"Cởi trói" cho kinh tế chia sẻ
Các cơ quan quản lý nhà nước cần dỡ bỏ những rào cản pháp lý không còn phù hợp, cho phép thử nghiệm các mô hình kinh tế chia sẻ tiên phong, thay vì không quản được thì cấm
Đây là quan điểm của bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tại hội thảo "Đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ", tổ chức ngày 10-10 ở TP Hà Nội.
Thiếu khung pháp lý
Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 12-8. Mục tiêu của đề án là bảo đảm môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN) kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình và khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
Ông Nguyễn Mạnh Hải - Trưởng Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM), một trong những đơn vị tham gia xây dựng đề án - nhận định Việt Nam chưa phát triển mạnh mô hình kinh tế chia sẻ nhưng có tiềm năng rất lớn. Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở nước ta như: dịch vụ vận tải trực tuyến Uber, Grab (từ năm 2014); dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb, Triip.me; dịch vụ sửa chữa điện tử điện lạnh RADA; hình thức gọi vốn cộng đồng... Trong khi đó, chưa có quy định chung để quản lý kinh tế chia sẻ.
Việc định danh mô hình taxi công nghệ như Grab gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Ảnh: TẤN THẠNH
|
Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, cơ quan quản lý nhà nước đã lúng túng trong việc cấp giấy phép kinh doanh cho loại hình kinh tế chia sẻ do hoạt động này chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. "Lúng túng lớn nhất là xác định đúng bản chất ngành nghề để đánh thuế, điều từng gây tranh cãi lớn giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ" - đại diện CIEM nhấn mạnh.
Bên cạnh những khoảng trống pháp lý khi chưa có các chính sách về nghĩa vụ tài chính, hiện còn thiếu các chính sách bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành nghề. Cụ thể, khung pháp lý đang thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, trách nhiệm của các nền tảng như Grab hay Airbnb về việc cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý cũng đang còn bỏ ngỏ.
Trong khi các quy định về kinh tế chia sẻ còn thiếu, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng Phòng Pháp luật Kinh tế (Viện Nhà nước và Pháp luật), lại cho rằng cơ quan quản lý đang vướng mắc trong vấn đề định danh các mô hình như Grab, Mygo. "Những tranh cãi về thân phận của các hãng cung cấp dịch vụ đặt xe cũng như những tài xế sử dụng dịch vụ đó chưa hề chấm dứt. Nếu làm rõ được, nhà nước sẽ áp dụng các điều kiện kinh doanh tương ứng, tạo thuận lợi cho quản lý thuế" - ông Dương nhấn mạnh.
Cần cởi mở về chính sách
Bên cạnh lĩnh vực vận tải nêu trên, các lĩnh vực kinh doanh khác như fintech (công nghệ tài chính), cho vay ngang hàng (P2P), du lịch số cũng đang khiến khung chính sách chưa theo kịp dòng chảy của đời sống kinh tế. Mặc dù vậy, về fintech, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết cơ chế quản lý thử nghiệm cho phép các công ty khởi nghiệp, tổ chức đổi mới sáng tạo được thực hiện thử nghiệm sản phẩm, giải pháp trong một môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ trước khi cung ứng ra thị trường. Ngân hàng Nhà nước đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý lĩnh vực fintech, theo đó có trường phái cởi mở như các công ty fintech sẽ không bị bó buộc vào khuôn khổ giống như các ngân hàng truyền thống.
Góp ý về hoạt động cho vay ngang hàng, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược - Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị bổ sung P2P vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, có cơ chế đăng ký giấy phép rõ ràng với các công ty P2P. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đưa ra các giới hạn để quản lý rủi ro, như hạn mức tín dụng, loại hình cho vay.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhắc tới trong đề án mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là xây dựng thể chế cho các mô hình kinh doanh mới. Do đó, ông Nguyễn Mạnh Hải cho rằng cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp xu thế phát triển của kinh tế số, đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực DN, địa phương, người dân về mô hình kinh tế chia sẻ. Ông Hải lưu ý các chính sách khi được xây dựng phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN hoạt động kinh tế chia sẻ và DN kinh tế truyền thống, giữa các DN trong nước và DN nước ngoài.
Để hoàn thiện quản lý về mô hình kinh tế chia sẻ, đại diện CIEM đặc biệt nhấn mạnh việc hạn chế những rủi ro liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phòng ngừa thất thoát thuế cũng như các hành vi lẩn tránh thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định.
Hiểu đúng về kinh tế chia sẻ
Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, các quy định cũ về định danh dịch vụ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hợp đồng, thuế đã không đáp ứng kịp các mô hình như Uber, FastGo, Me, Mygo. Chính phủ cần tiếp cận theo hướng cởi bỏ các điều kiện kinh doanh thay vì áp dụng các điều kiện gò bó của mô hình kinh doanh truyền thống lên các mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo.
Trong việc xây dựng chính sách, cần nhất quán xác định tư cách trung gian của nền tảng với người trực tiếp tham gia hoạt động chia sẻ để tránh bị trục lợi. Bất kỳ đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ gọi xe nào tham gia cung cấp luôn cả xe sẽ không được gọi là mô hình kinh tế chia sẻ. Mới đây, FastGo công bố thông tin mua 1.500 ôtô để phát triển mô hình. Nếu FastGo mua xe giúp đối tác (tài xế) thì hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu FastGo mua xe cho chính DN này và dùng để chạy dịch vụ trên nền tảng gọi xe FastGo thì không được gọi là mô hình kinh tế chia sẻ.
|
Bài và ảnh: Minh Chiến
Người lao động