39 hộ không nhà bỗng dưng giờ... có nhà: Cục Thống kê TP.HCM nói gì?
Theo Cục Thống kê TP.HCM, dù các quận cho biết đã giải quyết hộ không có nhà ở trước ngày điều tra dân số hoặc báo cáo do nhập sai nhưng Cục không điều chỉnh được tại... 'lỗi' hệ thống.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, kết quả điều tra dân số sơ bộ có 39 hộ không có nhà ở. Nhưng thực tế hiện tại, nếu điều chỉnh lại theo ý kiến của các quận thì chỉ còn 37 hộ không có nhà ở. Ảnh: Lam Ngọc
|
Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở của Cục Thống kê TP.HCM chỉ 39 hộ không có nhà ở nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng con số này không sát với thực tế vì có rất nhiều người vẫn đang đi ở trọ, ở nhờ,… đều được tính vào diện có nhà ở. Mặt khác, những người lang thang, cơ nhỡ ngủ vỉa hè, lề đường nhiều vô kể nhưng lại không tính vào diện không có nhà ở.
Mới đây, theo thông tin từ Cục Thống kê cung cấp những hộ không có nhà ở tại TP.HCM gồm: 1 hộ ở Q.1, 1 hộ ở Q.4 và 37 hộ ở huyện Cần Giờ. PV Thanh Niên đã liên hệ lãnh đạo của các địa phương này để tìm hiểu về đời sống của những hộ không có nhà theo "chuẩn" thống kê.
Kết quả cũng thật bất ngờ Q.4 cho biết chỉ con số 1 hộ không có nhà ở tại quận chỉ là sai sót trong quá trình nhập dữ liệu vì ai cũng có nhà ở P.Bến Thành (Q.1) cũng thắc mắc, trường hợp không nhà ở này đã được giải quyết xong trước ngày tổng điều tra mà sao vẫn còn trong thống kê. 37 hộ không có nhà ở tại H.Cần Giờ là vì có nhà ở tỉnh khác.
Chúng tôi đã cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Đỉnh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở TP năm 2019 kiêm Trưởng phòng thống kê Dân số - Văn xã (thuộc Cục Thống kê TP.HCM) về vấn đề này.
Lấy kết quả từ trước ngày tổng điều tra
* Thưa ông, theo công bố của Cục Thống kê, Q.1 và Q.4 có 1 trường hợp không có nhà ở. Khi chúng tôi xác minh thực tế, Q.1 cho biết đã giải quyết trước ngày tổng điều tra, Q.4 thừa nhận do sai sót nhập dữ liệu và đã báo cáo Cục trước ngày công bố nhưng kết quả vẫn không được cập nhật, vì sao?
Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh: Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 gồm có 2 giai đoạn theo đúng chuẩn của UNICEF. Giai đoạn 1 là điều tra bước đầu, bắt đầu từ tháng 12.2018 chúng tôi lập bảng kê để nắm sơ bộ tình hình, chia địa bàn cho điều tra viên. Đúng 0 giờ ngày 1.4.2019 là giai đoạn 2, điều tra chính thức.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, P.Bến Thành có 1 trường hợp không có nhà ở. Ngay khi nắm thông tin, phường đã xử lý xong trước ngày 1.4.2019. Nhưng trên hệ thống dữ liệu đó đã được cập nhật nên vẫn nằm trong diện thống kê.
Những người lang thang, cơ nhỡ được xếp vào diện nhân khẩu đặc thù, chỉ tính họ vào tổng số dân TP chứ không xét việc có nhà hay không có nhà. Ảnh: Lam Ngọc
|
Trường hợp Q.4 là do sai sót nhập dữ liệu. Ban đầu, tôi theo dõi trên hệ thống thấy có mấy chục hộ tại Q.4 không có nhà ở nên yêu cầu địa phương kiểm tra và nhập lại. Sau khi kiểm tra và nhập lại, vẫn còn sót 1 hộ không có nhà ở. Tôi không tác động để thay đổi kết quả được, mà chính người điều tra viên nhập mới thay đổi được. Tuy nhiên, cũng tùy thời điểm. Khi dữ liệu khóa rồi thì chúng tôi không thể thay đổi được.
Do đó, khi Q.4 báo lại còn 1 hộ không có nhà vẫn là sai sót nhưng không thay đổi được là vì vậy.
