch chọn phương tiện tàu hỏa chỉ khoảng 10%. Tuy nhiên nếu không sớm có một cuộc cách mạng về vé tàu thì mọi nỗ lực đầu tư sẽ không có hiệu quả.

Vé tàu vừa đắt - vừa khó mua

Có một nghịch lý ở Việt Nam, đó là vé đi tàu hỏa còn đắt hơn vé máy bay. Trong khi các hãng hàng không luôn tung ra những đợt khuyến mãi khủng cho khách hàng, thậm chí có cả loại vé 0 đồng thì vé tàu hỏa vẫn cao ngất ngưởng.

Chẳng hạn giá vé cao nhất của tàu SE1 từ Hà Nội đi TPHCM, giá cao nhất dành cho vé VIP là 3.233.000đồng/vé (khoang 2 điều hòa), giá ngồi mềm điều hòa cũng trên 1 triệu đồng/vé. Với số tiền này, hành khách hoàn toàn có thể lựa chọn đi máy bay thay vì ngồi tàu.

Thị phần đường sắt quá nhỏ so với tiềm năng.

Tổng cục Thống kê cho hay, hiện nay lượng khách du lịch ở Việt Nam tính cả nội địa và khách quốc tế là trên gần 90 triệu lượt mỗi năm. Thế nhưng chỉ khoảng 10% trong số đó chọn phương án đi tàu hỏa. Từ đó, doanh thu du lịch của đường sắt chỉ chiếm 0,53% tổng doanh thu khách du lịch.

Tại sao hành khách chưa lựa chọn phương tiện đi lại bằng đường sắt, trong khi đường sắt có rất nhiều lợi thế kết nối về phương tiện vận tải để hành khách có thể đi lại dễ dàng tới các địa điểm du lịch trong cả nước? Giá vé nêu trên đã là một phần câu trả lời.

Bộ GTVT thừa nhận trong đề án: Đối với phương tiện đường bộ giá vé đường sắt cao hơn đường bộ khoảng từ 15 - 20%, đối với phương tiện hàng không, giá vé tàu tương đương với vé hàng không giá rẻ. Đặc biệt đối với các tuyến đường dài như Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội - Nha Trang ngành đường sắt gần như mất hết thị phần du lịch đối với các tuyến này do giá vé của đường sắt tại một số thời điểm còn cao hơn cả vé máy bay giá rẻ, trong khi thời gian di chuyển lại dài hơn.

Điều đáng nói là dù giá cao ngất ngưởng như vậy nhưng ngành đường sắt không thể giảm giá vé. Lý do để bù lỗ chéo và bù đắp chiều chạy rỗng: Những tuyến đông khách thì giá vé cao để bù lỗ cho những tuyến đường sắt ế khách như các tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Long Biên - Quán Triều (Thái Nguyên) và Yên Viên - Hạ Long. Tuyến Yên Viên - Hạ Long mỗi ngày doanh thu chỉ 4 triệu đồng, không đủ chi phí vận hành.

Vé đắt, phân phối vé cũng có vấn đề. Hiện nay, ngoại trừ bán vé tàu Tết phục vụ hành khách có nhu cầu về quê ăn Tết được bán vé từ rất sớm, thì thông thường việc bán vé trên hệ thống bán vé điện tử cho nhân dân thông thường chỉ mở bán trước 2 tháng. Điều này, không đáp ứng được nhu cầu mua vé của khách du lịch do các đoàn du lịch lớn sẽ có kế hoạch từ rất sớm nhưng đường sắt lại không đáp ứng được do nhiều nguyên nhân như: Chưa có kế hoạch chạy tàu, chưa có giá vé... dẫn tới hành khách phải lựa chọn phương tiện khác do không thể chờ đợi được cho tới khi đường sắt phát hành vé chính thức.

Ngoài ra, các đoàn tàu chạy thường xuyên cố định trên các tuyến đường sắt cần phục vụ cho nhiều tầng lớp, đối tượng hành khách chứ không chỉ đáp ứng riêng phục vụ cho hành khách du lịch nên trên các đoàn tàu chạy thường xuyên chỉ đáp ứng được những đoàn khách du lịch nhỏ lẻ có lượng dưới 20 người. Những đoàn lớn thì thường phải nằm ghép với hành khách khác trên đoàn tàu, khiến hành khách muốn lựa chọn phương tiện khác. Còn các đoàn tàu được lập thêm chỉ để phục vụ khách du lịch thì lại được bán vé rất muộn, nên hành khách không kịp nắm bắt thông tin để đăng ký mua vé.

Bất cập nữa được chỉ ra là ngành đường sắt hiện nay chưa có các chính sách ưu đãi cụ thể đối với khách du lịch trong khi đó, các phương tiện khác vận tải khác, đặc biệt là hàng không đều có những chính sách ưu đãi riêng cho các đơn vị lữ hành, công ty du lịch và các đoàn khách lớn. Đây cũng chính là một trong những hạn chế rất lớn của đường sắt trong việc thu hút các đoàn khách du lịch lớn.

