Thứ Năm, 24/10/2019 09:11

Asanzo trốn thuế như thế nào?

Qua việc kiểm tra hóa đơn chứng từ và xác minh tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế phát hiện Công ty CP Tập đoàn Asanzo có hành vi để ngoài sổ sách kế toán, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để trốn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...

* Asanzo trốn thuế hơn 40 tỷ đồng, chuyển điều tra xử lý hình sự

Asanzo trốn thuế như thế nào? - Ảnh 1.
Ông Phạm Văn Tam - chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Asanzo, giới thiệu quy trình sản xuất tivi bên trong nhà máy tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Căn cứ vào kết quả thanh tra, xác định Công ty Asanzo (Q.11, TP.HCM) có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, Cục Thuế TP.HCM đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC-03), Công an TP.HCM. Ngoài ra, Cục Thuế TP.HCM cũng ban hành quyết định xử phạt về thuế, truy thu với Công ty Asanzo tổng số tiền hơn 68 tỉ đồng.

Nhiều chiêu trốn thuế tiêu thụ đặc biệt

Trong hồ sơ vừa được chuyển giao cho PC-03, Cục Thuế TP.HCM cho biết căn cứ vào sổ sách kế toán và chứng từ, hóa đơn do Tập đoàn Asanzo cung cấp, trong năm 2019 doanh nghiệp này có phát sinh việc mua mặt hàng điều hòa nhiệt độ từ Công ty TNHH đầu tư XNK Trần Thoàn, Công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty TNHH đầu tư TM Việt Tài.

Đoàn thanh tra của Cục Thuế đã phát hiện Tập đoàn Asanzo có thực hiện hợp đồng gia công với Công ty CP công nghệ thông tin VTB. Ngày 16-9, đoàn thanh tra đã phối hợp với Phòng an ninh kinh tế (Công an TP.HCM) xác minh tại Công ty VTB và ghi nhận công ty này có nhận gia công từ Tập đoàn Asanzo.

Asanzo trốn thuế như thế nào? - Ảnh 2.
Quyết định xử phạt hành chính về thuế đối với Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo của Cục Thuế TP.HCM

Căn cứ vào sổ sách kế toán, chứng từ hóa đơn, kết quả xác minh từ VTB và giải trình của Asanzo cho thấy Tập đoàn Asanzo đã giao cho VTB gia công, lắp ráp một phần và trực tiếp gia công, lắp ráp ra thành phẩm mặt hàng "điều hòa nhiệt độ", sau đó xuất bán cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo. Công ty Trần Thoàn cũng xuất hóa đơn trực tiếp cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo mặt hàng "điều hòa nhiệt độ".

Tập đoàn Asanzo đã không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán khoản thu bán hàng cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo. Tập đoàn Asanzo cũng không khai thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo cơ quan thuế, hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn ghi mặt hàng điều hòa nhiệt độ nhưng nội dung thực là linh kiện điều hòa nhiệt độ) để hạch toán hàng hóa đầu vào là thành phẩm và khai thuế là hoạt động thương mại nhằm trốn thuế tiêu thụ đặc biệt.

Asanzo trốn thuế như thế nào? - Ảnh 3.
Đồ họa: TUẤN ANH

Cũng theo cơ quan thuế, không những khai thuế VAT đầu ra và VAT đầu vào khấu trừ không đúng quy định, doanh nghiệp này cũng vi phạm về việc kê khai chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp này cũng không khấu trừ, kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định; không xuất hóa đơn khi bán hàng, cung cấp dịch vụ...

Với giao dịch liên kết, Asanzo cũng không kê khai theo phụ lục kèm theo tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo nghị định 20/2017. Do đó, cơ quan thuế cho rằng doanh nghiệp này có nhiều tình tiết tăng nặng như vi phạm hành chính nhiều lần, có hành vi trốn tránh và che giấu vi phạm hành chính, vi phạm hành chính có số lượng lớn hoặc giá trị lớn...

Ghi cao hơn giá trị giao dịch để trốn thuế

Cũng theo hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra, cơ quan thuế cho biết Tập đoàn Asanzo có hành vi sử dụng hóa đơn đầu vào có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế.

Theo đó, các công ty không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký theo thông báo của cơ quan thuế chủ yếu do người lao động của Tập đoàn Asanzo đứng tên là người đại diện pháp luật để nhập khẩu hàng hóa, linh kiện điện tử, điện gia dụng, điều hòa nhiệt độ để xuất bán cho Tập đoàn Asanzo và các công ty thuộc tập đoàn này.

Asanzo trốn thuế như thế nào? - Ảnh 4.
Dây chuyền sản xuất tivi của Asanzo bên trong nhà máy tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Điều đáng nói là các công ty này có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, sau khi Tập đoàn Asanzo và các công ty thuộc tập đoàn này chuyển tiền cho các doanh nghiệp nêu trên, tiền đã được chuyển ngược lại cho Tập đoàn Asanzo và các công ty thuộc tập đoàn này.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Phạm Văn Tam - chủ tịch Asanzo) và các cá nhân là người lao động tại các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo đã rút ra tổng số tiền hơn 507 tỉ đồng.