*Nhưng thực tế bây giờ 2 quận này không còn hộ không có nhà ở theo “chuẩn” thống kê, Cục sẽ xử lý thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh: Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình rà soát lại từ các số liệu sơ bộ. Nếu phát hiện sai sót sẽ điều chỉnh cho phù hợp trước khi báo cáo kết quả điều tra chính thức ra Tổng Cục Thống kê. Ví dụ: hai người có mối quan hệ cha, con thì phải chênh nhau ít nhất 18 tuổi, anh chị em ruột trong nhà không thể sinh cách nhau 5,6 tháng,… những trường hợp như vậy điều tra viên sẽ phải ghi nhận để cập nhật lại. Hai trường hợp ở Q.1 và Q.4 cũng sẽ được điều chỉnh. Thống kê nào cũng có xác suất sai số, chúng tôi thống kê trên 2,5 triệu hộ dân, tỉ lệ sai sót ở mức dưới 1% đã là quá nhỏ rồi.
Tổng Cục Thống kê sẽ công bố số liệu chính thức vào ngày 26.12.2019 - ngày dân số thế giới.
'Người lang thang không tính vào diện có nhà vì... chắc chắn không có nhà'
* 37 trường hợp tại H.Cần Giờ thuộc diện không có nhà ở tại TP.HCM là vì tại TP.HCM họ sống trên ghe và có nhà ở tỉnh khác. Vậy tại sao vẫn tính là không có nhà ở?
Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh: Thời gian qua, mọi người đang hiểu ở trên ghe vẫn được tính là có nhà ở nên phản ứng gay gắt. Đây chỉ là hiểu lầm. Họ phải ở trên ghe lớn, diện tích phòng ngủ đảm bảo trên 4m2, chiều cao từ sàn đến mái ít nhất 2m cùng điều kiện đầy đủ sàn, vách, mái và được dùng để ở.
Người đàn ông ngủ trên vỉa hè đường Hoàng Diệu (Q.4, TP.HCM). Ảnh: Lam Ngọc
|
Những ghe đánh bắt hải sản ở Cần Giờ là ghe nhỏ không đảm bảo các điều kiện nêu trên. Họ có nhà nơi khác nhưng do đặc thù công việc, thời gian đa số ở Cần Giờ và ngủ luôn trên ghe nên tính vào là người dân của TP.HCM.
Tôi xin nhấn mạnh, trường hợp nhà bè ở trên sông, hồ có đầy đủ 3 bộ phận: sàn, mái, tường và được dùng để ở mới được tính là nhà ở, chứ không phải ở trên ghe nào cũng tính là có nhà ở.
* Xin hỏi ông, những người lang thang cơ nhỡ hằng đêm ngủ ngoài đường vì sao không được tính vào diện không có nhà ở?
Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh: Khi điều tra dân số và nhà ở, chúng tôi chỉ tính hộ có nhà ở trên số liệu nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ là: những người ăn, ở tại hộ từ 6 tháng trở lên không phân biệt có hộ khẩu hay không.
Nhân khẩu đặc thù là những người sống trong địa bàn điều tra đặc thù, gồm: những người sống trong nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, các cơ sở xã hội; học sinh, sinh viên đang ở tập trung, các tu sĩ, nhà sư; công nhân sống trong khuôn viên công ty, nhà máy; những người lang thang, cơ nhỡ,…
Khi tính số hộ không có nhà ở, chúng tôi chỉ tính trên số liệu nhân khẩu thực tế thường trú chứ không tính nhân khẩu đặc thù. Riêng đối tượng người lang thang, cơ nhỡ đúng 0 giờ ngày 1.4.2019, công an của tất cả các phường phối hợp điều tra viên đã đi kiểm tra để lên danh sách. Chúng tôi không tính người lang thang, cơ nhỡ vào diện có nhà hay không có nhà vì họ lang thang chắc chắn là không có nhà rồi. Số liệu về những người lang thang, cơ nhỡ chúng tôi đang xử lý và sẽ chuyển cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khi có yêu cầu.
* Theo ông, kết quả sơ bộ về tổng điều tra dân số và nhà ở vừa công bố có điều gì đáng lưu ý?
Ông Nguyễn Ngọc Đỉnh: Theo tôi, điều đáng lưu ý là mức sinh thay thế hiện nay của người dân TP.HCM ngày một thấp. Ngày trước, mỗi gia đình có tỉ lệ sinh là 2 con nhưng giờ chỉ là từ 1-2 con, thấp hơn so với các tỉnh khác. Có thể do áp lực công việc, họ muốn có thời gian đầu tư, chăm sóc tốt con cái. Đây cũng là xu thế của những nước phát triển như Hàn Quốc.
TP.HCM tăng dân số chủ yếu do dân nhập cư, hiện TP đang được lợi thế đó. Trường hợp mất đi lợi thế này, dân số TP sẽ bị già hóa, không có lao động trẻ.
Xin cảm ơn ông!
Vũ Phượng
Thanh niên