Ông chủ chuỗi ẩm thực Món Huế từng hút vốn trăm tỉ là ai?
Trước khi xảy ra sự việc bị tố nợ tiền hàng của các nhà cung cấp lên đến hàng chục tỉ đồng, Công ty Huy Việt Nam, công ty mẹ của chuỗi Món Huế, từng rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ẩm thực.
* Nhiều cửa hàng Món Huế dừng hoạt động, hơn 100 nhà cung cấp kêu bị nợ tiền
Một sự kiện khai trương điểm mới của chuỗi này đầu năm 2019. Đến nay, địa điểm này cũng đã đóng cửa.
|
Chuỗi nhà hàng Món Huế tại TP.HCM đang được Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế điều hành, thuộc sở hữu của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Công ty này từng được xem là điển hình gọi vốn nhanh và thành công trong giới startup, tạo dựng được làn sóng ẩm thực mới cho các món ăn Việt Nam.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, Công ty Huy Việt Nam có trụ sở tại đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, Q.1, với vốn điều lệ 1.200 tỉ đồng. Công ty này thuộc sở hữu Huy Vietnam Limited ở Hong Kong, đại diện pháp luật là ông Huy Nhật.
Ngày 22-10, toàn bộ văn phòng công ty Huy Việt Nam ở đường Võ Văn Kiệt đã đóng cửa, nhân viên tố họ cũng bị nợ tiền lương hai tháng nay.
Đáng lưu ý, trụ sở chính của tập đoàn Huy Vietnam lại tại đảo Cayman, công ty cũng từng có tham vọng IPO ra thị trường quốc tế. Trong một lần trả lời báo giới, ông Huy Nhật, chủ công ty Huy Việt Nam, cho biết việc đăng ký tại đảo Cayman sẽ giúp công ty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường chứng khoán Hong Kong, nơi doanh nghiệp muốn IPO.
Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, lần điều chỉnh vốn gần nhất của Huy Việt Nam vào tháng 4-2019, doanh nghiệp giảm một nửa vốn điều lệ, từ 1.200 tỉ đồng xuống còn hơn 600 tỉ đồng.
Thời kỳ phát triển nhanh của chuỗi này là những năm 2015-2017, chỉ trong thời gian ngắn chuỗi cửa hàng Món Huế, Phở Ông Hùng… đã tăng từ 14 cửa hàng năm 2014 lên 110 cửa hàng tính đến năm 2016. Cho đến trước khi đột ngột đóng cửa hệ thống, nhà quản lý không hề có một thông báo nào với nhà cung cấp khiến các nhà cung cấp lẫn người tiêu dùng bất ngờ.
Tháng 4-2015, Huy Việt Nam đã gọi vốn thành công vòng series C với số tiền lên tới 15 triệu USD (hơn 300 tỉ đồng) từ Quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư Mỹ Mark Mobius quản lý. Với hệ sinh thái startup, series C là thời điểm gia tăng lợi nhuận và phát triển mở rộng.
Đã thay đổi người đại diện pháp luật
Ngoài Món Huế, Công ty Huy Việt Nam cũng vận hành nhiều chuỗi nhà hàng khác như Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Banhmi & Cafe, trà sữa TP Tea, 99 House of Phở, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki, Captain Lobster, Soi 615.
Trước đây, các hệ thống phát triển độc lập, khoảng hơn năm gần đây, doanh nghiệp mới bắt đầu tái cấu trúc, gộp các thương hiệu trong một không gian, gọi là "Food Hall".
Là công ty phát triển quy mô theo chuỗi nhưng tham vọng của Huy Việt Nam lớn hơn là dừng chân ở mảng nhà hàng. Công ty đã kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm ăn nhanh, hâm nóng, đóng gói sẵn cung cấp vào siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, nhà hàng, các hãng hàng không, khu công nghiệp.
Giữa năm 2017, Huy Việt Nam thông báo đã khởi công xây dựng dự án hai nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An và Hà Nội. Tổng số vốn đầu tư hai nhà máy này khoảng 40 triệu USD.
Hiện trang web của Công ty Huy Việt Nam vẫn giữ thông tin ông Huy Nhật nằm trong ban lãnh đạo, chịu trách nhiệm về quản lý tổng thể doanh nghiệp, điều hành việc mở các nhà hàng mới, phát triển kinh doanh và marketing.
Nhưng thực tế, hồ sơ của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy đến đầu tháng 10-2019, công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. Ông Anh sinh năm 1984 và giữ vị trí giám đốc công ty.
Trên trang web Công ty Huy Việt Nam, ban lãnh đạo còn có bà Nguyễn thị Thanh Tâm, được giới thiệu là người đồng sáng lập và bếp trưởng của công ty, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, khâu chuẩn bị thực phẩm và kiểm soát chất lượng, nghiên cứu phát triển các công thức nấu món và quản lý đội ngũ đầu bếp.
Ông Huy Nhật và bà Thanh Tâm có chung địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú tại quận Tân Bình, TP.HCM.
Theo các nhà cung cấp, dù là doanh nghiệp lớn, phát triển chuỗi rộng nhưng việc thanh toán tiền hàng của hệ thống này lại khá ì ạch, công nợ thường kéo dài vài tháng trở lên. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng không ổn định nhà cung cấp mà lựa chọn nhiều nhà cung cấp khác nhau cho cùng một mặt hàng, hòng kéo dài thời gian nợ gối đầu tiền hàng.
Cho đến thời điểm nay, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa lên tiếng trước các đơn tố cáo nợ tiền hàng từ nhà cung cấp.
N.BÌNH
Tuổi trẻ