Dẫn trường hợp Công ty Trần Thoàn, cơ quan thuế cho biết sau khi nhận được tiền từ Tập đoàn Asanzo và Công ty TNHH điện lạnh Asanzo, Công ty Trần Thoàn đã thanh toán cho khách hàng nước ngoài, thanh toán cho các công ty nằm trong danh sách không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký và chuyển tiền cho Công ty CP đầu tư Asanzo (thuộc hệ thống Asanzo). Đáng chú ý, bà Hoàng Thị Thu Trang - người lao động tại Tập đoàn Asanzo - đã rút tiền mặt tại Công ty Trần Thoàn!

Tương tự, thông qua việc xác minh tài khoản ngân hàng cho thấy sau khi tiền được chuyển từ Tập đoàn Asanzo và các công ty thuộc tập đoàn này vào tài khoản của Công ty TNHH sản xuất Nhật Nam (Q.1, TP.HCM), bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Phạm Văn Tam và là người lao động tại Công ty CP đầu tư Asanzo) và bà Nguyễn Kim Thanh Nguyệt (cũng là người lao động tại Công ty CP đầu tư Asanzo) đã rút tiền tại Công ty Nhật Nam.

Bà Hiền và bà Nguyệt cũng là người rút tiền tại Công ty CP viễn thông Asanzo và Công ty TNHH truyền thông Asanzo (thuộc Tập đoàn Asanzo).

Đây chỉ là 2 trong số hàng chục công ty có giao dịch với Tập đoàn Asanzo và các doanh nghiệp thuộc tập đoàn này có hiện tượng hóa đơn đầu vào cao hơn giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế.

Hoạt động chuyển tiền và rút tiền cũng diễn ra tương tự. Sau khi tiền từ Tập đoàn Asanzo và các doanh nghiệp thuộc tập đoàn này chuyển đến nhà cung cấp linh kiện hàng hóa, một phần tiền đã được các cá nhân là người lao động của Tập đoàn Asanzo rút ra.

Phạt, truy thu hơn 68 tỉ đồng

Với hàng loạt vi phạm, Asanzo bị phạt 26,3 tỉ đồng, gồm: phạt vi phạm hành chính với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế phải nộp (4,9 tỉ đồng); phạt 1,5 lần tiền thuế VAT với hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng, trốn thuế VAT, có tình tiết tăng nặng (6,29 tỉ đồng); phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt vì sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trốn loại thuế này (14,6 tỉ đồng); phạt vi phạm hành chính vì sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trên 42,5 triệu đồng)...

Ngoài ra, Cục Thuế TP truy thu thuế Asanzo với số tiền lên tới 40,5 tỉ đồng, trong đó gồm các khoản truy thu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các khoản do chậm nộp thuế. Asanzo cũng bị điều chỉnh giảm khấu trừ thuế VAT qua thanh tra số tiền trên 288 triệu đồng, phải nộp tiền chậm nộp thuế trên 1,6 tỉ đồng. Số tiền chậm nộp trên tính đến ngày 22-10, nếu Asanzo nộp sau thời gian trên sẽ phải tự tính thêm tiền chậm nộp theo quy định.

Cơ quan thuế cho biết Asanzo có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật. Cục Thuế TP cho hay Asanzo phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong 10 ngày. Với hành vi bán hàng không lập hóa đơn, Asanzo phải lập hóa đơn giao cho người mua theo quy định.

Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Ngày 16-10, Cục Thuế TP.HCM đã ký quyết định về việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo (Tập đoàn Asanzo, Q.11, TP.HCM).

Trong hồ sơ chuyển sang Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC-03) Công an TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM cho biết thực hiện quyết định thanh tra chấp hành pháp luật thuế từ năm 2016 đến tháng 7-2019 tại Tập đoàn Asanzo, Cục Thuế TP.HCM nhận thấy tập đoàn này đã thực hiện hành vi trốn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.

NHÓM PV

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu tôm sang EU giảm đột biến (24/10/2019)

>   Asanzo trốn thuế hơn 40 tỷ đồng, chuyển điều tra xử lý hình sự (23/10/2019)

>   Hải quan TP HCM đấu giá túi xách hàng hiệu (23/10/2019)

>   Công ty Gốm sứ Thanh Hà thông tin sai lệch trong vụ nước sông Đà nhiễm dầu? (23/10/2019)

>   Trước Món Huế, nhiều chuỗi F&B từng bất ngờ đóng cửa (23/10/2019)

>   Dịch vụ đặt phòng online đe dọa khách sạn bình dân (23/10/2019)

>   Cảnh báo website giả Bộ Công an, Công an Đà Nẵng, phát tán mã độc (23/10/2019)

>   Đề xuất nghỉ vào ngày Gia đình Việt Nam 28-6 (23/10/2019)

>   Cá tra trước cơ hội phục hồi ở Mỹ (23/10/2019)

>   Hà Nội công bố 'nước sông Đà có thể ăn uống' (22/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật