Công ty Gốm sứ Thanh Hà thông tin sai lệch trong vụ nước sông Đà nhiễm dầu?
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) nhiều lần khẳng định các chất thải nguy hại từ công ty sẽ được Công ty Môi trường xanh Minh Phúc (Hải Dương) vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, thông tin từ Công ty Môi trường xanh Minh Phúc và các tài liệu phóng viên thu thập được lại không giống như vậy.
Liên quan đến vụ việc chất dầu thải đổ vào nguồn nước sông Đà gây ô nhiễm, trong những lần trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gốm sứ Thanh Hà - liên tục khẳng định và xác nhận thông tin nguồn dầu thải trong vụ việc là của công ty mình. Theo ông Truyền, dầu ở đây là loại dầu thải từ máy ép, một năm công ty sẽ có khoảng 400 lít dầu thải máy ép bị thải ra như vậy.
Ông Nguyễn Đức Truyền trả lời báo chí. Ảnh: LN
|
Thông tin chi tiết về nguồn dầu thải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gốm sứ Thanh Hà cho biết: "Trước đây, chúng tôi có sử dụng công nghệ đốt lốp caosu để lấy dầu nung gạch nhưng đã bỏ nhiều năm. Thời điểm hiện tại, công ty chỉ đốt và sử dụng nguyên liệu là dầu diesel.
Dầu thải từ quá trình này hay được nông dân địa phương xin về bẫy chuột nhưng từ khi bỏ trồng lúa nên chẳng ai sử dụng. Chúng tôi sau đó đã ký với Công ty Môi trường xanh Minh Phúc để xử lý chất thải. Nhưng cũng phải tích đủ một khối lượng nhất định thì Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc (có địa chỉ tại Khu 6, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) mới đến chở đi".
Khu vực chứa dầu để đốt lò của Công ty Gốm sứ Thanh Hà. Ảnh: LN.
|
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động sáng 23.10, đại diện Công ty Môi trường xanh Minh Phúc cho biết, đơn vị này đã hết hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà từ lâu. Như vậy, đã gần 2 năm nay, công ty này đã không còn hợp tác làm việc hay liên quan gì đến phía công ty của ông Nguyễn Đức Truyền.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc, sau khi hết hợp đồng đơn vị này không còn nắm được thông tin Công ty Gốm sứ Thanh Hà cung cấp, bán nguồn chất thải của nhà máy này cho ai, cho đơn vị nào xử lý.
Cũng theo tài liệu chúng tôi có được, những thông tin trên là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, theo như hợp đồng giữa Công ty Gốm sứ Thanh Hà (bên A) ký kết với Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc (bên B) có hiệu lực từ ngày 1.7.2017 đến 31.12.2017 cho thấy, trước mỗi đợt bàn giao chất thải nguy hại, bên A phải báo cáo trước cho bên B ít nhất 1 ngày để bên B có thời gian bố trí nhân lực và phương tiện vận chuyển.
Hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại giữa Công ty Môi trường xanh Minh Phúc và Công ty Gốm sứ Thanh Hà đã hết hiệu lực ngày 31.12.2017. Ảnh: LN.
|
Ngoài ra, hợp đồng cũng yêu cầu bên A phải có trách nhiệm đến cùng với chất thải đã bàn giao, phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi để cùng bên B vận chuyển và xử lý chất thải an toàn, hiệu quả và triệt để. Định kỳ có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương về quá trình thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo quy định của nhà nước.
Về đơn giá, Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc sẽ có trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại gồm bóng đèn huỳnh quang thải, giẻ lau dính nhiễm thành phần nguy hại, dầu mỡ bôi trơn thải với tổng giá trị trọn gói là 3.000.000 đồng/tháng.
Trước đó theo tìm hiểu của phóng viên, vào tháng 7.2018, người dân nhiều lần phản ánh về việc Nhà máy xử lý chất thải của Công ty Môi trường xanh Minh Phúc ngày đêm xả khói đen kịt ra môi trường khiến cuộc sống của người dân đang bị ảnh hưởng trầm trọng. Cũng trong thời gian đó, người dân sống trên địa bàn ở đây còn cho biết, mặc dù giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại của Công ty Minh Phúc đã hết hạn, đang trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền cấp lại nhưng đơn vị này vẫn ngang nhiên thu gom, xử lý.
Long Nguyễn - Phạm Đông
Lao Động
|