Phải có cuộc cách mạng về vé tàu

Hành khách mua vé tàu Tết Canh Tý 2020 ở ga Sài Gòn ngày 20.10. Ảnh: MINH QUÂN

Nếu như bài toán giảm giá vé là cực khó, nếu như không nói là bất khả thi trong lúc này của ngành đường sắt thì thay đổi trong phân phối vé là hoàn toàn có thể thực hiện.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc thay đổi phương thức bán vé, giá vé chính là bước ngoặt để kích thích khách du lịch dùng phương tiện tàu hỏa.

Tại Hàn Quốc, chính sách phát hành vé rất mở. Đối với khách du lịch, đường sắt Hàn Quốc đang phát triển một thẻ đi tàu đặc biệt KR Pass dành cho người nước ngoài, cho phép du lịch không giới hạn trên tất cả các loại tàu trong vòng 1, 3, 5, 7 hoặc 10 ngày. Thẻ du lịch có thể mua vé trên trang web bằng cách trao đổi voucher điện tử tại một nhà ga ở Hàn Quốc, hoặc với các nhà phân phối, cũng như đại diện của các đại lý du lịch. Trẻ em dưới 4 tuổi đi tàu miễn phí. Trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 12 tuổi - giảm 50%.

Ngoài ra, chính sách hoàn huỷ và trả lại vé đối với các tour du lịch nội địa được áp dụng linh hoạt như trả vé trước 4 ngày được hoàn 100% tiền vé. Khách du lịch lựa chọn 3 và 5 ngày thường hay 2 hoặc 4 ngày bất kỳ trong vòng 10 ngày, vé được chuyển đổi dễ dàng tại sân bay quốc tế Incheon hay bất kỳ ga tàu điện ngầm nào ở Hàn Quốc để đi tới hơn 600 ga tàu trải dài trên 80 tuyến, đây là cách tốt nhất để đi du lịch vòng quanh Hàn Quốc.

Theo Bộ GTVT, trong thời gian chờ đợi quốc hội, chính phủ phê duyệt đề án phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt Việt Nam có thể học tập, áp dụng một số biện pháp khuyến khích, phát triển du lịch đường sắt cụ thể. Cụ thể, xây dựng và phát hành Thẻ đi tàu kèm theo các chính sách giá ưu đãi cho phép du khách quốc tế và trong nước có thể đi bất kỳ đoàn tàu trong vòng từ 3 - 10 ngày (tương tự như đường sắt Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản). Liên danh, liên kết với các đơn vị du lịch địa phương để thành lập các tour du lịch trọn gói tới các địa điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước phù hợp với lợi thế cạnh tranh của đường sắt Việt Nam như: Sapa, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết…

Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trên tàu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bù đắp chi phí, tạo sự thuận lợi, thoải mái cho du khách khi đi tàu. Dư địa phát triển du lịch ngành đường sắt còn rất lớn. Tuy nhiên, mội thời gian dài đường sắt Việt Nam đã ì ạch, lạc hậu và bị các phương tiện khác bỏ xa.

Đề án về “cải thiện hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch” chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Những việc cần làm ngay trong năm 2020 - 2021 cần gần 10.000 tỉ. Giai đoạn 2 cần 34.000 tỉ. Nhưng trước mắt, để mời gọi khác du lịch, thay đổi tư duy về tấm vé tàu hỏa là việc cần triển khai từ bây giờ.

LINH ANH

Lao Động

Các tin tức khác

>   Vì sao đang ở tù, đại gia vẫn kiếm được hàng trăm tỉ đồng? (22/10/2019)

>   Thiếu giá, điện mặt trời áp mái chững lại (22/10/2019)

>   TP.HCM vào top 5 về thức ăn đường phố ngon nhất thế giới (22/10/2019)

>   Hơn 80% sếp ngành sản xuất muốn chuyển việc (22/10/2019)

>   Xác định người cung cấp dầu thải "đầu độc" nguồn nước sông Đà (22/10/2019)

>   Truy tố nguyên Trưởng ban Kiểm soát OceanBank gây thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng (22/10/2019)

>   Kiểm toán Nhà nước chuyển hàng loạt vụ việc sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương (21/10/2019)

>   Công ty gốm sứ Thanh Hà lên tiếng về việc xả thải dầu xuống sông Đà (21/10/2019)

>   Vụ công ty Alibaba được nêu điển hình trong báo cáo trình Quốc hội (21/10/2019)

>   Vì sao Thủ Đức thành "điểm nóng" xây dựng trái phép?: "Quan" làm sai sao nói được dân! (21/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật